Manila là thành phố có tượng đài bác sĩ, người giành độc lập cho Philippines từ tay thực dân Tây Ban Nha. Cũng có lẽ do vậy, người dân ở đây rất tôn trọng bác sĩ. Điều đó khiến cho chúng tôi có nhiều cảm xúc khi đến với thành phố xinh đẹp này.
4 giờ sáng, trời còn se lạnh, màn đêm còn bao phủ khắp nội đô Manila, chúng tôi lên đường ra sân bay trở về Việt Nam. Cô hướng dẫn đoàn đã dặn dò kỹ chúng tôi từ tối hôm qua, phải dậy sớm và đúng giờ, nếu không sẽ kẹt xe đấy.
Kẹt đường từ 4 giờ sáng
Kẹt xe vào giờ tờ mờ sáng này ư? Thật khó tin! Thông thường ở các nước khác và ngay ở Việt Nam, thường kẹt xe vào khoảng 7 - 8 giờ. Nhưng ở Manila thì kẹt xe từ lúc 4 giờ sáng thật. Đã thành quy luật, ở đâu có nhiều người lao động nghèo thì họ thường phải dậy làm việc sớm, có nơi làm việc cả đêm. Từng đoàn xe chở rau, chở cá và chở người lao động từ ngoại ô đang hối hả chen chân để vào thành phố. Đường ra sân bay đông nghẹt xe và người, bác tài xế lầm lũi quay đầu xe và chui vào một hẻm nhỏ để lách qua một con đường khác đi vòng nhưng ít xe hơn, thổ dân của Manila mà, cô hướng dẫn cười giòn và nói với chúng tôi bằng một giọng tiếng Anh không dấu nhấn của người Philippines, khá nhanh và khó nghe.

Manila
Mô hình y tế mẫu
7 giờ sáng, xuống ăn sáng ở khách sạn. Hôm nay hội nghị về dinh dưỡng, đông ngẹt người đến dự. Tuy nghèo, nhưng vấn đề săn sóc y tế ở Philippines khá tốt. Các tổ chức y tế thường lấy mô hình phát triển của nền y tế Philippines là mô hình cho sự phát triển của nền y tế của các nước đang phát triển. Người dân ở đây sống khá mộc mạc, làm ngày nào lo ngày ấy, khi bệnh tật ốm đau đã có hệ thống y tế lo. Lâu nay, vấn đề dinh dưỡng, nhất là dinh dưỡng trong y khoa thường bị lãng quên, bệnh nhân khi vào bệnh viện chỉ lo lắng làm sao có thuốc để uống hoặc được điều trị bằng các biện pháp y học khác như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… Ít ai, kể cả thầy thuốc nghĩ đến việc phải cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân và kể cả việc điều trị bằng dinh dưỡng thì bệnh mới chóng lành. Hơn 400 đại biểu từ các nước vùng châu Á, hơn 10 hội dinh dưỡng đã tham dự. Vấn đề chính được các báo cáo viên và các đại biểu quan tâm ngày hôm nay là dinh dưỡng trong điều trị cho bệnh nhân ung thư. Một chân trời mới. Một tia hy vọng mới cho những người mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.

Tác giả (thứ hai từ phải sang)
China Town
10 giờ, chúng tôi đến China Town, khu phố Tàu nổi tiếng ở Manila. Phố đầy người, tiếng xe gầm rú điếc cả tai và trông khá nhếch nhác. Ở đây, họ kinh doanh đủ thứ; từ quần áo, vàng, nữ trang làm móng tay, đo huyết áp và tư vấn sức khỏe ngoài hè phố đến cả các cô gái “hàng dạt” công khai khoe bộ ngực núng niếng mời chào khách giữa thanh thiên bạch nhật. Các nhân viên bảo vệ đeo súng bắn đạn cao su và roi điện. Có lẽ, không có nghề nào ở Manila lại thịnh hành và phát triển như nghề bảo vệ. Chỗ nào cũng có bảo vệ, vào chỗ đông người như rạp hát, siêu thị, bãi xe và ngay cả chỗ ăn uống cũng phải đi qua cổng kiểm soát vũ khí, chất nổ. Các túi xách bị lục tung, người bị sờ nắn, không được chụp ảnh nơi công cộng. Họ sợ khủng bố mà. Vậy mà cũng không chống lại được. Ngày hôm trước khi chúng tôi về Việt Nam, một vụ nổ bom tại một nhà hàng trong siêu thị cách chỗ chúng tôi khoảng 500 mét đã làm 8 người chết và hơn 100 người bị thương, cảnh sát còn cảnh báo có thể còn những vụ nổ khác ở ngày tiếp theo. Bỏ của chạy lấy người, 4 giờ sáng chúng tôi ra sân bay để rời Manila.
Văn hóa Jeepney
14 giờ chúng tôi leo lên một chiếc xe Jeepney trang trí sặc sỡ đi qua vài con phố. Xe rú máy ầm ĩ, người ngồi chật cả hai bên, toàn người lao động nghèo. Với 7 peso, tương đương khoảng 3.000 đồng Việt Nam là có thể di chuyển được khá xa rồi. Bác tài, mặc quần đùi áo thun màu cháo lòng, một chân nghếch lên cửa xe là một khoảng trống không có cửa, bên ngoài treo toòng teng chiếc bánh xe cũ mòn vẹt đến cả lớp bố ở bên trong, một tay vê vô lăng khá điệu nghệ. Đến chỗ ngã tư, xe dừng lại, bác tài mua một điếu thuốc từ người bán hàng châm lửa hút một cách ngon lành. Ở đây một điếu thuốc lá cũng bán và cũng mua, vui thật! Nhìn ra xung quanh hàng đoàn Jeepney đang chạy kín cả con đường. Không ai có thể thống kê là cả thành phố Manila có bao nhiêu chiếc Jeepney, nhưng chúng tôi thấy nhiều lắm. Đủ kiểu dài có, ngắn có, hình lòe loẹt. Giàu thì làm bằng inox, nghèo thì gắn tole hoa vẽ vời đủ thứ. Đỗ ngay giữa đường để lên xuống loạn cả lên, nhưng có cái kỳ lạ là không hề va quẹt, không hề chử thề và không hề chửi nhau. Trên mỗi chiếc xe đều sơn số điện thoại nóng của chủ xe, nếu có vấn đề gì cứ gọi điện thoại và đúng sai tính sau, tài xế sẽ bị ngưng tài ngay lập tức. Nhưng cũng chẳng thấy ai phàn nàn cái gì, các bác tài trông rất ngổ ngáo nhưng hiền khô.

Một bác sĩ ở Manila nói với chúng tôi, họ cứ mua xe Jeep về cắt và nối dài ra là thành Jeepney rồi. Máy mạnh và hao xăng nhưng khá tiện lợi, có thể luồn lách mọi chỗ và nếu không có nó thì 2 triệu dân nghèo của nội đô Manila không biết đi lại bằng cái gì?
Trân trọng thầy thuốc
18 giờ, gió từ vịnh Manila thổi vào mát lạnh. Chúng tôi đến công viên lớn nằm sát bờ biển để thăm nơi đặt tượng của bác sĩ Josrer Rizal, anh hùng của đất nước Philippines, người đầu tiên giành độc lập cho đất nước từ tay thực dân Tây Ban Nha. Ông là một bác sĩ về nhãn khoa. Các đồng nghiệp người Philippines nói, đất nước họ tiến thẳng từ hình thái quản lý bộ tộc, bộ lạc sau đó bị thực dân đô hộ và bây giờ là chủ nghĩa tư bản mà không có chế độ phong kiến và lịch sử thật sự của Philippines mới chỉ khoảng hơn 400 năm nay.

Cảnh đẹp ở Manila
Để tưởng nhớ công lao của vị Anh hùng dân tộc, người dân ở đây rất quý và tôn trọng bác sĩ. Nghề thầy thuốc được tôn vinh đúng mức, đó cũng là “liều thuốc” giúp cho các đồng nghiệp của chúng tôi ở Philippines vượt qua được những khó khăn của cuộc sống, những stress xảy ra hàng ngày và những giới hạn trong nghề nghiệp để ngày một hoàn thiện hơn trong sự nghiệp giúp cho bệnh nhân trong cơn hoạn nạn.
Bài và ảnh: PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam