Bạch Long Vỹ có gì? Đó là huyện đảo xa nhất của Hải Phòng, là nơi thanh niên xung phong đất Cảng đã hy sinh tuổi trẻ, sức lực để biến hòn đảo trơ trọi thành nơi màu xanh bao phủ. Ngoài ra, đó còn là nơi gian khổ, để đi được tới đảo, phải đối mặt với những cơn say sóng. Những gì tôi biết trước khi đi ra Bạch Long Vỹ chỉ có vậy? Còn khi đặt chân lên mảnh đất chưa đầy 3km2 này có gì thú vị hơn?
Đường đến Bạch Long Vỹ
Đã được cảnh báo trước, ra đảo phải có sức chịu đựng những cơn say sóng. Nếu thời tiết xấu thì mất mười tiếng ngồi trên con tàu dập dềnh, sóng chực tràn vào khoang. Sức trẻ mới có mấy cơn say sóng đã gục thì còn làm được gì? Mang tâm trạng đấy nên tôi bước chân lên tàu rất thoải mái.
Ưu tiên phái nữ, nhà tàu đưa chúng tôi vào phòng VIP. Ở đó có tivi, chăn, ga, gối, đệm, tạo thuận lợi tối đa cho mọi người nghỉ ngơi. Nhiều chị bước chân xuống tàu đã uống thuốc chống say, cuộn tròn người trong chăn. Cánh thanh niên chờ hành khách ngồi ổn định kéo nhau ra boong tàu. Thời tiết khá đẹp, có nắng và gió nhẹ. Đây là những yếu tố thuận lợi cho cuộc hành trình êm đẹp. Dù chả thấy hề hấn gì khi lênh đênh trên biển, nhưng tôi vẫn hồi hộp khi nghe quá nhiều người vẫn nói về say sóng. Anh đồng nghiệp báo Hải Phòng kể, lần trước ra đây, anh bị ngây ngất trên tàu 5 tiếng đồng hồ, lúc ra đến đảo, người như tàu lá héo. Anh Tự - nhân viên của Trung tâm Giáo dục Lao động Gia Minh, người có thâm niên đi biển hơn 10 năm cùng gia đình kể: Đi biển không nói mạnh được. Nhiều lúc sương mù, thời tiết xấu, lạc đường là chuyện bình thường. Sợ nhất là những luồng nước xoáy và những con sóng dữ. Nó làm cho tàu thuyền chao đảo. Ngồi trên tàu lúc đó chỉ có mong muốn giản dị là đang được ở trên bờ vì ruột gan như lồng lên. Nhiều người đi biển hay mang theo chai quốc lủi vì lý do say rượu còn hơn say sóng. Anh Tự cũng bảo, theo kinh nghiệm của mình thì hôm nay cuộc hành trình sẽ nhẹ nhàng vì biển lặng, trời yên.
Chuyến hành trình lần này quả là may mắn. Sau hơn 6 tiếng du khách tận hưởng cảm giác tự do, phóng khoáng khi bồng bềnh giữa đại dương, tàu đã cập cảng.
Đất của xương rồng
Đường vào đảo đủ cho 2 ôtô tránh nhau, được bao quanh bởi những cột chắn sóng bê tông. Hai bên đường, nhà cửa mọc xen lẫn những bãi đất hoang. Ấn tượng nhất ở đây là những bụi xương rồng nở hoa vàng rực. Buổi chiều chúng tôi tản bộ trên những đoạn đường vắng vẻ. Đường xá rất sạch sẽ. Hai bên đường trồng cây xanh thẳng hàng. Có hình ảnh khá buồn cười đó là "ra ngõ gặp chó", con nào cũng rất hung dữ. Tôi và cô bạn đồng nghiệp khi leo lên thăm ngọn hải đăng đã bị chó đuổi chạy bán sống bán chết.
Buổi tối, khách và thanh niên quây quần tham gia biểu diễn văn nghệ và tâm tình. Chị Vũ Thị Ngân, Liên đội trưởng thanh niên xung phong Hải Phòng hồn hậu giới thiệu về Bạch Long Vỹ: Năm 1993 chúng tôi là lứa thanh niên đầu tiên ra đảo. Lúc đó toàn đảo chỉ có một dãy nhà dành cho bộ đội, đất đai cằn cỗi, chỉ có cát, sỏi và xương rồng. Đến nước ngọt cũng là của hiếm. Tối đến đèn dầu lù mù, sóng biển đập ồn ào làm cho nỗi nhớ nhà càng nhân lên gấp bội. 6 tháng mới được về nhà một lần. Nhiều lúc cũng nản nhưng rồi anh em động viên nhau và ai cũng dần quen. Vùng đất nghèo khó này không chỉ làm phụ nữ bật khóc mà nam giới cũng nước mắt như mưa. Anh Công Hậu - Liên đội phó Thanh niên xung phong Hải Phòng kể, thời anh đi muốn ra đến đảo thì phải nhờ tàu cá hoặc tàu hàng. Có những lần lênh đênh trên biển hơn 2 ngày trời mới đến nơi. Những cơn say sóng làm cho cơ thể tơi tả. Có lần gió to quá, tàu dạt vào tận Quảng Ninh, Thái Bình. Đường đi vất vả là thế nhưng đến nơi lòng dạ còn rối bời hơn. Không điện, không tivi, không người thân. Chỉ có tiếng chó sủa, côn trùng kêu, sóng vỗ, gió gào. Úp mặt xuống gối, nước mắt rơi không biết bao lần. Thế rồi anh chị em động viên, nương tựa vào nhau cùng sống cùng làm việc.
Trường mầm non trên đảo. |
Đảo xanh hạnh phúc
Nỗ lực đầu tiên của các thanh niên là trồng cây xanh. Câu nói vui "mười cây chết chín một cây gật gù" sao lại đúng với nơi này. Trồng một giống cây xuống, lòng dạ thắc thỏm. Thế rồi, chỉ cần một trận gió Nam cuốn theo hơi nước biển lên, cây cối nhiễm mặn táp hết lá rồi chết dần. Nếu không héo úa vì nắng gió thì cũng ngắc ngoải vì bão. Cuối cùng chỉ còn lại những loài cây chịu được sự khắc nghiệt của thời tiết như thông, phong ba... Gây dựng được chút mầm xanh cho đảo, các anh chị bắt tay vào xây dựng đường xá, nhà cửa. Đã có hàng trăm chuyến tàu chở từng khối gạch, đá ra đây và thanh niên xung phong tự nỗ lực gây dựng nên những ngôi nhà ở cho chính chính họ, rồi xây trụ sở huyện, xây trường cấp một, bệnh viện, công viên. Bây giờ đất liền có gì, đảo có thứ đó.
Trong lao động, trong khó khăn cũng đã gắn kết những trái tim xích lại gần nhau. Từ những cặp đôi đầu tiên, tới nay huyện đảo đã có hơn 40 cặp vợ chồng thanh niên cưới nhau và hàng trăm cặp vợ chồng từ đất liền tình nguyện ra đây sinh sống. Các cửa hàng tạp hoá dần mọc lên. Nhiều tàu cập cảng lên bờ trao đổi hàng hoá nên khoảng cách giữa đảo và đất liền đã ngắn lại. Giá rau, củ, quả ở đây cũng chỉ đắt hơn đất liền từ 1.000-2.000 đồng, thịt lợn giá tương đương đất liền.
Thanh niên xung phong vui đùa sau giờ làm việc. |
Gần 20 năm, những bước chân tình nguyện đã làm thay đổi hình ảnh đảo xa nghèo khó và xơ xác. Trước mắt những thanh niên xung phong cũng như những người dân ở đây tuy không phải là không có những khó khăn trăn trở. Chị Ngân cho biết, công trình điện sức gió đã bị quật ngã sau cơn bão số 10 năm ngoái. Toàn bộ điện sinh hoạt trên đảo phụ thuộc vào hệ thống máy phát nên tình trạng điện phập phù là không tránh khỏi. Điện phập phù, thông tin từ đất liền vào cũng phập phù theo, vì ở đây rất ít nhà có tivi. Thông tin đến được với người dân là nhờ internet. Hơn nữa, những nhà máy sản xuất thuỷ sản nhỏ lẻ cũng không thể hoạt động vì thiếu điện. Nhiều tàu thuyền không cập cảng vì buôn bán không phát triển. Những thanh niên xung phong đã luống tuổi muốn về đất liền cũng khó khăn vì hiện tại họ không được đãi ngộ gì. Tuổi trẻ đã cống hiến hết để xây dựng đảo, nếu bây giờ về đất liền lại vẫn chỉ có hai bàn tay trắng thì tủi quá. Nhưng tạm gác những trăn trở sang một bên, tất cả thanh niên xung kích trên đảo lại tiếp tục làm việc, hy sinh và cống hiến như họ đã từng làm để biến hòn đảo này thành phố huyện, sắp tới sẽ là khu du lịch. Chị Ngân cũng chia sẻ tin vui, huyện đảo đã có quy hoạch tổng thể và như thế, mọi thứ sẽ phát triển theo. Ai cũng mong cuộc sống ở đây thay đổi.
Sáng hôm sau chúng tôi rời đảo. Từ Bạch Long Vỹ trở về, lòng tôi tràn ngập ý nghĩ về sức sống mãnh liệt của con người, cảnh vật nơi đây. Từ những cây xương rồng cho tới những thanh niên tình nguyện đều biết cách thích nghi với hoàn cảnh và tạo ra những điều tốt đẹp cho cuộc sống.
Hiện tại, chỉ có duy nhất tàu Bạch Long của Tổng đội Thanh niên xung phong Hải Phòng là phương tiện chở người từ đất liền ra đảo và ngược lại. Mỗi tháng tàu chạy khoảng 3-4 chuyến tuỳ thuộc vào thời tiết. Nếu không đi cùng các đoàn khách thăm đảo, bạn có thể tự mua vé tàu và lên đường.
Bài và ảnh: Minh Thu