Một ngày như mọi ngày...

21-07-2018 08:30 | Y tế

SKĐS - Ngày... tháng... năm...

Bệnh nhân là người dân tộc, quê ở Lào Cai, mới 37 tuổi nhưng đã phải trải qua mổ sỏi mật vài lần. Một năm đôi lần bệnh nhân phải vào viện vì nhiễm khuẩn đường mật. Nhà nghèo, ở nhà có mỗi con trâu là tài sản lớn nhất, đợt này chắc đau quá, nên gia đình bệnh nhân quyết tâm bán trâu lấy tiền đi khám bệnh. Con trâu bán được 40 triệu, nghe to lắm, nhưng qua ba nơi khám bệnh đã ngốn gần hết chỗ gia tài này. Tiền thuốc, tiền dịch truyền, đủ thứ tiền, có đi bệnh viện mới biết...

Khi người thầy thuốc sẻ chia với bệnh nhân…

Khi người thầy thuốc sẻ chia với bệnh nhân…

Hôm rồi, bệnh nhân nghe bác sĩ bảo bệnh này mổ phải dùng máy nội soi tán sỏi thì mới mong sạch được sỏi hoặc ít nhất cũng cố gắng lấy hết. Còn mở thông thường thì chỉ lấy được ít sỏi, mà sỏi trong gan không lấy được, chẳng mấy nó lại đau, lại vàng da, lại nhiễm trùng rồi đi bệnh viện... Bệnh nhân bảo với tôi: “Cháu hết tiền rồi, tiền bán trâu cũng gần hết rồi...”. Trời ơi, tôi biết làm sao đây với những bệnh nhân tội nghiệp này?

Nhìn những bệnh nhân bị sỏi mật, da vàng bủng beo, thiếu máu, người gầy nhẳng... đôi lúc tôi cảm thấy mình như người vô dụng với họ.

Còn bao nhiêu bệnh nhân, bao nhiêu cảnh đời như thế? Và đến bao giờ người dân nghèo mới đủ tiền để chữa bệnh, thậm chí đến bao giờ họ được chữa bệnh không mất tiền nhỉ?

Ngày... tháng... năm...

Thứ sáu, ngày cuối tuần. Mình có ca mổ phiên muộn. Không phải mổ cấp cứu, lẽ ra, mình có thể hoãn ca cuối cùng này sang tuần sau khi đã cuối giờ chiều. Nhưng cả bác sĩ trưởng khoa, bác sĩ mổ đều nhất trí mổ luôn. Thế là cả kíp mổ động viên nhau làm nốt ca cuối cho bệnh nhân.

Mặc dù:

Bác sĩ phụ mổ bảo: cuối tuần chẳng muốn làm gì chỉ muốn về nhà với con. Sáng đưa chúng đi học và hứa chiều sẽ đón mà đã bao lần thất hứa rồi. Thất hứa nhiều rồi quen, sau chúng nó không tin lời hứa của mình. Nhưng công việc phải biết làm sao!

Chị bác sĩ ở khoa, mới sinh cháu, nay anh chồng mổ về muộn, cũng phải về với con...

Bác sĩ mổ chính “năn nỉ” mình và cô bé bác sĩ nội trú: “Các cháu chịu khó chút hộ chú nhé. Có chịu khó, sau mới thành công được!”...

Mình thấy chả có gì không ổn cả. Về muộn cũng có cái thú vị: Vừa đỡ nắng, đỡ tắc đường, nếu về lúc nửa đêm, có lẽ còn không có đèn báo giao thông cũng nên. Vả lại, đằng nào tối nay mình lại trực. Có đứng đến sáng mai cũng được. Chỉ có cô bé nội trú, vừa ra ngoài gọi điện thoại. Có lẽ lùi cuộc hẹn với bạn trai...

Cuối cùng ca mổ cũng hoàn thành sau khoảng hai giờ. Bệnh nhân được đưa về phòng hậu phẫu...

Có nhiều bác sĩ ở khoa chỗ tôi làm, dù không đi trực, tuần vẫn phải lên viện mấy lần mổ tối. Có những ca mổ quá cả 12h đêm mới xong. Nhưng không muốn về nhà vì sợ vợ con mất giấc ngủ. Thế là đành ở lại viện rồi hôm sau làm tiếp.

Đôi khi những thói quen rất đỗi bình thường của cuộc sống phải gác lại, vì một chuyện được gọi là “bình thường” như vậy của công việc ở bệnh viện.

Và có mấy ai biết và thấu hiểu được những sự hy sinh dù rất nhỏ nhoi, thầm lặng và thường nhật ấy của các cán bộ y tế để hoàn thành công việc của mình. Khi đã thấu hiểu thì chắc những người bệnh sẽ đồng hành cùng người thầy thuốc, chứ không đối đầu làm hại người thầy thuốc như các vụ bạo hành nhân viên y tế xảy ra vừa qua.


BS. Đăng Sơn
Ý kiến của bạn