Quá trình tiếp xúc, giao lưu văn hóa giữa các quốc gia - dân tộc là một thực tại tất yếu, xuyên suốt trong lịch sử của bất kỳ một quốc gia - dân tộc nào trên thế giới. Trong đó, những nhà văn hóa đóng một vai trò hết sức quan trọng. Họ vừa là chủ thể, vừa là tác nhân, lại vừa là sản phẩm tuyệt vời của quan hệ giao lưu văn hóa giữa dân tộc này với dân tộc khác. Trong giao lưu văn hóa Việt - Nga, nhà Việt Nam học nổi tiếng thế giới người Nga, Viện sĩ N.I.Niculin (1931 - 2006) chính là một trong những nhà văn hóa như vậy.
Giáo sư, viện sĩ Nicolai Ivanovits Niculin. |
Về những đóng góp to lớn của Niculin cho ngành Việt Nam học, nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích và đánh giá khá chi tiết, người viết bài này sẽ không nhắc lại mà chỉ xin kể ra ở đây một “thu hoạch” thú vị nho nhỏ khi đọc tuyển tập nghiên cứu có tên Dòng chảy văn hóa Việt Nam của ông (Hồ Sĩ Vịnh và Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn và giới thiệu. NXB Văn hóa thông tin, 2006). Hóa ra, không cần phải chờ đến Cách mạng Tháng 10 Nga bùng nổ thì người Việt Nam mới biết tới đất nước Nga băng tuyết xa xôi, và từ đó, những mối liên hệ Việt - Nga mới bắt đầu được thiết lập. Niculin cho biết: Ở những năm cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, tại Lixbon (Bồ Đào Nha) có một linh mục người Việt tên là Philipphê Bỉnh đã theo dõi và viết (bằng chữ quốc ngữ) về nước Nga với những tình cảm hữu ái chân thành. Philipphê Bỉnh đến Bồ Đào Nha năm 1796 và sống tại đó hơn 35 năm, do vậy mà ông có dịp trở thành người làm chứng cho những sự kiện làm khuynh đảo châu Âu của quân đội Napoleon. Sẵn có ác cảm với Hoàng đế nước Pháp (Napoleon từng bắt Giáo hoàng La Mã làm tù binh), Philipphê Bỉnh đã chào mừng chiến thắng của nước Nga trong cuộc chiến tranh vệ quốc năm 1812 trước quân viễn chinh Phalansa (Pháp). Ông tường thuật rất sinh động về chiến thắng và tất nhiên, không hề che giấu niềm thích thú: “Thượng vị Phalansa quyết thân chinh cùng đem những vua chúa vốn là những người thân thích của mình cùng quân đội các nước phương Tây sang, khi đến nơi thì thượng vị Russia (Nga) không đánh mà truyền cho quân mình rút lui; vua Phalansa chiếm được Kẻ chợ (tức Matxcơva) cùng nhiều tỉnh khác mà nghĩ rằng chúng đã đến được thành phố này thì phải chiếm được thành phố khác, đến được tỉnh này thì cũng phải chiếm được tỉnh khác. Russia giả vờ sợ vì chẳng muốn đánh trả vào những ngày hè, có ý đợi mùa đông vì bên ấy rét lắm người phương Tây chịu chẳng được. Điều ấy chẳng sai vì đến ngày mùa đông mà Russia ra mặt đánh, thì muốn chém ai thì chém, hay là muốn bắt sống ai thì bắt vì quân phương Tây cóng tay chẳng cầm gươm được, liền bại trận mà mất hết quân cũng như tướng” (Mối cảm tình của một người Việt Nam ở thế kỷ XVIII đối với nước Nga. Sdd, tr 504). Còn đây là một ví dụ khác mà Niculin cho biết về mối quan hệ sớm, ở chiều ngược lại, chiều Nga - Việt: cuộc gặp gỡ giữa nữ văn sĩ Nga Tachiana Lvovna Sepkina Kubernik và vua Hàm Nghi trên đất Algieri, năm 1902. Nhà văn nữ người Nga đi du lịch ở Bắc Phi, tại Algieri bà có dịp tiếp xúc, trò chuyện (bằng tiếng Pháp) với ông hoàng Việt Nam bị phế truất và đang phải chịu sống kiếp lưu đày. Thán phục và cảm thông sâu sắc trước con người của nhà vua, nữ văn sĩ Nga đã viết về ông đầy trân trọng trong bài bút ký có tựa đề Hoàng tử Lí Tông (in năm 1903, trong tập Những bức thư từ phương xa). Bà nhận ra ở ông “tiềm ẩn một tâm hồn nghệ sĩ lớn”, một khát vọng tự do, độc lập, cũng như lòng căm thù những kẻ thực dân. Hơn thế, Hàm Nghi không chỉ biết về nước Nga, nghĩ về nó, mà ông còn ước mơ đến đó. Ta có thể đọc thấy một đoạn trích từ bài bút ký của bà: “Sau đó chàng nói - Tôi ao ước được thấy tuyết trắng và thảo nguyên của quê hương chị... - Thì chàng hãy đến với chúng tôi! Tôi buột miệng chẳng kịp nghĩ ngợi gì. Hoàng tử buồn bã cúi đầu. Khi chàng ngẩng đầu lên, đôi mắt chàng đẫm lệ. - Tôi là con chim đã bị buộc cánh rồi, - chàng nói nhỏ và mỉm cười như thường lệ, cái cười khiến tim ta đau nhói” (Vua Hàm Nghi và nữ văn sĩ Nga. Sách đd, tr 480).
Xét ở một phương diện nhất định, những phát hiện về tư liệu - như đã nêu bằng hai ví dụ trên - quả không mấy... to tát gì trong sự nghiệp của một nhà nghiên cứu tầm cỡ như Giáo sư Viện sĩ Nicolai Ivanovist Niculin. Nhưng cũng dễ thấy, nếu không phải là người quan tâm sâu sắc đến Việt Nam và những mối quan hệ văn hóa giữa Việt Nam với thế giới bên ngoài, chắc chắn Niculin sẽ không bao giờ tìm ra những tư liệu đã bị thời gian phủ bụi ấy (và nhiều tư liệu thú vị khác nữa). Cái nhỏ vốn đã nằm sẵn trong lòng một mục đích, một hướng đi lớn. Và chính đó là những cái nhỏ góp phần giúp chúng ta hình dung đầy đủ hơn về một nhà văn hóa xuất sắc, người đã có công không hề nhỏ trong việc tạo một nhịp cầu cho mối quan hệ văn hóa Việt - Nga.
Hoài Nam