Một nhà giáo, nhà văn đáng kính

20-11-2011 12:16 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nhà báo, nhà văn, nhà giáo, học giả Lê Văn Hòe, sinh ngày 1/11/1911 tại thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Lê Văn Hòe là học sinh Trường Bưởi, nhưng sau cuộc bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh của học sinh trường này,

Nhà báo, nhà văn, nhà giáo, học giả Lê Văn Hòe, sinh ngày 1/11/1911 tại thôn Mỗ Xá, xã Phú Nam An, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Lê Văn Hòe là học sinh Trường Bưởi, nhưng sau cuộc bãi khóa để tang cụ Phan Chu Trinh của học sinh trường này, cụ thôi học và khởi đầu làm báo, viết văn và dạy học. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, cụ được những cây bút của Hội Văn hóa Cứu quốc ủng hộ giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa cùng với nhà văn Nguyễn Đinh Thi (1946).

 Nhà giáo, nhà văn Lê Văn Hòe.
Từ nhà báo, nhà văn...

Vân Hạc là bút danh của cụ Lê Văn Hòe. Thực ra, cho đến nay chẳng ai biết chắc rằng cụ Lê Văn Hòe khởi nghiệp bằng công việc gì, dạy học, làm báo, viết văn, nghiên cứu, phê bình văn học, biên soạn sách lịch sử hay dịch các tác phẩm nước ngoài. Chỉ biết rằng năm 1936, trong phong trào Mặt trận Dân chủ sôi nổi ở nước ta, cụ tham gia Ban Biên tập báo Đời mới. Tờ báo này chỉ ra được 6 số thì bị chính quyền thực dân đóng cửa. Sau đó, Lê Văn Hòe làm Chủ bút tờ Ngọ báo (sau đổi tên là Việt báo) và phụ trách phần nghiên cứu của tờ Trung Bắc chủ nhật.

Năm 1945, cụ Lê Văn Hòe làm Chủ bút tờ nhật báo Quốc gia do cụ Trần Huy Liệu làm chủ nhiệm. Đây là tờ báo công khai tuyên truyền ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Cách mạng tháng Tám thắng lợi, cụ làm Trưởng Ban Tuyên truyền sáng tác Trung ương đời sống mới, sáng tác và vận động sáng tác ca ngợi, cổ vũ chế độ mới của đất nước vừa thoát khỏi ách nô lệ.

Nhưng từ khi mới 16 tuổi (1927), cụ Lê Văn Hòe đã cho xuất bản cuốn Khai tâm luân lý, một cuốn sách giáo khoa về luân lý, đạo đức dành cho tuổi mầm non. Trước đó, năm 1941, cụ mở Nhà xuất bản Quốc học thư , vừa làm Giám đốc vừa viết sách nghiên cứu văn học và sử học đã xuất bản tất cả 38 đầu sách, trong đó gồm nhiều thể loại như: sáng tác, nghiên cứu, phê bình, tư liệu bách khoa đại từ điển, sách giáo khoa, sách dịch. Riêng loại sách tư liệu bách khoa đại từ điển chiếm gần một nửa, 15 cuốn, sách giáo khoa có 9 cuốn.

Cụ Lê Văn Hòe là một nhà báo đáng kính nể trong làng báo chí Việt Nam ngay từ những ngày còn trứng nước. Cụ còn là một học giả uyên thâm, tác giả của nhiều công trình khảo cứu văn chương rất có giá trị, đặc biệt là cuốn Truyện Kiều chú giải cho đến nay vẫn là nguồn tài liệu tin cậy, giúp cho nhiều thế hệ các học giả sau này tiếp tục đi sâu tìm hiểu tuyệt tác này của Đại thi hào Nguyễn Du.

Cụ Lê Văn Hòe có thái độ kiên quyết, rõ ràng, không dễ chịu khuất phục trước những yêu cầu, đòi hỏi vô lý của quan lại và chính quyền thực dân đương thời. Vì thế nên cụ từng bị chính quyền bảo hộ gây nhiều phiền toái. Thậm chí vào đầu những năm 40, khi cụ Hòe được anh em tín nhiệm bầu vào lãnh đạo Nghiệp đoàn báo giới Bắc Kỳ, thì đã bị chính quyền thực dân gạch tên.

 Tác phẩm của học giả Lê Văn Hòe.

...đến người thầy đáng kính Lê Văn Hòe

Từ năm 1954, cụ Lê Văn Hòe làm giáo viên giảng dạy văn học và lịch sử ở Trường Albert Saraut cho đến 1964, sau đó về Trường cấp 2 Tam Hiệp, Thanh Trì dạy học tiếp và mất ngày 13 tháng 12 năm 1968 tại nhà riêng ở 74 phố Tô Hiến Thành, Hà Nội.

Cùng với việc viết và cho in nhiều sáng tác, nghiên cứu, phê bình, khảo cứu, tác phẩm dịch... ông đã để lại cho hậu thế một khối lượng sách giáo khoa vô cùng đồ sộ gồm: Khai tâm luân lý. Hà Nội, 1927, Thành ngữ cách ngôn, Văn pháp Việt Nam, Luận thi tiểu học, Luận thi trung học, Phép làm luận, Sử ký lớp nhất (tiểu học), Sử ký lớp nhì, Luận lớp nhất (tiểu học), Luận lớp nhì, Luận đệ thất đệ lục...

Chưa cần bàn đến nội dung chất lượng của những cuốn sách trên mà thầy giáo, học giả Lê Văn Hòe đã để lại cho đời, chỉ xét riêng công sức mà cụ bỏ ra để làm từng ấy việc cũng đủ biết năng lực lao động của cụ phi thường biết nhường nào. Đặt vào hoàn cảnh lúc bấy giờ, nhà cụ phải đi tản cư vào vùng tự do, nhưng vì đông con, cụ lại mang gia đình về Hà Nội vừa kiếm kế sinh nhai, vừa nuôi dạy con cái, rồi đi dạy học, viết và in báo, sách... chúng ta mới thấy hết được cái tâm, cái trí, cái lực của nhà giáo Lê Văn Hòe. Đương nhiên là do sự biến đổi của lịch sử xã hội, cũng như sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ thời gian sau này, những cuốn sách giáo khoa của cụ viết thời kỳ những năm đầu thế kỷ XX, đến nay không còn phù hợp đối với việc giảng dạy trong nhà trường nữa, nhưng chắc chắn rằng đấy là những viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho nền giáo dục Việt Nam. Từ năm 1927, khi cụ Lê Văn Hòe mới 16 tuổi đã soạn cuốn Khai tâm luân lý. Đứa trẻ sau khi được sinh ra trên cõi đời này, để có thể trở thành một đứa con ngoan, trò giỏi, một người có ích cho xã hội thì trước hết cần phải được “khai tâm” về mặt luân lý. Tức là trước khi nó bước ra đời để làm một con người xã hội, thì đứa trẻ cần phải biết phân biệt ông, bà, bố mẹ, anh, chị, em trong nhà. Cùng với sự phân biệt ngôi thứ ấy, người lớn cần phải dạy cho đứa trẻ cách ứng xử lễ phép đối với từng người theo phép kính trên, nhường dưới. Chỉ như vậy để chúng ta đủ biết được cụ Lê Văn Hòe, cách đây gần một thế kỷ, lần đầu tiên đã soạn một cuốn sách giúp cho các bậc cha, mẹ, thầy cô đi vào căn cơ, cốt lõi nhất trong việc giáo dục con trẻ. Tư tưởng đó của cụ đến nay và mãi về sau vẫn còn giữ nguyên giá trị.

Tấm gương sáng về tinh thần lao động hăng say, miệt mài, nghiêm túc, tầm vóc trí tuệ uyên bác, cũng như cái tâm sâu rộng trong mọi công việc của cụ Lê Văn Hòe đáng để cho các thế hệ con cháu muôn đời về sau học tập noi theo.

Tiến Thành

Ý kiến của bạn