“Đồn là nhà – Biên giới là quê hương” câu nói tưởng như chỉ là cửa miệng nhưng khi bước chân đến, chúng tôi mới cảm nhận hết những gì đã đi vào tiềm thức của từng chiến sĩ Đồn biên phòng Quang Long (huyện Hạ Lang – Cao Bằng).

1: Tuần tra vùng biên, đảm bảo an ninh cho một vùng phiên dậu của Tổ quốc là niềm tự hào của các chiến sĩ Đồn biên phòng Quang Long.
Sau những bài tập chiến thuật, phương thức chiến đấu là những giây phút chúng tôi được tận hưởng không khí “việc nhà” của các chiến sĩ. Chẳng ai bảo ai, mỗi người một việc như: bổ củi, trồng rau, nuôi lợn... và thậm chí còn tự trang bị cho mình hẳn một vườn thuốc để chữa bệnh cho mình và cho bà con dân bản.

2: Các chiến sĩ Đồn biên phòng Quang Long chăm sóc vườn thuốc Nam.
Chia sẻ với chúng tôi về vườn thuốc Nam của đơn vị, chiến sĩ Hoàng Hồng Hà tự hào cho biết: Tôi mới chuyển về đồn được gần một tháng, nhưng vườn cây thuốc quý này thì các anh trong đơn vị đã trồng lên từ lâu rồi. Mỗi chuyến đi tuần, ai gặp cây thuốc quý đều mang về để trồng và nhân giống. Mỗi khi có ai ốm đau đều nhờ vào vườn thuốc Nam của đơn vị. Chúng tôi quý vườn thuốc như “một cái bệnh viện của gia đình”.

Tăng gia để nâng cao đời sống, sức khỏe, sức chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ là một nhiệm vụ quan trọng.
Để có những bữa cơm được cải thiện, có rau xanh, củ, quả, thịt gà hay thịt lợn đều do một tay các chiến sĩ tăng gia. Với mỗi bữa cơm từ chính tay các chiến sĩ làm ra, những người phóng viên chúng tôi được coi như là “mâm cỗ thịnh soạn” đầm ấm và hạnh phúc nhường nào giữa núi rừng Tây Bắc.

Quanh năm sống với gió núi, mưa rừng, bên những vệt hoa đào e ấp và những hàng thông reo trong gió. Ngay giữa sân đồn biên phòng là lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió, càng thấu hiểu hơn nỗi lòng của người lính biên phòng với câu nói: “Đồn là nhà - Biên giới là quê hương”.

Ngoài nhiệm vụ học tập, tăng gia thì các chiến sĩ ở Đồn biên phòng Quang Long còn có rất nhiều bài viết hay.
Chia tay các chiến sĩ, chia tay những dãy núi điệp trùng nhấp nhô, ẩn hiện trong làn khói bếp cuối ngày, chúng tôi không khỏi những khắc khoải, nhớ mong một ngày trở lại.


Các chiến sĩ phục vụ bữa cơm cho đơn vị.

Bài, ảnh: Tuấn Anh