Một ngày ở “làng Đó”...

23-12-2019 08:11 | Xã hội
google news

SKĐS - Tiếng bi bô của trẻ học đánh vần; Tiếng khàn khàn, đùng đục của những người ông, người bà vừa đều tay tách những nan tre vừa dạy cháu con chữ; Xa xa đâu đó tiếng gà gáy gọi chiều về...

tất cả những thanh âm ấy càng thôi thúc những bước chân dồn dập hơn đối với chúng tôi khi tới với làng đan Đó thuộc xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên này.

Những chùm Rọ, Đó che cao ngất ngưởng trên chiếc xe thồ tỏa ra như đóa hoa khổng lồ giữa cánh đồng lúa vàng tạo nên bức tranh làng quê thật yên bình.

Những chùm Rọ, Đó che cao ngất ngưởng trên chiếc xe thồ tỏa ra như đóa hoa khổng lồ giữa cánh đồng lúa vàng tạo nên bức tranh làng quê thật yên bình.

Về làng cổ ngữ năm xưa

Xuất phát từ Thủ đô Hà Nội vào đầu giờ sáng, chỉ chưa đầy 2 giờ đồng hồ xe chạy, chúng tôi đã có mặt tại trung tâm huyện lỵ Tiên Lữ của tỉnh Hưng Yên. Táp vội ven đường để hỏi đường về Thủ Sỹ, cụ bà bán nước chỉ dẫn: Các chú về làng đan Đó chứ gì? Cứ đi thẳng rồi độ 3 cây số nữa thì rẽ trái, hỏi thăm tiếp. Rồi như sợ lữ khách lạc đường, cụ nói với theo “Cứ hỏi về làng Đó thì ai cũng biết, chứ hỏi xã Thủ Sỹ thì nhiều người không biết đâu”.

Đúng như lời cụ dặn, chúng tôi chẳng mất nhiều thời gian để tìm về tới làng. Khi còn cách làng non cây số, phía xa xa đã thấp thoáng những chiếc xe đạp, xe máy chất đầy những chiếc Đó từ làng ra. Dưới ánh nắng hanh hao của đầu đông, bên những vựa lúa, hình ảnh người chở Đó tạo nên bức tranh đồng quê hữu tình tuyệt sắc.

Càng tiến vào gần làng hơn, tiếng lanh lảnh trẻ bi bô học đánh vần, tiếng khàn khàn của cụ ông, cụ bà dạy trẻ... khiến bước chân của những người lữ khách như chúng tôi càng thêm chộn rộn.

Tay vẫn thoăn thắt với những nan tre, cụ Phạm Xuân Hồng vừa giảng giải với chúng tôi, nghề đan Đó của làng chẳng biết có tự bao giờ, chỉ nghe các cụ xưa kể lại, nghề đan Đó, đan Rọ được Thành hoàng làng là bà Nguyễn Thị Huệ truyền lại. “Thành hoàng là người dân tộc Mường ở Thanh Hóa, sau khi bà lấy chồng ở vùng chiêm trũng bên dòng sông Luộc này thì bà mang luôn cái nghề đan Đó, đan Rọ về và truyền lại cho người dân nơi đây”.

Cũng theo cụ Hồng, thủa bấy giờ nghề “ngư phủ” gắn liền với các dòng sông, mương nước. Để bẫy, bắt được cá, tôm, người “ngư phủ” dùng những chiếc Đó, chiếc Rọ để đánh bắt. “Và cái nghề làm Đó, làm Rọ của chúng tôi phát triển từ đó đến bây giờ. Nếu tính theo gia phả từ khi Thành hoàng làng Nguyễn Thị Huệ truyền lại, đến nay đã có tuổi đời hơn 200 năm đấy các chú ạ” - cụ Hồng cho biết.

Cũng theo các cụ cao niên trong làng chia sẻ, trước đây, khi quá trình đô thị hóa chưa bị tác động, nghề làm Đó, làm Rọ trở thành nghề truyền thống, kiếm tiền của toàn xã. “Vài năm trở lại đây quá trình đô thị hóa dần, ruộng đồng, sông ngòi ngày bị thu hẹp nên chỉ còn hai thôn là Nội Lăng và Tất Viên còn giữ lại nghề thôi” - cụ Thi, cho biết.

Nghề đan cần sự khéo tay và tỉ mỉ.

Nghề đan cần sự khéo tay và tỉ mỉ.

Nghệ sĩ của những nan tre

Rời nhà cụ Hồng, chúng tôi tìm sang nhà cụ Phạm Văn Truật, ở cái tuổi 84 nhưng đôi mắt và đôi tay cụ Truật vẫn còn tinh anh lắm. Nhìn đôi tay cụ “múa’ trên những thanh tre vô tri, vô giác để tạo ra những chiếc Đó mà ngỡ nghệ sĩ đang múa trên những phím đàn. “Nghề đan Đó tưởng như đơn giản nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ lắm đấy nhà báo ạ” - cụ Truật nheo nheo đôi mắt cho hay.

Tre hoặc nứa được đặt mua từ trên rừng về từng bó. Sau đó, người đan Đó chẻ từng cây ra thành thanh nhỏ, công đoạn này được gọi là “pha”. Sau khi những thanh tre, nứa đã được pha ra là đến lượt lựa nan. “Phải ra nan thật đều, thật thẳng. Người ra nan giỏi không chỉ đều, thẳng mà còn vuốt cho các cạnh nan không còn xước, dằm. Chỉ cần để nan còn xước, dằm hoặc sắc cạnh, khi vào khôn sẽ dễ bị đứt tay” - cụ Truật giải thích.

Nghề đan Đó trở thành truyền thống, niềm tự hào của làng nghề Thủ Sỹ suốt hơn 2 thế kỷ qua.

Nghề đan Đó trở thành truyền thống, niềm tự hào của làng nghề Thủ Sỹ suốt hơn 2 thế kỷ qua.

Để làm ra một chiếc Đó, người làm Đó phải sử dụng rất nhiều loại nan khác nhau như: nan suốt (đây là loại nan dùng định hình khuôn) nan này có chiều dài theo suốt từ đầu đến cuối chiếc Đó; Tiếp đó là nan so le, loại nan này cũng dài từ miệng chiếc Đó đến đuôi Đó; Cùng với đó là nan hom, nan khoáy...

Công đoạn làm nan là vậy, tuy nhiên việc dựng hình, đan đòi hỏi người làm Đó khéo tay hơn nhiều. “Chỉ cần định hình sai một nhịp, không đều tay một nhịp chiếc Đó sẽ bị dúm dó và méo đi ngay” - cụ Truật cho hay.

Tùy theo tay nghề của người đan, thời gian để hoàn thành một cái Đó chỉ vỏn vẹn chưa đầy một giờ đồng hồ. “Bụng Đó là nơi đan đầu tiên, từ khung đến miệng và từ to đến nhỏ. Công đoạn cuối cùng là hom, đây cũng là công đoạn khó nhất” - bà Phạm Thị Miên cho biết.

Một chiếc Đó đạt yêu cầu về độ bền, độ chắc được bà Miên tiết lộ: Do công đoạn đan khoáy, đan hom. Để kiểm tra, chỉ cần dùng tay nắn đoạn khoáy nếu chắc là tốt. Ngoài ra, chiếc Đó sau khi hoàn thiện phải được gác lên gác bếp “Khói bếp không chỉ phủ lên một màu nâu cho Đó, mà nó còn có tác dụng chống lại mối, mọt” - bà Miên giải thích.

Thoáng chốc trời đã ngả về chiều, chúng tôi tạm phải chia tay với những người nghệ sĩ trên những thanh tre, thanh nứa để trở về với công việc thường nhật. “Làng Đó” xa dần, nhưng lẩn khuất đâu đó phía bên kia ruộng lúa, trên mỗi bờ mương hay chính ở một góc nhỏ của quán cà phê nơi phố thị vẫn tồn tại sản vật của một thời xa xưa!


Bài, ảnh: Tuấn Anh
Ý kiến của bạn