Đời người không ai tránh được quy luật Sinh-Lão-Bệnh-Tử, “Sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Khi ”về cõi vĩnh hằng”, sinh thời, các nhân vật từng có vị trí cao trong xã hội thường để lại dấu ấn cho hậu thế.
Ngẫm vậy, người viết bài này có ý định ghi lại một số sự việc về ông - ngay từ khi ông còn đang sống - và đề nghị ông xem, trực tiếp chỉnh sửa vào bản thảo, phòng khi ông “đi xa” bất kỳ, với sự trung thực về một người đã từng phục vụ cho dân, cho ngành y tế nước nhà, cho sự nghiệp nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam trong một thời gian khá dài.
1. Cuộc gặp đầu tiên - 14h chiều ngày 5/10/1992.
Theo hẹn (qua điện thoại) từ chiều hôm trước với BS. DHL, tôi lên xe ôtô màu gạch (chắc mượn của cơ quan SIDA Thụy Điển?) dừng trước cổng Bộ Y tế vào trưa ngày 5/10/1992. Tôi hỏi anh L là đi đâu, có việc gì vậy? L. cho biết, GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân hẹn gặp chúng tôi tại Viện Mắt vào 14h cùng ngày. Chúng tôi đến vào 13h30, ít phút sau, chị HTS đạp xe đến. Đúng giờ, GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân mời chúng tôi vào phòng Viện trưởng. Ông mở đầu câu chuyện bằng việc lãnh đạo cấp cao ra quyết định ông giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế - điều mà trước đó 4 năm, khi TS. Đặng Hồi Xuân tử nạn vì tai nạn máy bay tại Bangkok trên đường công tác, cấp trên đã có ý định tương tự - nhưng ông tha thiết đề nghị cử một thứ trưởng thay thế vì đã quen việc và lời đề nghị năm ấy được chấp thuận. Nhưng kỳ này, ông không thể thoái thác, vì trên đã ra quyết định. Ông nói tiếp, hôm nay, gặp các anh, chị, đề nghị một số việc: anh L giữ chức Chánh Văn phòng, chị S lo công tác Đảng ủy Bộ và anh Hùng giúp tôi làm công tác thư ký Bộ trưởng. Tôi muốn được trực tiếp nghe ý kiến các anh, chị thế nào?
Lần lượt anh L và chị S phát biểu đón nhận ý kiến của Bộ trưởng và hứa sẽ cố gắng hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tiếp lời anh L và chị S, tôi trình bày là bản thân chưa làm thư ký Bộ trưởng bao giờ, mà nhiều năm công tác ở lĩnh vực khám chữa bệnh và giảng dạy trong ngành y tế, nay nếu được giao nhiệm vụ này, tôi phải cố gắng nhiều mới hoàn thành được công việc. Chậm rãi và từ tốn, ông động viên chúng tôi hãy đồng lòng gắng sức vượt qua mọi thử thách, khó khăn, dồn tâm sức cho công việc chung.
Cuộc gặp mặt giữa Bộ trưởng Nguyễn Trọng Nhân với chúng tôi vào chiều hôm ấy diễn ra không quá 1 giờ đồng hồ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc mừng cán bộ ngành y tế nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 (năm 1995).
2. Sau đó, tôi vẫn tiếp tục làm việc ở Vụ Điều trị, Bộ Y tế (nay là Cục Quản lý Khám chữa bệnh). Khi đó, công việc quản lý chuyên ngành của chúng tôi rất bận rộn và bị cuốn theo công việc nên bản thân không hề thấy vấn vương điều gì, cho dù đồng chí Vụ trưởng Vụ TCCB (chắc biết có cuộc gặp mặt nói trên) nhiều lần gặp thúc giục tôi nhắc hỏi Bộ trưởng. Tôi từ chối lời nhắc nhở đó, vì công việc của vụ rất nhiều và bản thân vẫn đáp ứng được tốt mọi việc được giao. Lâu sau, đột nhiên BS. NDK - Thư ký Bộ trưởng qua vụ gặp, đề nghị tôi sang nhận nhiệm vụ thay anh ấy, vì K được đi học tiếng Anh ở nước ngoài (với điều kiện K phải tìm được người thay thế phù hợp với yêu cầu của Bộ trưởng). Tôi trả lời K rằng nếu đây là việc riêng của K, tôi sẵn lòng giúp đỡ, còn việc này, thuộc về trách nhiệm của Bộ trưởng và vụ chức năng. Hôm sau, tôi được vụ chức năng mời sang để ”làm công tác tư tưởng” và động viên tôi nhận quyết định làm công việc thay BS. K.
GS. Nguyễn Trọng Nhân đã gặp tôi, dặn dò, động viên và giao việc (đó là vào trung tuần tháng 9/1994 - sau gần 2 năm cuộc gặp 3 chúng tôi ở Viện Mắt nói trên).
3. Từ ngày đó, tôi bị cuốn hút vào nhịp độ công việc dồn dập không ngơi nghỉ của ông. Ngoài công việc ở Bộ Y tế, ông còn làm Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam, Chủ tịch TW Hội Hội CTĐ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, họp TW Đảng, họp Quốc hội và nhiều cuộc họp các ban, ngành ở TW mà ông là thành viên, tiếp khách quốc tế, đi công tác nước ngoài trên cương vị của mình. Chỉ nhìn vào những chiếc cặp ba dây chứa đầy văn thư trình ông đọc và trả lời hoặc ký duyệt hằng ngày là một khối lượng khổng lồ, vì ông giữ nếp làm việc là đọc rất kỹ, nhớ rất lâu, cẩn trọng khi ghi bút phê mà thấy sức làm việc của ông khi đó đã ở tuổi cận kề thất thập thật là điều đáng nể phục.
Dù vậy, ông vẫn dành thời gian đi thăm các địa phương, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng từ Việt Bắc, miền Trung, Tây Nguyên đến các tỉnh Nam Bộ và nhiều nơi khác trong nước… Sau các chuyến đi, về họp TW Đảng hoặc Quốc hội, ông trình bày cụ thể tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, của các cán bộ y tế cơ sở để lãnh đạo cấp cao đưa ra những quyết sách phù hợp nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn. Một trong những đóng góp đáng ghi nhận là ông rất kiên trì thuyết phục để Chính phủ ban hành Nghị định 58Ttg quy định biên chế và chi trả lương hàng tháng cho cán bộ y tế cơ sở, điều mà nhiều năm trước đó không có, nhằm tháo gỡ một phần khó khăn về đời sống cho hàng vạn cán bộ y tế cơ sở, nhất là ở địa bàn nơi biên giới, hải đảo…
Vào buổi trưa những ngày làm việc ở Bộ Y tế hoặc họp các hội nghị tại Hà Nội, ông không về nhà mà nhờ cháu Bích - làm việc tại tổ lễ tân thuộc văn phòng Bộ - mua giúp một suất “cơm bụi” với định giá 4 nghìn đồng, gồm có một bát cơm, tô canh, vài miếng thịt kho hoặc luộc. Món ăn ông ưa thích có thể thay bữa cơm trưa là vài bắp ngô nếp luộc, tranh thủ nghỉ tại chỗ nửa giờ, rồi trở dậy làm việc buổi chiều. Khi đến làm việc tại các tỉnh, ông thường yêu cầu các vụ chức năng cung cấp tư liệu về tỉnh đó, giao chúng tôi tổng hợp thành một văn bản. Trong các bữa cuối ngày làm việc, lãnh đạo các tỉnh nâng cốc chúc sức khỏe, ông vui vẻ nhận “cạn ly mười phần trăm”, nhưng cũng chỉ nhắp môi cho có lệ, để không làm phật lòng chủ nhà, nhưng không khí cuộc gặp vẫn vui vẻ, đầm ấm và chan hòa tình cảm. Đối với ông, thời gian không có ngày chủ nhật. Nhớ lại, một sáng sớm chủ nhật trong chuyến công tác tại tỉnh Tuyên Quang, thức dậy thấy ông Mai Kỷ (người Chủ nhiệm và có công đầu trên cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ nước ta) cũng nghỉ ở phòng gần bên (ở Nhà khách Tỉnh ủy), ông chủ động sang gặp, trò chuyện thân mật với tình cảm không chỉ đều là hai người đầu ngành gần gũi, mà còn là những chiến sĩ từng cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược với danh hiệu anh bộ đội Cụ Hồ năm xưa nữa... Ông thường băn khoăn, là do phải kiêm nhiệm nhiều việc, họp hành liên miên nên quỹ thời gian rất khó bố trí đi đến đều khắp các tỉnh trong nước để nắm bắt tình hình mỗi nơi, cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn cũng như đóng góp ý kiến chung trong điều hành ở cấp vĩ mô... Chuyến đi công tác ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam có lẽ là một trong những chuyến đi khó quên đối với ông. Khi đến thăm BV tỉnh Hà Nam (đặt tại thị xã Phủ Lý), ông được BS. Thủy là Giám đốc đưa đi thăm các khoa phòng. Đến khoa Xquang, ông sửng sốt khi thấy cái máy chụp không có lớp vỏ kim loại bảo vệ bọc ngoài - không đảm bảo an toàn khi sử dụng - mà vẫn đang vận hành phục vụ bệnh nhân! Trang thiết bị ở các khoa phòng khác cũng xuống cấp tương tự. Trưa hôm đó, hình như không ngủ được, ông gõ cửa phòng tôi sớm và thổ lộ: “Bình Lục là quê hương mình, là huyện đồng chiêm trũng nghèo khó, đã nhiều năm liền là lá cờ đầu của ngành y tế nước ta, BV tỉnh Hà Nam sao lại thiếu thốn đến mức như vậy? Mình thật có lỗi với quê hương. Ông về, suy nghĩ xem có cách nào giúp nâng cấp trang bị cho Bình Lục và BV tỉnh được không?”. Tôi về gặp BS. Ngô Văn Hợp - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế của Bộ Y tế, kể lại việc này. Anh Hợp thở dài, nói là kế hoạch hàng năm đã được lãnh đạo duyệt từ đầu năm, ta đâu có dự trữ mà chi viện đột xuất những khoản lớn như vậy? Tôi “động viên” anh, rằng anh đã nhiều năm làm việc có tín nhiệm tại cơ quan đại diện Tổ chức Y tế Thế giới ở Việt Nam, chắc chắn anh được các nước bạn thông cảm giúp đỡ trong những việc công ích như thế này chứ? Anh chỉ mỉm cười. May mắn vài tháng sau đó, anh vui vẻ báo cho tôi, rằng đã tìm được một nước giúp hỗ trợ ban đầu về trang bị kỹ thuật cho BV tỉnh Hà Nam. Một trong những chuyến công tác tại các tỉnh phía Nam, Bộ trưởng dừng chân tại TP.HCM. BS. Đoàn Thúy Ba - Thứ trưởng Bộ Y tế đặc trách phía Nam, bảo tôi: “Tối nay, cậu thu xếp mời Bộ trưởng dành thời gian đến thăm anh chị em cán bộ y tế thành phố và các nghệ sĩ nhé, có nhiều điều bổ ích đấy!”. Nghe lời đề nghị đó, ông vui vẻ nhận lời. Tối hôm đó, có cuộc gặp gỡ trao đổi cởi mở thân tình giữa Bộ trưởng và nhiều cán bộ lãnh đạo y, dược thành phố mang tên Bác. Đến phần văn nghệ, trước khi biểu diễn các bài ca Tây Nguyên, ca sĩ nổi tiếng Y Moan đã nói: “Hôm nay, tôi xin hát tặng các “mẹ hiền”, đặc biệt để tri ân GS. Nguyễn Trọng Nhân, người đã đem lại nguồn ánh sáng cho cuộc đời tôi”. Nói xong, anh chạy xuống ôm chầm Bộ trưởng, rồi hát say sưa với chất giọng Tây Nguyên “trời cho” làm cho cả hội trường rất xúc động.
4. Khi ở vị trí lãnh đạo, nhiều vị cho rằng ý kiến của mình đã là chân lý nên thường không muốn nghe ý kiến phản biện, mà chỉ thích những lời “dễ lọt tai” của một số người... Nhiều lần chúng tôi được một ông lãnh đạo cấp vụ nói “điệp khúc (như để dặn dò?)” là ở nhà không được cãi vợ, ra đường không được cãi công an, đến cơ quan không được cãi thủ trưởng (!?).
Có lần, ông nói với tôi về ý định không ký duyệt chuyến đi tham quan nước ngoài của một Thứ trưởng vì ông này đang có một số sự việc đang cần xem xét. Tôi suy nghĩ và thưa, rằng việc này đã được Bộ trưởng thông qua kế hoạch trước đó. Nay Bộ trưởng đổi ý thì có nên không, vì việc xử lý sai phạm nếu có sẽ được bàn định sau chuyến đi này cũng chưa muộn và không làm ảnh hưởng đến công tác đối ngoại. Ông nghe ra và đồng ý với ý kiến phản biện của tôi.
Như đã nói ở trên, cường độ làm việc của Bộ trưởng Nguyễn Trọng Nhân thật nặng nề đối với độ tuổi của ông. BS. Nguyễn Thị Thanh - Phu nhân của Bộ trưởng Nguyễn Trọng Nhân nhiều lần nhắc tôi là cần đề xuất cho ông nghỉ chức vụ vì ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của ông.
Một buổi sáng giữa tháng 9 năm 1995, ông gọi tôi và nói: “Ông dùng xe Bộ trưởng, mang 3 bức văn thư này (đã dán kín) đến gửi Văn phòng Tổng Bí thư Đỗ Mười và Văn phòng Ban Tổ chức TW, nhớ xin chữ ký ký nhận, mang về đưa lại cho tôi”. Tôi đã thực hiện đầy đủ những yêu cầu của Bộ trưởng. Hơn 10 năm sau đó - khi đã từ chức Bộ trưởng với lời cảm ơn Quốc hội và phát biểu đề nghị Quốc hội tiếp tục quan tâm chống tiêu cực ở Bộ Y tế... (ngay tại hội trường kỳ họp) và ít năm sau cũng nghỉ làm Chủ tịch TW Hội CTĐ Việt Nam; trong một lần vào năm 2007, đến chúc sinh nhật ông, ông hỏi tôi có nhớ đến việc chuyển thư ngày đó không và có biết đó là việc gì không? Tôi trả lời vẫn nhớ việc đó nhưng không biết được đó là thư gì, vì đó là nguyên tắc trong công việc. Ông cho tôi biết là 3 bức văn thư ông giao tôi đi gửi trực tiếp Văn phòng Tổng Bí thư và Trưởng Ban Tổ chức TW Đảng như đã nêu trên là xin rút khỏi danh sách bầu cử vào BCHTW Đảng tại Đại hội VIII và đề xuất GS.TS. Đỗ Nguyễn Phương (khi đó làm Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thay ông làm Bộ trưởng Bộ Y tế (trước đó, ông đã tiến cử PGS.Viện sĩ Tôn Thất Bách làm Bộ trưởng nhưng anh Bách xin được từ chối).
Thời gian không dài (từ tháng 10/1992 đến tháng 10/1995), nhưng trên cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân đã làm được nhiều việc lớn của ngành y tế (trong một văn bản trả lời lãnh đạo Bộ Y tế, ông khiêm tốn nêu lên 14 việc làm được khi làm Bộ trưởng Bộ Y tế). Ông là Bộ trưởng đầu tiên của nước ta sang thăm Hoa Kỳ khi hai nước chưa bình thường hóa quan hệ, là Bộ trưởng Y tế Việt Nam duy nhất gặp 2 Tổng thống Hoa Kỳ (ông G.Bush cha - tại Washington, Hoa Kỳ và ông Bill Clinton (khi ông đến thămViệt Nam) yêu cầu giải quyết hậu quả chất độc da cam điôxin trong chiến tranh do Mỹ gây ra tại Việt Nam; trong hoạt động nhân đạo, ông đóng góp tích cực trong thời gian khá dài trên cương vị Chủ tịch TW Hội CTĐ Việt Nam, trong đó có việc quan tâm đối với các đối tượng chính sách, đời sống các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, phát động phong trào hiến máu nhân đạo, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam điôxin, khắc phục hậu quả bão lụt, không hút thuốc lá ở cơ quan Bộ Y tế và đặt vấn đề về giảm thiểu sử dụng thuốc lá ở nước ta nhằm hạn chế những thiệt hại về sức khỏe, kinh tế và xã hội do thuốc lá gây ra...
GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân là người đầu tiên tự nguyện xin Quốc hội cho thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế.
Ông được giao nhiều trọng trách về Đảng, Nhà nước, UBTWMTTQ Việt Nam và nhiều đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội khác nhau; do những cống hiến xuất sắc đó, ông được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (từ năm 1985), Thầy thuốc Nhân dân, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân chương, phần thưởng cao quý khác ở trong và ngoài nước.
5. Nhận biết thật đúng đắn, thật khách quan về một người là việc không dễ dàng.
Xin được ghi lại lời nói của GS.TS. Nguyễn Văn Đàn - Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế khi chúng tôi đến nhà cùng phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống để lấy tư liệu viết bài về ông, GS.TS. Nguyễn Văn Đàn khi tiễn chúng tôi đã nói: “GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân quả là một người dũng cảm”.
Đó là nhận xét nhẹ nhàng, rất tinh tế và đầy đủ của vị Anh hùng Lao động đáng kính - GS.TS. Nguyễn Văn Đàn - về GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân. Bài viết thay nén tâm nhang thành kính vĩnh biệt GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân - Một người dũng cảm!.