Một năm sau ghép phổi: 'Tôi khoẻ mạnh và hạnh phúc hơn'

22-10-2021 16:12 | Thành tựu y khoa

SKĐS- Gặp lại bệnh nhân N.X.T, Bỉm Sơn, Thanh Hoá 1 năm sau khi ông trải qua ca đại phẫu ghép một lúc 2 lá phổi, cả sức khoẻ và tinh thần của ông đã thay đổi rất nhiều. Ông vui vẻ hơn và hào hứng khoe đã lên 9kg kể từ lần ghép phổi năm ngoái.

"Tôi đã được tái sinh"

Kể chuyện sức khỏe của mình, ông N.X.T cho biết, trước khi ghép phổi ông chỉ nặng  62kg nhưng giờ đây đã tăng lên gần 72kg. Ông N.X.T hào hứng nói: "Tôi tăng 9kg, thậm chí còn phải kiêng nếu không còn tăng cân nữa. Các y bác sĩ đã chăm sóc sức khỏe của tôi rất tốt. Hiện tôi có thể tự làm mọi công việc cá nhân cho bản thân…  Lẽ ra nếu không có dịch COVID-19, tôi đã được về nhà".

Trước đây, mỗi khi leo cầu thang ông cho biết mình lấy hơi không kịp, nhưng 1 năm sau ca đại phẫu, ông có thể leo 3 tầng cầu thang mà không thấy mệt.

Một năm sau ghép phổi: Tôi khoẻ và hạnh phúc hơn - Ảnh 1.

Bệnh nhân N.X.T cho biết sức khoẻ của mình đã hồi phục tới 80-90%.

Ông N.X.T chia sẻ: "Tôi vô cùng biết ơn các y bác sĩ, những người đã giúp tôi được tái sinh. Nếu không được phẫu thuật ghép phổi  1 năm trước, không biết giờ này thế nào bởi lúc đó, phổi tôi đã hỏng hết". Ông tự hào cho rằng sức khỏe của mình giờ đây đã phục hồi tới 80-90%.

Hơn 1 năm trước,  bệnh nhân N.X.T có biểu hiện khó thở, mệt mỏi khi vận động, đi khám được chẩn đoán bị xơ phổi, bệnh diễn tiến nhanh, xuất hiện dấu hiệu suy hô hấp. Bệnh nhân có chỉ định ghép phổi, sau đó ông được đưa vào danh sách chờ ghép.

Một năm sau ghép phổi: Tôi khoẻ và hạnh phúc hơn - Ảnh 2.

TS. BS Đinh Văn Lượng, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương, Giám đốc Trung tâm Ghép phổi chia tay bệnh nhân ra viện cách đây 1 năm.

TS. BS Đinh Văn Lượng, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương, Giám đốc Trung tâm Ghép phổi cho biết,  nếu không được ghép phổi, bệnh nhân T. chỉ có thể cầm cự được từ 2-3 tháng. Nhưng may mắn đã mỉm cười với ông T.  bởi  sau một thời gian chờ đợi, ông đã được ghép phổi.  Ca mổ được thực hiện bởi ê kíp bác sĩ của BV Phổi Trung ương và BV Trung ương Quân đội 108 từ người hiến tạng chết não.

Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương chia sẻ thêm, bệnh nhân T hồi phục như hiện nay là kết quả của sự phối hợp hiệp đồng của các chuyên gia từ BV Phổi Trung ương và BV Trung ương Quân đội 108.  Ca phẫu thuật này minh chứng cho việc áp dụng quy trình ghép tạng chuẩn đã đem lại kết quả mỹ mãn, tương đương với kết quả mà người bệnh nhận được tại Mỹ.

Một năm sau ghép phổi: Tôi khoẻ và hạnh phúc hơn - Ảnh 3.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương xúc động cho biết, ghép phổi là một trong những kỹ thuật khó nhất của ghép tạng, "Thành công của ca ghép phổi này cho thấy Việt Nam đã tiếp cận được những kỹ thuật đỉnh cao trong lĩnh vực ghép phổi".

Bệnh nhân ghép 2 phổi chia sẻ trong  một lần kiểm tra sức khoẻ

Mở ra nhiều cơ hội cho bệnh nhân mắc bệnh phổi có chỉ định cấy ghép

Ca phẫu thuật ghép phổi thành công từ người hiến tặng chết não cách đây 1 năm đã được báo cáo chi tiết tại Hội thảo Khoa học Chương trình ghép phổi tại Việt Nam. Thành công này đã mở ra cơ hội cho các bệnh nhân mắc bệnh phổi có chỉ định được cấy ghép phổi kéo dài sự sống.

 Hội thảo diễn ra ngày 22/10 do BV Phổi Trung ương phối hợp với BV Trung ương Quân đội 108, BV Việt Đức và Trung tâm điều phối tạng  Quốc gia phối hợp tổ chức.  Hội thảo  được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại BV Phổi Trung ương kết hợp trực tuyến với 250  đầu cầu ở các trung tâm ghép tạng, các bệnh viện trên cả nước.

Một năm sau ghép phổi: Tôi khoẻ và hạnh phúc hơn - Ảnh 5.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương phát biểu tại hội thảo

Hội thảo quy tụ hàng chục các Giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực hiến, ghép tạng và các y bác sĩ trong cả nước.

GS.TS. Trịnh Hồng Sơn- Giám đốc Trung tâm Điều phối tạng Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, tại Việt Nam lĩnh vực ghép tạng mặc dù có xuất phát điểm chậm hơn các quốc gia khác hàng chục năm nhưng đến nay, Việt Nam đã có những thành tựu nhất định với  hàng nghìn ca ghép tạng, trong đó có ghép phổi.

"Tính đến ngày 30/9/2021, cả nước  có 6.113 ca ghép tạng, trong đó ghép thận là 5.729 ca, ghép gan 316 ca, ghép tim 54 ca….  ghép phổi 8 ca", GS Trịnh Hồng Sơn cho biết.

Một năm sau ghép phổi: Tôi khoẻ và hạnh phúc hơn - Ảnh 6.

Hội thảo Khoa học Chương trình ghép phổi tại Việt Nam

Hiện nay, nhu cầu về ghép mô, tạng ở nước ta  rất lớn song số người được ghép lại hạn chế do thiếu mô, tạng. Riêng tại BV Phổi Trung ương, mỗi năm có từ 20-30 trường hợp được chỉ định ghép phổi. Mặc dù nhu cầu ghép tạng trong đó có ghép phổi rất lớn, nhưng nguồn tạng hiến tặng từ bệnh nhân chết não vô cùng  khan hiếm

TS.BS. Đinh Văn Lượng - Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương, Giám đốc Trung tâm Ghép phổi cho biết, với một bệnh nhân có chỉ định ghép phổi, thường chức năng phổi đã không còn, nếu không được ghép bệnh nhân có thể qua đời trong từ 2-3 tháng. Nếu điều trị thật tốt, bệnh nhân không chờ được quá 2 năm.

Tuy nhiên một vấn đề khó khăn hiện nay là số người chết não hiến tạng rất ít, nhiều bệnh nhân không thể chờ được và đã qua đời.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương nói: "Đến thời điểm này, chúng ta đã làm chủ được kỹ thuật ghép phổi. Vấn đề chăm sóc bệnh nhân ghép phổi  trước và sau phẫu thuật đóng vai trò rất quan trọng và BV Phổi Trung ương đã làm rất tốt". Kết quả có được là nhờ quy trình ghép rất bài bản, mang chuẩn quốc tế, từ chăm sóc trước phẫu thuật, đến hậu phẫu, chăm sóc chống thải ghép …. Bệnh nhân ghép phổi sau 2 tuần có thể rời khỏi ICU (hồi sức cấp cứu).

Giám đốc BV Phổi Trung ương nhấn mạnh, tại hội thảo lần này đã hội tụ rất đông các Giáo sư, bác sĩ, chuyên gia hàng đầu trong nước để thảo luận về những gì Việt Nam đã và đang làm được, những khó khăn đang gặp phải để cùng nhau giải quyết, chuẩn hoá các quy trình trong chuyên môn… từ đó chinh phục tiếp các đỉnh cao mới trong lĩnh vực ghép tạng nói chung và ghép phổi nói riêng.

PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương nhấn mạnh thông điệp "cho đi là còn mãi". 

Nếu hạnh phúc là sự cho đi thì hành động hiến tạng chính là giá trị cuối cùng mà người ấy để lại cho cuộc sống này.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương

Giám đốc BV Phổi Trung ương kêu gọi mọi người cùng đăng ký hiến tạng bởi một người nằm xuống có thể cứu sống được 3-4 người khác, đây là nghĩa cử cao đẹp, là những điều nên làm và đáng được tôn vinh.  

Xem video bệnh nhân đang được kiểm tra, chăm sóc định kỳ sau ghép:

Hải Yến
Ý kiến của bạn