Một năm sau Thượng đỉnh Mỹ-Triều đầu tiên: Sẽ có một thượng đỉnh Mỹ-Triều lần ba?

17-06-2019 06:26 | Quốc tế

SKĐS - Tròn một năm sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều mang tính lịch sử tại Singapore, dù đã có hàng loạt nỗ lực ngoại giao, trong đó phải kể tới cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội, song thế bế tắc liên quan tới vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vẫn đang tiếp diễn.

Trong bối cảnh xuất hiện thêm những diễn biến căng thẳng mới, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn đưa ra tuyên bố lạc quan về triển vọng một cuộc gặp thượng đỉnh lần ba giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều, được giới phân tích nhìn nhận là một cơ hội có thể giúp 2 bên tiếp tục đối thoại và tìm ra một giải pháp chung.

Nếu như cách đây tròn một năm, ngày 12/6/2018, thế giới hoan hỉ đón nhận bước đột phá ngoại giao đầu tiên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên khi Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong - un lần đầu tiên gặp nhau tại Singapore với tuyên bố chung 4 điểm, cam kết thiết lập các quan hệ mới và một cơ chế hòa bình mới, thì 1 năm sau sự kiện này, mọi việc có vẻ vẫn đang “giậm chân tại chỗ”. Bởi sau những bước đi tích cực ấy, hiện vẫn chưa có thêm động thái nào khác nhằm xóa bỏ sự nghi kị lẫn nhau, thu hẹp bất đồng để cùng tạo dựng lòng tin chiến lược giữa cả Mỹ và Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ D. Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong -un.

Tổng thống Mỹ D. Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong -un.

Việc Mỹ vẫn chưa có bước đi nào khác và cũng chưa xóa bỏ các lệnh trừng phạt nhắm vào Triều Tiên; việc Triều Tiên hai lần phóng thử tên lửa trong một tuần hồi đầu tháng 5... cho thấy Mỹ và Triều Tiên vẫn ứng xử với nhau theo lối cũ, đó là sự cứng rắn và nghi kỵ.

Dưới góc nhìn phân tích, cho đến nay, giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn bất đồng quan điểm về các bước đi nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Trong khi Mỹ yêu cầu Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa hoàn toàn ngay lập tức, có kiểm chứng và không thể đảo ngược, thì Triều Tiên kiên quyết thực hiện việc phi hạt nhân hóa hạt nhân theo từng bước và đổi lại đòi Mỹ phải dỡ bỏ một phần các biện pháp trừng phạt. Nói cách khác, nếu quan điểm của Mỹ là đàm phán “cả gói”, thì quan điểm của Triều Tiên là phải “đàm phán từng phần” và Mỹ phải đáp ứng từng điều kiện trong gói đàm phán mới có thể nhận được sự phản hồi tích cực từ Triều Tiên.

Sự lệch pha về quan điểm này khiến cho lập trường của Mỹ và Triều Tiên tiếp tục là 2 đường thẳng song song và khiến lập trường hai bên vẫn cách xa nhau. Một năm nhìn lại sự kiện này, rõ ràng, Mỹ và Triều Tiên đang có những tính toán riêng và vẫn sử dụng biện pháp gây sức ép cho đối phương nhằm tạo lợi thế khi bước vào các cuộc thương lượng tiếp theo.

Dù vậy, sau những diễn biến này, giới phân tích vẫn lạc quan về một kết quả tốt đẹp. Thứ nhất, từ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore, Mỹ - Triều,  hai cựu thù trước đây -  nay đã ngồi cùng nhau và duy trì được ngọn lửa đối thoại. Thứ hai, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trở lại, Mỹ - Triều vẫn để ngỏ lối thoát bằng đối thoại và ngoại giao. Đây là những tín hiệu cho thấy cả Mỹ và Triều Tiên đều không muốn trở lại trạng thái căng thẳng trước đây và muốn tìm một giải pháp phù hợp dung hòa lợi ích của cả hai phía.

Việc nhà lãnh đạo Mỹ ngỏ ý sẵn sàng tiến hành hội nghị thượng đỉnh lần ba với nhà lãnh đạo Triều Tiên là một tín hiệu khác cho thấy hy vọng là có thực. Dẫu động thái này được cho là một sự tính toán chiến lược của Tổng thống Trump nhằm giành sự ủng hộ của cử tri Mỹ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống năm tới, hay là vì các lý do khác, nhưng nhìn vào tình hình thực tế hiện nay, bước đi này là phù hợp bởi cả ba bên: Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đều mong muốn có được “một con đường sáng” giải quyết thế bế tắc hiện nay.

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cũng được cho là đang ủng hộ Mỹ và Triều Tiên ở thời điểm hiện tại. Hiện, Hàn Quốc đang xúc tiến một cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều lần 2 trước thềm chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Tổng thống Mỹ vào cuối tháng 6 này. Còn phía Mỹ ngỏ ý sẵn sàng tiếp tục các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề phi hạt nhân hóa với Triều Tiên để chuẩn bị cho các cuộc đối thoại sắp tới.

Tuy nhiên, tất cả vẫn là một sự lạc quan thận trọng. Bởi dù Mỹ và Triều Tiên đưa ra nhiều hứa hẹn và cam kết; dù Hàn Quốc có nỗ lực đến đâu... mà các bên vẫn thiếu sự tin tưởng và nhượng bộ lẫn nhau, thì kết quả vẫn sẽ là con số 0 tròn trĩnh. Có lẽ lòng tin vẫn là yếu tố chiến lược quyết định liệu Mỹ và Triều Tiên có thể xóa bỏ những bất đồng và nghi kỵ hay không? Vấn đề đặt ra hiện nay là cả Mỹ và Triều Tiên - hai bên sẵn sàng đến mức độ nào? cho một thỏa thuận có thể chấp thuận được nếu như hội nghị thượng đỉnh lần thứ 3 được tổ chức. Bởi đây rất có thể sẽ là cơ hội cuối cùng để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Câu trả lời vẫn đang ở phía trước.


N.Quang
Ý kiến của bạn