Hà Nội

Một người ở Quảng Ngãi tử vong sau 2 tháng nghi bị chó dại cắn

16-08-2023 19:59 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi vừa ghi nhận một trường hợp tử vong nghi do chó dại cắn.

Bệnh nhân là N.N, nam, 87 tuổi (trú tại thôn Long Yên, xã Bình Long, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Theo kết quả điều tra tiền sử dịch tễ, ngày 10/6/2023 (2 tháng trước) bệnh nhân bị chó cắn vào tay một vết gây xây xước da, không rõ tình trạng xử trí vết thương. Bệnh nhân không tiêm huyết thanh, vaccine phòng bệnh dại.

Sau đó, con chó trên lại cắn tiếp 2 người, có 6 người tiếp xúc với bệnh nhân và con chó nghi bị dại. Tổng số người có tiếp xúc bệnh nhân và con chó nghi bị dại là 8 người. Ngày 16/6/2023, con chó bị người nhà đánh chết.

Điều tra tiền sử bệnh lý của bệnh nhân N.N cho thấy, ngày 11/8/2023, bệnh nhân có triệu chứng mệt mỏi, chán ăn, sợ nước, chảy đờm dãi, được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn với chẩn đoán nghi bệnh dại.

Sau đó bệnh nhân được chuyển đến BVĐK tỉnh Quảng Ngãi lúc 23h9, chẩn đoán nghi bệnh dại. Đến 7h ngày 13/8/2023 bệnh nhân xin về, nhập BVĐK Đà Nẵng được chẩn đoán nghi bệnh dại do chó cắn và đưa về nhà. Đến 18h ngày 13/8/2023, bệnh nhân tử vong.

Một người ở Quảng Ngãi tử vong sau 2 tháng bị chó dại cắn  - Ảnh 1.

Nên tiêm vaccine phòng bệnh dại khi bị chó, mèo cắn. Ảnh minh họa.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn phối hợp với Trạm Y tế xã Bình Long triển khai các hoạt động xử lý. Đối với các trường hợp bị chó nghi mắc bệnh dại cắn, cào, liếm hoặc tiếp xúc có vết thương hở hoặc niêm mạc bị phơi nhiễm với nước bọt của bệnh nhân được hướng dẫn đến điểm tiêm phòng dại để được khám và điều trị dự phòng kịp thời. Đồng thời, sát trùng tẩy uế vật dụng cá nhân và vật dụng trong nhà bệnh nhân bằng các hóa chất diệt khuẩn thông thường.

Phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan thú y tiến hành giám sát, phát hiện chó, mèo trên địa bàn xã Bình Long, diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc bệnh dại trong khu vực ổ dịch. Thực hiện tiêu hủy động vật bị mắc bệnh hoặc chết vì bệnh dại, vệ sinh, khử trùng tiêu độc vùng có dịch. Tất cả chó, mèo trong thôn Long Yên phải được nhốt, không được thả rông.

Cách ly, theo dõi những con vật nghi mắc bệnh, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh dại theo quy định. Những con vật khỏe mạnh trong ổ dịch và các thôn tiếp giáp phải được tiêm vaccine phòng bệnh dại. Không vận chuyển, đưa chó, mèo ra, vào vùng có dịch.

Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp phòng, chống bệnh dại, phát tờ rơi tuyên truyền trực tiếp đến 28 hộ hướng dẫn cho người dân về các biện pháp phòng bệnh dại cho bản thân và cộng đồng.

Theo các chuyên gia, các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh dại. Đến nay, bệnh dại vẫn chưa có thuốc điều trị nên khi đã lên cơn dại thì nguy cơ tử vong là điều không thể tránh khỏi. Do đó tiêm kháng huyết thanh và vaccine phòng dại là cách duy nhất ngăn ngừa tử vong vì bệnh dại.


Minh Hiền (CDC Quảng Ngãi)
Ý kiến của bạn