Một nghệ sĩ, bí thư tài năng

14-02-2016 08:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nghệ sĩ Sĩ Tiến là một gương mặt khá thú vị của Nhà hát Tuổi Trẻ. Ngay từ khi mới vào lớp học diễn viên khóa II (1990-1994), Sĩ Tiến đã được bầu làm lớp trưởng.

Nghệ sĩ Sĩ Tiến là một gương mặt khá thú vị của Nhà hát Tuổi Trẻ. Ngay từ khi mới vào lớp học diễn viên khóa II (1990-1994), Sĩ Tiến đã được bầu làm lớp trưởng. Sau khi tốt nghiệp, được biên chế là diễn viên Nhà hát Tuổi Trẻ, anh liên tục được bầu làm Bí thư chi đoàn. Rồi vào cấp ủy đến khóa mới nhất, Sĩ Tiến được bầu làm Bí thư Chi bộ nhà hát. Từ năm 2013 đến nay anh là Ðoàn trưởng Ðoàn kịch II,...

Một giọng nói đầy ma lực

Lần đầu xem Sĩ Tiến lên sân khấu tôi rất bất ngờ được nghe một giọng nói có màu sắc riêng, trầm ấm và nội lực. Một giọng đẹp với một độ âm vang, lắng sâu. Anh cùng lớp với các nghệ sĩ như Đức Khuê, Vân Dung, Nguyệt Hằng, Anh Tuấn... là thế hệ thứ hai sau lớp nghệ sĩ đàn anh Chí Trung, Lê Khanh, Ngọc Huyền, Anh Tú... Tuy vậy, Sĩ Tiến ban đầu không mấy nổi trội so với những nghệ sĩ đồng lứa, bởi chưa có dịp may gặp vai diễn thích hợp. Hơn nữa khi sân khấu thị trường nở rộ với các chương trình đời cười, Sĩ Tiến bị cuốn theo sự mưu sinh với những tiết mục hài hước, mua vui. Anh âm thầm chờ đợi cho tới 7 năm sau bất ngờ nổi lên từ vai Chu Bình, trong vở Lôi Vũ, do đạo diễn Lê Hùng dàn dựng năm 2001. Đây là vở kịch nổi tiếng của tác giả Tào Ngu viết từ năm 1920. Vào vai Chu Bình, một tính cách hai mặt đã được Sĩ Tiến lột tả rất tinh tế. Lần này như cá gặp nước, giọng nói đặc biệt của Sĩ Tiến được phát huy, biểu hiện được tâm trạng của nhân vật. Đó là một con người ẩn giấu cá tính đớn hèn sau một ánh sáng hào hoa. Bên cạnh đó còn là một Chu Bình được Sĩ Tiến thể hiện như một sắc màu trong trẻo để che đậy tố chất đểu giả của một kẻ hiểm độc. Đó là một thành công khẳng định một Sĩ Tiến đầy nội lực có thể tiến xa.

Sĩ Tiến trong vở Tất cả đều là con tôi.

Nhưng rồi mọi chuyện không thuận lợi như ý muốn, vì sân khấu vẫn phải gồng mình với những thị hiếu giải trí. Sĩ Tiến lại tiếp tục với những chuỗi “Đời cười” để kiếm ăn. Và cũng phải đến 5 năm sau, một dịp may lại đến khi Sĩ Tiến được phân vai Henmer trong vở “Nhà búp bê” của tác giả Henrik Ibsen. Đây là một cơ hội của Sĩ Tiến, khi được đóng vai chính cùng với các nghệ sĩ nổi tiếng như Chí Trung, Lê Khanh. Henmer là nhân vật có nội tâm phức tạp. Sĩ Tiến đã phải thức khuya nhiều đêm để nghiên cứu tính cách nhân vật và tập diễn tả nội tâm qua giọng nói. Đó là một Henmer đầy hư danh và mù quáng bất chấp sự tận tụy và dịu dàng của vợ (Nora-do NSND Lê Khanh thủ vai), để đoạt lấy quyền lợi và danh vọng. Một tính cách Henmer của Sĩ Tiến hiển hiện là một kẻ tự cao tự đại và ích kỷ. Hắn chà đạp người vợ chỉ lo gìn giữ thanh danh của mình. Sĩ Tiến thể hiện sự hiểm họa của nhân vật bằng một giọng nói như muốn nghiền nát người khác, với đôi môi bật lên những âm sắc lạnh. Cuối cùng, Nora phải bỏ đi để thoát khỏi kiếp búp bê, mà Henmer luôn luôn coi như một đồ chơi.

Tiếp tục chờ đợi, lại sau một kỳ 5 năm nữa Sĩ Tiến mới được nhận tiếp một vai chính, trong vở “Tất cả đều là con tôi” (năm 2011) của tác giả lừng danh Arthur Miller (Mỹ). Một nhân vật lớn mang tính thời đại, với một thông điệp kêu gọi lương tâm con người đứng trước những tội ác chiến tranh. Đây là một trong 100 kiệt tác sân khấu trên thế giới. Vai diễn của Sĩ Tiến là Joe Keller, một giám đốc xí nghiệp chế tạo động cơ máy bay. Chạy theo lợi nhuận, ông ta đã cho phép lắp ráp các bộ phận bị thải loại vào máy bay và đã dẫn tới cái chết của 21 phi công trong cuộc chiến đấu. Tâm lý phức tạp và đầy cay đắng của nhân vật khi Joe Keller phải đối diện với sự phản kháng dữ dội ngay từ những người thân trong gia đình. Sĩ Tiến lại thêm một lần dùng nghệ thuật đài từ của mình để diễn đạt tâm trạng nhân vật. Anh thể hiện sự giằng xé và bùng nổ dữ dội trong trái tim tội lỗi của Keller qua những quãng ngắt giọng và nuốt lời vào trong. Khán giả đã nghe thấy cái âm sắc lặn vào trong ấy cùng với ánh mắt thất vọng. Cuối cùng tội ác bị phanh phui, Keller phải trả giá dẫn tới cái chết. Tâm trạng nhân vật đã được Sĩ Tiến thể hiện với sự hoang mang vô độ trong ánh mắt và lạc giọng trong nỗi bi thương tột cùng.

Và, cũng lại không ngờ mãi tới gần 5 năm sau, Sĩ Tiến mới được vinh danh trong Hội diễn Sân khấu năm 2015. Đây là vai ông Sát trong vở “Biến dạng” của Chu Thơm, do Anh Tú đạo diễn. Sĩ Tiến đã thăng hoa bất ngờ, qua nghệ thuật diễn xuất đài từ và tâm lý nhân vật, với ánh mắt chứa đựng nỗi u buồn của sự sám hối. Có thể nói đây là vai diễn được coi là tổ hợp sắc màu qua những vai diễn trước của Sĩ Tiến. Đời sống nhân vật cho dù khác nhau nhưng lại hội tụ ở hình tượng Sát, một kẻ gây nhiều tội lỗi dẫn tới tấn bi kịch. Khi sám hối hắn muốn quay đầu lại mà không được. Nhân vật sau nỗi bi phẫn, khi bị ngay cả những đứa con của mình làm hại, chết cũng không nhắm mắt được. Phải nói đến vở “Biến dạng”, Sĩ Tiến đã phát huy hiệu quả đặc sắc của đài từ. Cùng với tiết tấu âm sắc của giọng nói, anh còn xử lý nụ cười trong diễn xuất thể hiện được sự khắc khoải và day dứt của nhân vật Sát. Sĩ Tiến được nhận Huy chương Vàng là một thành công lớn, sau hơn 20 năm phấn đấu của anh trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ.

Sĩ Tiến trong vở Biến dạng.

Một đạo diễn triển vọng

Không ít người có thể hình dung, ngoài tham gia hầu hết những chương trình diễn xuất của các vở diễn, Sĩ Tiến còn tiếp tục học tập và hoàn thành khóa đạo diễn sân khấu (2004-2008). Với vai trò mới, Sĩ Tiến ngay lập tức có dịp thể hiện mình. Sau khi tốt nghiệp đạo diễn, Sĩ Tiến bắt tay vào dựng chương trình kịch vui cho thiếu nhi: “Thợ săn sa bẫy” năm 2008. Lần này anh vừa là tác giả kịch bản vừa là đạo diễn. Đây là một chương trình nghệ thuật theo Dự án “Tiếng nói trẻ thơ”, được đi biểu diễn miễn phí cho hàng ngàn học sinh và trẻ em khuyết tật, bị bệnh hiểm nghèo, trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh.

Cùng với đó Sĩ Tiến còn là trợ lý đạo diễn các chương trình “Đời cười” 8 và 9 của Nhà hát Tuổi Trẻ. Và, sau đó anh đã tham gia Hội diễn Sân khấu Hài toàn quốc lần thứ nhất tại Quảng Ninh năm 2011. Sĩ Tiến đã đoạt Huy chương Bạc qua vai ông giám đốc nhà hàng trong vở “Cái chết của ông hoạn lợn”. Điều này càng khẳng định Sĩ Tiến có nhiều hoạt động đa chiều và có tài trong nhiều thể loại sân khấu. Ấy là chưa kể Sĩ Tiến đã từng đoạt Huy chương Bạc nữa trong liên hoan sân khấu về tác giả Lưu Quang Vũ, qua vở “Lời thề thứ 9” (2013).

Đặc biệt, sau đó Sĩ Tiến đã dàn dựng một chương trình Đời cười “Nước mắt đàn ông” do tác giả “Giáo sư Cù Trọng Xoay” - Đinh Tiến Dũng sáng tác. Một thời gian dài “Nước mắt đàn ông” đã tạo nên cơn sốt bất ngờ trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ, thu hút khán giả với hàng chục đêm diễn. Xem vở kịch liên hoan đời cười này, khán giả đã thầm phục đạo diễn Sĩ Tiến khi đã làm cho họ cười đấy và lại rơi nước mắt khi dẫn dắt câu chuyện ngỡ như chỉ là đáp ứng thị trường. Đặc biệt, anh đã đưa ca khúc “Hãy yêu nhau đi” của Trịnh Công Sơn phục vụ chủ đề âm nhạc về niềm khát khao được yêu thương giữa bộn bề cuộc sống, giữa những toan tính cạnh tranh trên con đường mưu sinh. “Giọt nước mắt đàn ông” là những nốt nhạc buồn cho sự tan vỡ gia đình. Đó là sự cảnh báo và lời khuyên mọi người hãy suy ngẫm lại chính bản thân mình để sống tốt hơn. Lại thêm một khía cạnh khác thể hiện sức vóc lao động nghệ thuật rất dồi dào của nghệ sĩ Sĩ Tiến.

Nghệ sĩ Sĩ Tiến luôn trăn trở với bộ môn kịch nói.

Vó ngựa đường dài

Khi gặp Sĩ Tiến tôi thấu hiểu nỗi trăn trở của anh về một tương lai và sự phát triển của đoàn. Nào là vở diễn; nào là hợp đồng; nào là xã hội hóa... một gánh nặng trên vai. Xem ra đứng trước những thử thách của cánh cửa kinh tế hội nhập đã đem lại những lo toan khôn lường. Giọng anh trầm lắng như đang cất lên những nốt nhạc của bài ca “Hãy yêu nhau đi” làm tôi cảm thông và chia sẻ trên con đường anh đang đi. Trong lòng tôi thầm hát với Sĩ Tiến sau “Hai mươi năm xin trả nợ dài”, anh đã tiến bộ một cách vững vàng, nhẫn nại và được khẳng định là một tài năng đích thực.


Bài, ảnh: Cảnh Linh
Ý kiến của bạn