Hà Nội

Một ngày ở trang trại rau truy xuất nguồn gốc đa nền tảng đầu tiên ở Việt Nam

18-02-2021 11:30 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong khi các tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu và Mỹ còn xa lạ ở Việt Nam thì Công ty CP sản xuất và cung ứng rau quả sạch quốc tế (FVF) đứng chân ở địa bàn xa xôi là Nghĩa Đàn, Nghệ An đã áp dụng từ năm 2013-2014, nhận chứng nhận năm 2015 và thực hiện truy xuất nguồn gốc đa nền tảng…

Rau sạch, rau hữu cơ (organic- trồng tự nhiên, không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học) là niềm mơ ước của các bà nội trợ muốn có đồ ăn tươi sạch cho gia đình.

Trong hành trình của Nhóm “Thanh niên vì Môi trường - Youth for Environment” đi thực địa tháng 1 vừa qua tham quan các sáng kiến phát triển bền vững tiêu biểu của các doanh nghiệp tại Việt Nam, cả nhóm đã trầm trồ trước những vườn rau hữu cơ, rau củ quả nhà kính tít tắp của FVF và ấn tượng trước thông tin rõ ràng, minh bạch được truy xuất trên từng sản phẩm.

Ruộng su hào được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Ruộng su hào được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. 

Những vườn rau “5 không”

Điểm nổi bật nhất của FVF về phát triển bền vững nằm ở mô hình sản xuất theo hướng canh tác hữu cơ “5 không”: Không phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật hóa học, không kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không giống biến đổi gen... Trang trại rau sạch được áp dụng quá trình kiểm soát dịch hại tổng hợp (giống tốt, chất lượng cao, được lựa chọn kỹ càng có sức đề kháng cao và không mang mầm bệnh, đất trồng, nước tưới an toàn, phương pháp canh tác khoa học có nhật ký hành trình theo dõi sát sao quá trình phát triển của cây cũng như thu hoạch, sơ chế, bảo quản và phân phối, luôn đạt yêu cầu cao về tính kỷ luật và tuân thủ).

Khu vực sản xuất rau, củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP.

Khu vực sản xuất rau, củ quả theo tiêu chuẩn VietGAP.

Trái với suy nghĩ của các thành viên trước chuyến đi là rất có thể các doanh nghiệp sẽ không muốn tiết lộ quy trình sản xuất khép kín, nhóm nhận được cái gật đầu ngay của các lãnh đạo FVF sau khi biết mục đích tham quan để giới thiệu về sáng kiến Phát triển bền vững.

Không chỉ chào đón, kỹ sư Lê Xuân Phong, người gắn bó với FVF nhiều năm - còn hướng dẫn cả nhóm đi đến từng khu vực của trang trại FVF. Trang trại được chia làm 3 khu vực bao gồm: Khu sản xuất rau hữu cơ (organic) đạt chuẩn châu Âu, khu cánh đồng mở sản xuất theo quy trình VietGAP, hệ thống 9 nhà kính và khu trồng cây ăn quả. Tổng diện tích của trang trại FVF là 130 ha.

Kỹ sư Lê Xuân Phong chia sẻ về quá trình thu hoạch cây cải thảo theo tiêu chuẩn VietGAP.

Kỹ sư Lê Xuân Phong chia sẻ về quá trình thu hoạch cây cải thảo theo tiêu chuẩn VietGAP.

Kỹ sư Phong giới thiệu: “Hiện FVF đang cung cấp ra thị trường hơn 100 loại rau, nhưng mỗi sản phẩm trước khi bán ra thị trường đều được gắn 1 mã truy xuất để hiển thị thông tin nguồn gốc của sản phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc thông qua tin nhắn SMS, Website và Ứng dụng di động của FVF”.

Trên mỗi sản phẩm đều có cam kết về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm rõ ràng. Theo chia sẻ của lãnh đạo FVF, từ tháng 01/2016, công ty này đã triển khai áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho tất cả sản phẩm, trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam có hệ thống truy xuất nguồn gốc đồng bộ đa nền tảng.

Bước vào khu vực trồng rau củ theo chuẩn VietGAP, cả nhóm thực sự choáng ngợp bởi màu xanh của rau xà lách, bắp cải và cải thảo.

Những cây giống đang được chăm sóc tại khu vực nhà kính.

Những cây giống đang được chăm sóc tại khu vực nhà kính.

Đi sâu vào các ruộng rau, dừng lại ở ruộng rau cải thảo, cả nhóm thực sự ngạc nhiên khi rất nhiều vỏ rau cải thảo bị bỏ đi do sâu lá. Thậm chí có những cây phải bị bỏ đi hoàn toàn. Điều này khiến nhiều người rất thắc mắc và tò mò. Kỹ sư Phong chia sẻ: “Toàn bộ những lá già và sâu đều phải bỏ đi mới đạt chuẩn và đưa ra thị trường. Rau tại đây không sử dụng hóa chất nào nên phần phía ngoài nhiều khi bị sâu. Cũng tiếc đấy vì cả cây lớn mà chỉ lấy được một chút bên trong nhưng điều chúng tôi quan tâm hơn hết là sức khoẻ của người tiêu dùng chứ không phải đặt lợi nhuận trên hết”.

Rau sạch từ tâm

Ngoài vườn rau mở, khu vực ấn tượng nhất của FVF chính là những khu nhà kính. Nhìn từ trên cao, cả một dãy dài nhà kính san sát giúp công ty tổ chức sản xuất rau trên quy mô lớn. Nhà kính được thiết kế và xây dựng với vật liệu có thể chống chịu nhiều kiểu thời tiết, khí hậu, dịch hại, đạt sản lượng cao trên cùng một diện tích. Môi trường nước không đất gồm khay đựng hoặc túi có chứa chất inertic làm giảm ô nhiễm môi trường.

Mọi người thưởng thức dưa chuột ngay tại khu vực nhà kính.

Mọi người thưởng thức dưa chuột ngay tại khu vực nhà kính.

Kỹ sư Phong cho biết, trang trại áp dụng quản lý chất lượng nghiêm ngặt với nguồn nước sạch và dinh dưỡng hoàn toàn thuần khiết giúp rau phát triển tự nhiên. Hệ thống tưới tiêu cung cấp giải pháp thành phần dinh dưỡng cho vụ cây trồng theo giai đoạn tăng trưởng, mùa và các yếu tố khác.

Hiểu về quy trình sản xuất sạch, các thành viên trong đoàn thưởng thức tại vườn dưa chuột và “tấm tắc” về độ ngon ngọt khác biệt của sản phẩm tươi sạch.

Trải nghiệm bữa cơm trưa với các loại rau trồng tại trang trại FVF, cả nhóm cảm thấy yên tâm về chất lượng, thưởng thức trong không khí bữa cơm gia đình thực sự.

Dưa chuột tại khu vực nhà kính của trang trại FVF.

Dưa chuột tại khu vực nhà kính của trang trại FVF.

Nghe kỹ sư Phong say sưa nói về sản phẩm, mọi người đều cảm nhận, rau ở đây không chỉ là được nuôi trồng kỹ lưỡng bằng quy trình, công nghệ mà còn bởi cái tâm muốn mang đến sản phẩm tốt nhất cho sức khỏe của mọi người. Đó cũng là câu mà kỹ sư Dương Thành Trung - một “chuyên gia trồng rau” ở FVF chia sẻ khiến từng thành viên trong đoàn nhớ mãi: “Chúng tôi không chỉ muốn trồng rau sạch. Chúng tôi còn mong muốn rau sạch, các sản phẩm sạch của chúng tôi được tiếp cận với tất cả mọi người, mọi tầng lớp. Đối với chúng tôi sức khoẻ của người tiêu dùng là trên hết”.

Kết thúc chuyến đi khiến tôi hiểu ra rằng làm bất cứ thứ gì cũng cần cái tâm của mình. Một sản phẩm chỉ thực sự được người tiêu dùng đón nhận nếu người làm ra nó dùng hết tâm huyết để tạo ra sản phẩm. Rau quả sạch hay bất cứ một sản phẩm nào cũng vậy nếu bạn chỉ làm vì lợi nhuận vì năng suất mà không quan tâm đến sức khoẻ của người tiêu dùng đó không phải là một sản phẩm tốt.

Dự án “Thanh niên vì môi trường - Youth for Environment” của Quỹ Vì tầm vóc Việt là một trong 13 sáng kiến được nhận tài trợ từ Dự án Asia - Pacific Media Grants 2020 thuộc Earth Journalism Network. Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Bắc Á cũng tham gia tài trợ và đồng hành cùng dự án để triển khai các hoạt động thiết thực vì môi trường.

Thông tin chi tiết về Dự án được cập nhật liên tục tại Fanpage Mắt Xanh - kênh truyền thông chính thức của Dự án và Website Quỹ Vì tầm vóc Việt.

Ý kiến của bạn