Một nhà điêu khắc độc đáo

14-07-2013 14:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nói “một” Lê Ðình Quỳ ở đây, trước hết vì ông là người có số lượng tượng lớn được dựng tại nhiều tỉnh, thành phố nhất hiện nay. Và “một” nữa là chuyện nhà điêu khắc họ Lê này đã từng dám phản biện lại những học thuật về vũ trụ của các nhà khoa học thiên văn trên thế giới bấy lâu nay, bằng “Giả thuyết mới về nguồn gốc vũ trụ” của chính mình vào năm 1984…

Nói “một” Lê Ðình Quỳ ở đây, trước hết vì ông là người có số lượng tượng lớn được dựng tại nhiều tỉnh, thành phố nhất hiện nay. Và “một” nữa là chuyện nhà điêu khắc họ Lê này đã từng dám phản biện lại những học thuật về vũ trụ của các nhà khoa học thiên văn trên thế giới bấy lâu nay, bằng “Giả thuyết mới về nguồn gốc vũ trụ” của chính mình vào năm 1984…

Khi nghe Lê Đình Quỳ trình bày “Giả thuyết mới về nguồn gốc vũ trụ” của mình, các nhà khoa học đã bị một khí lực bất thường thu hút và đều sửng sốt bởi sự khám phá táo bạo của một nghệ sĩ. Mấy năm sau, Lê Đình Quỳ bất ngờ được kết nạp vào Hội Thiên văn học (năm 2000). Cuốn sách in giả thuyết mới của Lê Đình Quỳ đã phát hành năm 2004 tạo một dấu ấn độc đáo cho ngành khoa học vũ trụ hiện nay. Đúng là sự kỳ lạ của một người chỉ được học cầm đục, búa tạc tượng trên đá.
Một nhà điêu khắc độc đáo 1
 Nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ.

Chính vì cái sự lạ đó mà những ánh xạ trong tư duy trừu tượng của ông đã được nhập đồng vào những tác phẩm, nhất là tranh của Lê Đình Quỳ hướng tới một biểu hiện theo phong cách trừu tượng thiên văn hay trừu tượng vũ trụ như một số nhà chuyên môn nhận xét. Cho dù đó chỉ là cái tên gọi, nhưng phần nào khẳng định một trữ lượng sáng tạo đặc biệt với hàng trăm bức tranh sơn dầu khổ lớn mà ông đã vẽ trong hàng chục năm qua cùng với hàng trăm tác phẩm điêu khắc lớn nhỏ, đều có dấu ấn sắc thái cao rộng, thâm trầm, mãnh liệt trong cảm xúc.

Nghe những điều hoành tráng vậy, nhưng có ai biết ông đã phải trải qua nhiều thời đoạn hết sức cam go trong đường đời. Riêng chuyện học hành của Lê Đình Quỳ cũng là một sự lạ. Cậu bé họ Lê kia chỉ mải vẽ chép những cảnh hoa lá và đồng quê qua ảnh mà dám liều gửi lên trường Mỹ thuật trên Hà Nội để xin nhập học. Nhưng không ngờ, một học trò mới tốt nghiệp lớp 7 ngày ấy đã được nhập học lớp sơ cấp, năm 1959. Lại nhớ, khi thầy giới thiệu Lê Đình Quỳ với bạn học trong lớp, với một giọng hài hước rằng, đây là một thợ truyền thần nổi tiếng ở Thanh Hóa. Cả lớp cười rộ. Lê Đình Quỳ lặng người nhưng lại mỉm cười và thầm hạ quyết tâm học thật giỏi. Quả nhiên, đã có một Lê Đình Quỳ trẻ trung mới lạ với nhiều triển vọng trên con đường nghệ thuật. Người trai đất Thanh này, chỉ ít lâu sau, được xếp vào danh sách đi thi vào Trường Hội họa ở Ki-ép (Liên Xô cũ). Nhưng có điều, trong khi chờ đợi, anh phải học văn hóa cấp tốc để có trình độ cấp 3 mới đủ tiêu chuẩn đi thi. Thời gian chỉ có 3 tháng. Thế là Lê Đình Quỳ tập trung học ngày đêm để lấy bằng phổ thông trung học. Vào cuộc thi, cả chuyên môn và văn hóa, Lê Đình Quỳ đã vào hàng đỗ đầu, sau đó trở thành sinh viên ngành điêu khắc của Đại học Mỹ thuật Ki-ép.

Nhưng trớ trêu thay, khi nhập học với trình độ sơ cấp dở dang về hội họa, Lê Đình Quỳ không theo kịp các bạn cùng lớp, nhất là về trình độ họa hình cơ bản. Nhà trường đã có ý định trả Lê Đình Quỳ về nước, nhưng anh đã mạnh dạn đề nghị cho anh thêm 1 năm để tự học và nâng cao trình độ theo kịp các bạn. Lê Đình Quỳ hứa nếu cuối năm điểm thi kém sẽ tự nguyện xin về nước. Để đạt nguyện vọng, anh đã không quản ngày đêm chép giáo trình trên thư viện để học và đọc thêm các sách báo viết về chuyên môn. Với vốn tiếng Nga giỏi, Lê Đình Quỳ say mê ghi chép, nghiên cứu, học tập tiến bộ vượt bậc, trở thành sinh viên xuất sắc. Cùng với đó, anh còn có nhiều tác phẩm điêu khắc, đạt điểm cao và là niềm tự hào của các thầy trực tiếp đào tạo anh.

Một nhà điêu khắc độc đáo 2
 Tượng đài ở nhà tù Phú Quốc.

Rồi mọi chuyện đâu có xuôi chèo mát mái, khi đất nước Liên Xô ngày ấy rơi vào khủng hoảng về chính trị, tất cả những sinh viên Việt Nam ở các trường đại học đều phải về nước. Lê Đình Quỳ cùng một số sinh viên về tiếp tục nhập trường Mỹ thuật Việt Nam học nốt năm cuối. Năm 1965, thi tốt nghiệp, họa sĩ trẻ Lê Đình Quỳ đã đạt điểm tối ưu, đỗ thủ khoa và được về làm việc tại Thanh Hóa. Ngỡ như con đường thênh thang rộng mở với một tiền đồ sáng lạn khi Lê Đình Quỳ được Hội Văn nghệ tỉnh tạo điều kiện tốt nhất, nhưng rồi mọi chuyện chỉ dừng lại với những công việc sự vụ, tuyên truyền, ít có điều kiện phát huy tiềm lực sẵn có và niềm khát khao sáng tạo đến vô bờ của Lê Đình Quỳ. Cho dù ngày đó anh đã có tác phẩm nổi tiếng Lão dân quân Hoằng Trường sáng tác năm 1969, nhưng đành phải ra đi trong âm thầm cùng những ý tưởng lớn lao, không thể thực hiện.

Đi đâu đây? Bạn bè khơi gợi nhiều dự định, cuối cùng Lê Đình Quỳ lên Hà Nội, thuê nhà ở phố Yết Kiêu với diện tích 9m2 để làm xưởng vẽ và nặn tượng. Nhưng đâu dễ có việc ngay với một họa sĩ tự do như anh vào những năm cuối thập niên 80 và đầu những năm 90. Anh nhẫn nại nhận mọi việc, không nề hà để kiếm ăn cho qua ngày chờ đợi cơ hội. Trong một thời gian dài Lê Đình Quỳ phải nhận cả việc của người đẽo tên cho những người chết hoặc làm bia đá, vẽ hình truyền thần để chôn ở những nấm mồ... Nhưng vì miếng cơm manh áo, anh vẫn cắn răng chịu đựng.

Và cơ hội đã đến, sau khi làm một số phù điêu trên đập thủy điện Hòa Bình, do bạn nghề giới thiệu, mô hình tượng đài Nguyễn Trãi của anh đã đoạt giải Nhất trong cuộc thi của tỉnh Hà Tây. Năm 1995, tượng đài Nguyễn Trãi cao 9m của Lê Đình Quỳ được thi công tại vườn hoa trên sông Nhuệ, TP. Hà Đông. Thành quả này mở ra cơ hội lớn cho sự nghiệp điêu khắc của Lê Đình Quỳ. Quả nhiên, năm sau, anh trúng liền hai dự án trong cuộc thi thiết kế tượng đài do Binh chủng Phòng không và Không quân tổ chức năm 1996. Hai cụm tượng đài của anh đã được thi công liền một lúc, Tượng đài Phòng không tại Bảo tàng Phòng không trên đường Trường Chinh và Tượng đài Không quân trên đồi Sóc Sơn.

Một nhà điêu khắc độc đáo 3
 Thiếu nữ - Tượng của Lê Đình Quỳ.

Đến lúc này, gia đình anh mới có điều kiện “tậu” một ngôi nhà ở trong một ngõ nhỏ nằm trên con dốc đường Minh Khai, thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Gia đình anh vẫn ở cho đến nay sau hơn hai mươi năm miệt mài trên mọi nẻo đường sáng tạo và dựng tượng. Mảnh đất này dường như đem lại cho họa sĩ Lê Đình Quỳ nhiều lộc trong suốt những năm tháng sau này. Hàng chục dự án tượng đài lớn nhỏ đến tay nhà điêu khắc này. Đặc biệt, khá nhiều tượng đài về đề tài lịch sử và cách mạng đã gắn bó với thương hiệu Lê Đình Quỳ. Cùng với Tượng đài không quân cao 27m, ông còn dựng hơn chục tượng đài đều cao khoảng từ 20 - 25m, rải khắp 3 miền đất nước. Cao nhất là tượng đài Vĩnh Long chiến thắng cao tới 31m tính cả bệ. Đó là những con số “khủng” về cả hai phương diện: số lượng  (17 tác phẩm) và chiều cao tượng đài. Thành tựu của Lê Đình Quỳ về tượng đài cách mạng đã được Nhà nước ta trao giải thưởng năm 2007 cho 3 tác phẩm lớn là: Lão dân quân Hoằng Trường, Không quân Việt Nam và tượng đài Ngã ba Đồng Lộc.

Đầu năm 2013, tác phẩm Lão dân quân Hoằng Trường của ông đã được tỉnh Thanh Hóa cho xây dựng tại xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa cũng với chiều cao 21m nhân kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân kỷ niệm 40 năm ngày Bác Hồ gửi thư khen ngợi các cụ lão quân Hoằng Trường bắn rơi máy bay Mỹ. Đồng thời mới đây, họa sĩ Lê Đình Quỳ đã cho khánh thành khu Bảo tàng mỹ thuật lưu giữ các tác phẩm của hai vợ chồng ông với 27 phòng trưng bày tranh và tượng trong một khuôn viên rộng 4.000m2, tại chính làng quê ông ở Thanh Hóa. Đây cũng là một bảo tàng hội họa tư nhân lớn nhất hiện nay, đánh dấu một chặng đường dài sáng tạo của Lê Đình Quỳ, minh chứng một sức vóc thật vạm vỡ cho cái tên sáng chói Lê Đình Quỳ, một tài năng lớn của nền hội họa Việt Nam. 

Cảnh Linh


Ý kiến của bạn