Một năm ảm đạm của kinh tế toàn cầu

28-12-2020 10:10 | Quốc tế
google news

SKĐS - Chỉ còn vài ngày nữa, năm 2020 sẽ hoàn tất nhiệm vụ của mình. Đây là một năm khó khăn của kinh tế thế giới bởi “bóng ma” dịch COVID-19 bủa vây.

Trĩu nặng nỗi lo dịch bệnh

Dịch COVID-19 đã tàn phá nền kinh tế thế giới một cách nghiêm trọng. Hàng loạt quốc gia trên thế giới hết phong tỏa tới đóng cửa, đã khóa chặt cơ hội phát triển kinh tế, dòng chảy thương mại toàn cầu bị ngưng trệ, chuỗi cung ứng đứt gãy, hàng nghìn doanh nghiệp điêu đứng, phá sản, các lĩnh vực như hàng không, du lịch, bán lẻ... rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”. Dịch COVID-19 đã kéo lùi sự phát triển của nhiều quốc gia như ở châu Phi.

Nền kinh tế toàn cầu đã rơi vào đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II. GDP toàn cầu ước giảm 4,4% trong năm 2020 theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với kinh tế toàn cầu dự báo sẽ còn dai dẳng trong nhiều năm tới. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, năm 2020 có tới 81 triệu lao động ở châu Á - Thái Bình Dương và 30 triệu lao động ở Mỹ Latinh mất việc làm.

Mỹ là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới khi đã mất hơn 330.000 sinh mạng vì đại dịch và ghi nhận gần 20 triệu ca nhiễm bệnh kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Ở châu Âu, những “vết thương” do dịch bệnh gây ra với nền kinh tế để lại những “vết sẹo lâu lành” cho lục địa già này. Mặc dù vậy, nỗi lo dịch bệnh vẫn đeo đẳng toàn bộ các quốc gia trên thế giới và chưa biết đến khi nào bầu không khí an toàn sẽ trở lại.

Dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng.

Dịch COVID-19 đã đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng.

Le lói hy vọng

Trong bối cảnh đó, có một vài quốc gia nhờ kiểm soát được dịch bệnh đã có tăng trưởng kinh tế, thậm chí bứt phá vươn lên so với các đối thủ khác. Theo báo cáo của Trung tâm Kinh tế và Nghiên cứu Kinh doanh (CEBR) của Anh cho biết, nhờ ứng phó tốt với đại dịch, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2028, sớm hơn 5 năm so với báo cáo năm ngoái. Năm nay, trong khi hầu hết các nền kinh tế phương Tây dự kiến tăng trưởng âm, thì Trung Quốc được dự báo sẽ có mức tăng trưởng 2%. Từ năm 2021-2025, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt trung bình 5,7% và sẽ tăng chậm lại 4,5% mỗi năm từ giai đoạn 2026-2030, sau đó chỉ còn khoảng 3,9%. Mỹ có nhiều khả năng phục hồi kinh tế sau đại dịch vào năm 2021, nhưng giai đoạn sau đó, từ 2022-2024, tốc độ tăng trưởng của Mỹ sẽ chỉ còn 1,9% mỗi năm và 1,6% vào thời gian tiếp theo.

Phó Chủ tịch CEBR Douglas McWilliams nói: “Các nền kinh tế châu Á đang tiến lên bảng xếp hạng toàn cầu. Các nhà hoạch định chính sách phương Tây, những người đã ứng phó khá tệ trong thời kỳ đại dịch, cần phải quan tâm nhiều hơn đến những gì đang xảy ra ở châu Á thay vì chỉ trông vào nhau”. Nhật Bản vẫn là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, tính theo đồng USD, cho đến đầu những năm 2030 khi bị Ấn Độ vượt qua. Động thái này sẽ đẩy Đức từ vị trí thứ 4 xuống vị trí thứ 5.

Bà Era Dabla Norris, Quỹ Tiền tệ quốc tế nhận định, nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2,4% trong năm 2020, thuộc nhóm cao nhất thế giới nhờ các bước đi đúng đắn trong ngăn chặn tác động xấu của đại dịch đến nền kinh tế. Tăng trưởng của Việt Nam được dự báo sẽ mạnh mẽ trở lại và đạt mức 6,5%, khi hoạt động kinh tế trong nước và nước ngoài tiếp tục quay trở lại bình thường.

Mặc dù châu Âu đã ban hành nhiều chính sách chưa từng có ở cấp quốc gia cũng như Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm bớt tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng theo IMF, thời gian châu Âu phục hồi nền kinh tế phụ thuộc vào tốc độ phát triển và phân phối vắc-xin phòng COVID-19. Hiện nay, châu Âu đang đối mặt với thách thức mới khi xuất hiện biến thể của virus gây bệnh COVID-19, được cho là có mức độ nguy hiểm và lây lan mạnh hơn, nhiều nước EU phải đối mặt với làn sóng dịch thứ 3 - 4, tình trạng phong tỏa, đóng cửa vẫn tiếp diễn...  Tất cả những thông tin đó khiến hy vọng phục hồi nhanh nền kinh tế khu vực càng trở nên xa vời. Dù khác nhau về mặt địa lý và mức độ phát triển, mỗi quốc gia đang chuẩn bị cho mình một lộ trình để trở lại “đường đua” tăng trưởng.


Trần Hải
Ý kiến của bạn