Một mảng âm nhạc đang bị bỏ quên

31-03-2017 13:47 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Một thực trạng khá “căng” hiện nay là các ca khúc cũ dành cho thiếu nhi có “tuổi thọ” ngày càng cao, trong khi ca khúc mới dường như...

Một thực trạng khá “căng” hiện nay là các ca khúc cũ dành cho thiếu nhi có “tuổi thọ” ngày càng cao, trong khi ca khúc mới dường như... chưa tìm được lối để chào đời. Tại các sân chơi nhí, những ca khúc cũ luôn được trình diễn lặp đi lặp lại đến nhàm... Chưa kể, nhiều trường hợp phải “mượn” ca khúc của người lớn để dự thi.

Việc không dễ!

Nhìn vào những gameshow hiện nay thì có thể thấy, ca khúc dành cho thiếu nhi khan hiếm đến mức nào. Ngay cả một sân chơi lớn như Sing My Song - nơi quy tụ dàn nhạc sĩ trẻ tràn đầy năng lượng, khán giả cũng chỉ thấy một sáng tác duy nhất dành cho thiếu nhi, đó là ca khúc của Ưng Đại Vệ. Đây cũng là lần đầu tiên anh sáng tác một ca khúc dành tặng cho con gái 3 tuổi của mình. Khỏi phải nói, dàn huấn luyện viên của Sing My Song, giám khảo khách mời và khán giả hưởng ứng ca khúc này nhiệt tình đến thế nào. Tuy nhiên, ai cũng phải thừa nhận, sáng tác cho thiếu nhi là một mảng cực khó! Thành công với ca khúc dành tặng con gái trên sân chơi Sing My Song nhưng chưa chắc Ưng Đại Vệ có thể duy trì được điều này khi anh trở lại showbiz.Ngày càng hiếm hoi những ca khúc dành cho thiếu nhi, phải chăng lỗi này thuộc về các nhạc sĩ?

Ngày càng hiếm hoi những ca khúc dành cho thiếu nhi, phải chăng lỗi này thuộc về các nhạc sĩ?

Ngày càng hiếm hoi những ca khúc dành cho thiếu nhi, phải chăng lỗi này thuộc về các nhạc sĩ? Các nhạc sĩ kỳ cựu và nổi tiếng đã ngừng viết cho các cháu từ lâu. Những nhạc sĩ trẻ hơn thì có lẽ vì mải mê viết về tình yêu tan vỡ và hướng sở trường của mình vào những khán giả trẻ trung như chính họ nên đã... quên hẳn các cháu. Và thế là thị trường âm nhạc thiếu nhi bị bỏ ngỏ một cách lặng lẽ. Một nghệ sĩ nhận định, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, trong một tương lai không xa, ca khúc dành cho thiếu nhi sẽ chỉ còn được thấy qua văn bản của những tuyển tập âm nhạc ố vàng, xếp trong kho lưu trữ của những thư viện mà thôi.

Băn khoăn, lo lắng về “khoảng trống vắng” của lĩnh vực sáng tác ca khúc thiếu nhi, nhiều giải pháp đã được các nhạc sĩ đưa ra, trong đó có những chuyến đi thực tế sáng tác ca khúc thiếu nhi, nhằm tạo điều kiện để các nhạc sĩ có thêm những cảm xúc chân thật, gần gũi với thế giới trẻ em, để sáng tác những ca khúc mới, phù hợp với đời sống tâm lý trẻ thơ hôm nay. Một nhạc sĩ gạo cội từng bày tỏ, lâu nay, văn học nghệ thuật tuy có gắn bó nhưng chưa nhiều, chưa phổ biến trong giới học đường. Chúng ta cần phải quan tâm đến lứa tuổi học đường - lứa tuổi có nhiều phát triển trong suy nghĩ, thay đổi về tâm tư, tình cảm, tâm lý. Phải làm sao dùng âm nhạc như liều thuốc bổ dưỡng cho trí tuệ, thể xác, tâm hồn các em.

Đề tài khai thác cho thiếu nhi vốn phong phú nhưng để chuyển tải được bằng hình ảnh sinh động qua lời hát là điều khó. Về phương pháp sáng tác, những người chuyên viết về thiếu nhi tuy am hiểu “sư phạm âm nhạc”, nhưng cũng chính sự am hiểu này mà các nhạc sĩ khó “phóng bút” viết cho thiếu nhi vì sự bám chặt các tiêu chí. Bên cạnh đó, chuyện thù lao, kinh phí dàn dựng cũng tác động không nhỏ đến động lực sáng tác của các nhạc sĩ... Những năm gần đây, các nhạc sĩ này cũng ít dành thời gian viết nhạc cho các em vì nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân sáng tác nhạc cho thiếu nhi “khó” được khá nhiều người đề cập.

Giải pháp nào?

Mới đây, Hội Âm nhạc TP.HCM đã đưa ra đề án xây dựng kế hoạch đẩy mạnh phong trào sáng tác âm nhạc thiếu nhi, tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác cho hội viên, đặt hàng những nhạc sĩ tên tuổi chuyên viết cho thiếu nhi và những nhạc sĩ trẻ gắn bó với phong trào thiếu nhi để có những sáng tác mới dành cho các em. Và theo lộ trình, trong năm 2017, hội sẽ thành lập CLB Thiếu nhi, chuyên tổ chức biểu diễn ca hát, trình diễn nhạc cụ, tuyên truyền và quảng bá các sáng tác mới.

Có thể nói, đây là bước đi đầu tiên trong chiến dịch đầu tư sáng tác ca khúc dành cho thiếu nhi, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc quảng bá và đưa các ca khúc mới đến gần với trẻ thơ, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, các đài phát thanh, đài truyền hình. Bên cạnh đó, giới sáng tác, phụ huynh và các em nhỏ cũng bày tỏ mong muốn mỗi đài truyền hình có một giờ phát sóng “vàng” (lúc 19h) dành cho các em, dù chỉ khoảng 15-20 phút, vào một tối trong tuần, giống như chương trình Những bông hoa nhỏ ngày trước.

Tác phẩm âm nhạc lâu nay đều thiên về tình yêu, mang tính giải trí quá nhiều, mà tình yêu là tình yêu riêng tư, đơn phương, còn tình yêu đối với thầy cô, quê hương, đất nước, Tổ quốc lại vắng bóng trong các tác phẩm. Bởi vậy, người sáng tác cho thiếu nhi cần có nhiều tác phẩm phục vụ đối tượng đặc biệt này. Hy vọng, với những giải pháp trên, danh mục ca khúc thiếu nhi sẽ dài thêm, có nhiều sáng tác thiếu nhi tươi mới, đáp ứng kịp nhu cầu giải trí, thưởng thức âm nhạc của trẻ em.


Việt Sơn
Ý kiến của bạn