Một người tử vong vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn, bác sĩ chỉ rõ căn bệnh nguy hiểm này

03-06-2019 15:19 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Mới đây, một người đàn ông ở Quảng Bình đã tử vong vì nhiễm trùng do liên cầu lợn từ tiết canh.

Theo đó, vào ngày 31/5 người đàn ông  62 tuổi, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình được người nhà đưa vào BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới Quảng Bình trong tình trạng nguy kịch, lơ mơ,  huyết áp không đo được, xuất hiện nhiều ban tím toàn thân, nhất là vùng 2 cẳng tay và được chẩn đoán sốc nhiễm trùng do liên cầu lợn.

Theo lời kể của người nhà nạn nhân, trước đó ông này có ăn tiết canh, lòng lợn. Một ngày sau đó, thấy mệt mỏi chán ăn, đau bụng, buồn nôn và nổi ban tím nên được gia đình đưa đi cấp cứu

Khi tiếp nhận, các bác sĩ đã dùng kháng sinh theo phác đồ của Bộ Y tế nhưng tình trạng bệnh nhân không cải thiện mà có chiều hướng xấu đi, các ban hoại tử tiếp tục lan rộng, tiên lượng xấu nên gia đình đã xin đưa về quê và tử vong sau đó.

Nhiễm liên cầu khuẩn lợn không tử vong thì cũng để lại di chứng nặng nề

Một điều đáng nói là mặc dù các bác sĩ đã liên tục cảnh báo về tình trạng người dân ăn tiết canh lợn bị tử vong hoặc để lại những di chứng nặng nề nhưng không vì nhiễm liên cầu lợn, tuy nhiên hàng năm các vụ việc do ăn tiết canh và tử vong và nhiễm liên cầu lợn vẫn được ghi nhận tại các địa phương.

Theo báo cáo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Tp. Hồ Chí Minh, hằng năm Bệnh viện tiếp nhận điều trị từ 30 – 50 trường hợp mắc bệnh do liên cầu khuẩn lợn.

TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP. Hồ Chí Minh cho biết, liên cầu khuẩn lợn là một loại vi khuẩn sống thường trú ở đường hô hấp (họng, mũi và đường thở), đường tiêu hóa (ruột, phân heo) và đường sinh dục của lợn. Thông thường, lợn có thể mang vi khuẩn trong cơ thể mà không có biểu hiện bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như ở lợn con hoặc lợn mắc bệnh heo tai xanh (một bệnh lý do siêu vi), vi khuẩn có thể gây bệnh cho heo như: viêm phổi, viêm khớp, nhiễm trùng máu, viêm màng não và sẩy thai.

Khi nhiễm liên cầu khuẩn lợn, một số ít bệnh nhân (5-10%) bị thể choáng nhiễm trùng với biểu hiện nhiễm trùng máu nặng như: sốt cao, xuất huyết từng mảng lớn trên da, có thể bị hoại tử ngón tay, ngón chân và nhanh chóng đưa đến trụy mạch, suy gan, suy thận và tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời. Tỷ lệ tử vong của thể viêm màng não mủ vào khoảng 5-10%, nhưng nếu bệnh nhân bị thể choáng nhiễm trùng thì tỷ lệ này lên đến 60%. Đối với bệnh nhân khỏi bệnh, khoảng 30-60% bệnh nhân bị tổn thương thính lực: từ ù tai, nghe kém cho đến điếc hoàn toàn.

Bs. Nghĩa cũng cho biết, bệnh liên cầu khuẩn lợn gây ra nhiều tổn thất về sức khỏe và kinh tế cho cộng đồng. Nhiều bệnh nhân bị điếc sau khi mắc bệnh và một số trường hợp tử vong do không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Chi phí điều trị có khi lên đến cả trăm triệu đồng do bệnh nhân phải thở máy, lọc máu và nằm điều trị dài ngày ở bệnh viện.

Một trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn lợn

Biểu hiện của bệnh

Ở người, vi khuẩn chủ yếu gây hai thể bệnh: viêm màng não mủ (nhiễm trùng sinh mủ ở hệ thống màng bao bọc quanh não và tủy sống) và choáng nhiễm trùng (nhiễm trùng máu nặng có trụy mạch). Bệnh thường xảy ra ở nam và ở lứa tuổi trung niên từ 40-60 tuổi.  Khoảng 90-95% bệnh nhân bị thể viêm màng não mủ với biểu hiện là sốt cao, nhức đầu dữ dội, đau vùng sau gáy, kèm nôn ói liên tục.

Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ nhanh chóng bị mê sảng và hôn mê. Một số ít bệnh nhân (5-10%) bị thể choáng nhiễm trùng với biểu hiện nhiễm trùng máu nặng như: sốt cao, xuất huyết từng mảng lớn trên da, có thể bị hoại tử ngón tay, ngón chân và nhanh chóng đưa đến trụy mạch, suy gan, suy thận và tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời.

Con đường lây truyền vi khuẩn từ lợn sang người thế nào?

Đây là một bệnh lý lây truyền từ lợn sang người.  Hiện nay chưa có chứng minh trường hợp nào bị mắc bệnh do từ người lây sang người. Bệnh nhân bị mắc bệnh có thể do vi khuẩn xâm nhập qua vết trầy xước hoặc vết đứt trên da hoặc cũng có thể do vi khuẩn xâm nhập qua niêm mạc đường tiêu hóa. Do đó, bệnh thường gặp ở người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với lợn, cơ quan nội tạng của lợn như người giết mổ heo, bán thịt heo, vận chuyển thịt heo và đầu bếp. Tại Việt Nam, bệnh còn có thể xảy ra ở những người có thói quen ăn các món ăn sống hoặc chưa chín (tái) chế biến từ máu heo, thịt hoặc nội tạng như tiết canh, cháo “huyết hậu”, lòng heo và dồi trường chế biến chưa chin (tái)…

Để tránh mắc bệnh, người dân cần phải thực hiện một số biện pháp sau:

Bảo vệ da khi tiếp xúc trực tiếp với  lợn và thịt heo, đặc biệt khi trên da có vết đứt hoặc vết trầy xước: mang bao tay, ủng cao su khi hành nghề giết mổ heo, buôn bán, vận chuyển thị heo; đầu bếp, các bà nội trợ cũng cần mang bao tay làm bếp khi chế biến thịt và cơ quan nội tạng heo.

Không ăn các món ăn chế biến từ heo còn sống hoăc chưa chín (tái), đặc biệt là tiết canh heo (và không ăn cả tiết canh vịt vì có thể có trộn lẫn máu heo).

Không giết mổ, chế biến, buôn bán và ăn thịt heo bệnh.

Đặc biệt, với những người bị cắt lách không nên làm các công việc có liên quan đến heo/thịt heo vì nhóm đối tượng này dễ mắc bệnh và có tỷ lệ tử vong cao.


Thiên Đức (ghi)
Ý kiến của bạn