Một lời thề, cả đời trăn trở...

02-11-2014 08:00 | Tin nóng y tế
google news

Lần đầu tiên tôi gặp PGS.TS. Đinh Thị Thu Hương cách đây chừng 6 - 7 năm, lần gặp đó đã để lại cho tôi ấn tượng tốt đẹp mãi mãi về người thầy thuốc này.

Lần đầu tiên tôi gặp PGS.TS. Đinh Thị Thu Hương cách đây chừng 6 - 7 năm, lần gặp đó đã để lại cho tôi ấn tượng tốt đẹp mãi mãi về người thầy thuốc này.

Bấy giờ có một bệnh nhân tim bẩm sinh tên là Nguyễn Thị Thơ, 14 tuổi, người xã Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội đang nằm chờ chết. Bố chết sớm, mẹ tâm thần bỏ đi lang thang. Thơ đang học lớp 8 trường làng thì ngất xỉu, được đưa lên Viện Tim mạch Quốc gia, bé Thơ không có tiền ăn và tiền chữa bệnh. Hàng ngày, Khoa C6 - Viện Tim mạch phải đăng ký suất ăn từ thiện của bệnh viện cho 2 anh em Thơ. Bệnh nặng, đến ăn còn không có thì lấy đâu ra tiền để mổ nên em cũng chẳng dám hy vọng mình còn được sống nữa. Thế rồi, PGS.Hương gọi điện kêu cứu đến bạn bè trong và ngoài nước, gọi đến báo Lao Động của chúng tôi, với một thông điệp: “Các y bác sĩ, các hộ lý đã giúp đỡ hết sức rồi, tôi muốn kêu gọi mọi người chung tay lại, không thể để cháu bé 14 tuổi, chăm ngoan, học giỏi như thế mà phải từ giã cuộc sống chỉ vì không có 50 triệu mổ tim”. Sau bài viết “Thơ ơi em đừng chết” của tôi, sau những nỗ lực của PGS.Hương và cộng sự, 350 triệu đồng của các nhà hảo tâm đã được gửi đến, cháu Thơ sống khỏe đến bây giờ, gần 300 triệu “dư” ra sau phẫu thuật, được đem cứu những hoàn cảnh éo le khác và làm sổ tiết kiệm cho Thơ tiếp tục theo học.

PGS.TS.Đinh Thị Thu Hương khám bệnh cho bà con nghèo tại Quản Bạ (Hà Giang).

Một Phó Viện trưởng, PGS.TS.BS đứng khóc giữa gió núi mây ngàn

Trong chiến dịch vận động cứu bé Thơ đó, chị Hương đã nhiều lần trăn trở nói với tôi: Làm sao để chúng ta có một cái quỹ cứu những người bệnh trọng mà lại nghèo đói như bé Thơ. Chúng ta không thể để đồng bào của mình chết một cách dễ dàng như vậy được. Sau này, khi chương trình “Trái tim cho em” ra đời, tất cả trẻ em dưới 14 tuổi chẳng may mắc bệnh lý liên quan đến tim, đáp ứng được một vài tiêu chí của ban tổ chức thì họ sẽ được mổ tim miễn phí hoàn toàn, tôi hiểu rằng, chị Hương sẽ vui lắm lắm. Có lần chị khóc: “Tôi phải cứu bằng được người phụ nữ này, phụ nữ mắc bệnh tim hay bị chồng bỏ rơi lắm. Và chị ta cũng thế. Mà không cứu chị ấy được, thì ai sẽ nuôi mấy đứa con của chị ấy? Chúng sẽ đi về đâu?”. Có lần PGS.TS.Hương nhìn những người lê lết trên phố, với hai cái chân nổi loằn ngoằn những u gân u máu, có người bị cắt chân cắt tay vì tắc mạch máu, suy tĩnh mạch, chị đã gọi họ lại hỏi thăm, rồi bảo rằng, bệnh này có thể siêu âm, chẩn đoán và mổ để chữa trị. Nhiều người nghèo đã được chị khám, chữa bệnh miễn phí để họ có thể đi lại bình thường mà không đau đớn, hoặc không bất đắc dĩ trở thành người tàn phế. Mở phòng mạch tư, một phần cũng vì chị muốn có nhiều thời gian hơn để làm những việc thiện nguyện này mà khi ở trong bệnh viện, chị ít có thời gian để làm...

Một lần, với tư cách Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Trường đại học Y Hà Nội, lên bản người Mông ở Hà Giang khám bệnh và tặng quà từ thiện, khi bà con đề nghị PGS.Hương lên phát biểu, giữa gió núi mây ngàn, người thầy thuốc từng đăng đàn trên khắp các diễn đàn khoa học trong nước và quốc tế bỗng nghẹn lại không nói được gì. Chị khóc vì “mắt thấy” quá nhiều hoàn cảnh thiệt thòi, khóc vì tấm tình của cộng đồng người sống sau nhiều ngách núi. Họ đi bộ 4 tiếng đồng hồ để đến được ủy ban xã, khênh theo mấy quả lê núi mời đoàn cán bộ ăn. Và sau đó, chị đã thực hiện lời hứa cùng đông đảo đồng nghiệp quay trở lại, trở lại nhiều lần, nhằm thăm khám, tặng thức ăn, quần áo, sách vở, máy tính cho bà con, đặc biệt là các cháu đang theo học ở mái trường miền phên giậu ấy.

PGS.TS.Đinh Thị Thu Hương bảo, “mắt có thấy thì lòng càng đau”. Mấy chục năm giảng dạy ở Đại học Y Hà Nội (nay chị là Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch; đang kiêm nhiệm Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia), chị Hương cứ dần dà thấm thía nỗi thiệt thòi, nỗi tuyệt vọng của nhiều bệnh nhân nghèo, rồi tự thân chị muốn nỗ lực để làm một cái gì đó cho họ bớt khổ. Làm gì đó để kéo họ về với cuộc sống này trước đủ các loại bệnh tật quái ác. Nỗi trăn trở đó cứ dần một lớn lên.

Sinh năm 1960, từ thời thiếu nữ, học ở mái trường Lê Hồng Phong giàu truyền thống trên quê hương Nam Định, cô bé Hương đã đạt nhiều kết quả xuất sắc. Năm 1983, tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, trong lễ nhận bằng, lời thề Hypocrate của ngành y vang lên trong cô bác sĩ trẻ. Nỗi xúc động cứ rưng rưng. Nhưng cô gái Đinh Thị Thu Hương không thể ngờ được rằng, từ buổi ấy, lời thề ngành y đã khiến cô trăn trở cả một đời. Nó rất thiêng liêng. Nó khiến cô và đồng nghiệp càng đau đáu hơn với cái khát vọng trị bệnh, cứu người bằng mọi giá, không màng danh lợi và vật chất cho riêng mình. Cứu người mà không phân biệt màu da, quốc tịch, chế độ chính trị, kẻ giàu người nghèo. Giống như ai đó nói: người ta công bằng trước nỗi đau đồng loại.

Giữa lúc đó, ở thời đất nước còn nhiều khó khăn, BS. Hương vẫn chỉ say sưa học tập và đã thi đỗ vào hệ đào tạo bác sĩ nội trú bệnh viện, một hệ đào tạo đặc biệt của ngành y. PGS.TS.Đinh Thu Hương tâm sự: “Tiêu chí là các bác sĩ trẻ mà trong suốt 5 năm học đại học, phải đạt điểm tiên tiến, tổng kết tất cả các môn phải 7,0 trở lên thì mới được quyền dự thi vào nội trú bệnh viện. Thi hết sức nghiêm túc, hơn 200 người thi chỉ lấy chưa đầy 40 người. Học và thi quyết liệt. Đó có lẽ là kỳ thi căng thẳng nhất đời tôi. Sau khi đỗ, 24/24 giờ trong ngày, suốt 3 năm, hầu như chúng tôi học và làm việc trong bệnh viện, được cầm tay chỉ việc và phục vụ bệnh nhân trực tiếp. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế của chúng ta hiện nay, cũng là học viên của chương trình nội trú bệnh viện đó, chị học trên tôi một lớp. Mô hình này xuất phát từ bên Pháp. Ở đó, có khi người ta có thể chưa quan tâm đến bạn là tiến sĩ hay giáo sư vội, mà cứ là bác sĩ nội trú bệnh viện đã là một... thương hiệu đáng tin cậy rồi!”.

Tốt nghiệp Nội trú bệnh viện năm 1986, suốt 30 năm qua, chị Hương liên tục là giảng viên Đại học Y, rồi cán bộ của Viện Tim mạch Quốc gia. Năm 2004, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Năm 2007, trở thành Phó Chủ nhiệm Bộ môn Tim mạch, Đại học Y Hà Nội. Năm 2008, trở thành phó giáo sư và được bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia. Ngay từ năm 1991, bấy giờ ngành tim mạch Việt Nam cũng chỉ mới có một cái máy siêu âm tim đen trắng do các bạn nước ngoài viện trợ; trước rất nhiều khó khăn trong điều trị các chứng bệnh liên quan đến bộ phận quan trọng bậc nhất của con người và sự sống (trái tim), BS. Đinh Thị Thu Hương đã được cử sang Pháp học về siêu âm tim chẩn đoán. Năm 1995, chị lại tiếp tục trở thành người đầu tiên của Viện Tim mạch Việt Nam được đưa sang Pháp học về bệnh lý mạch máu. “Trước đây, chúng ta còn ít có hiểu biết về mạch máu trong điều trị bệnh tim mạch. Nhiều khi, bệnh nhân bị tắc mạch, đến viện trong tình trạng rất nặng, buộc phải cắt bỏ chi để cứu người. Sau khi chúng tôi được học, chuyển giao công nghệ, thì tỷ lệ bệnh nhân bị cắt chân hoặc tay do biến chứng tim mạch ít hơn rất nhiều. Các bác sĩ của viện được cử sang các nước Pháp, Mỹ học, chính vì thế mà viện của chúng tôi có thể triển khai được rất nhiều kỹ thuật hiện đại ngang tầm thế giới để cứu chữa những căn bệnh hiểm nghèo như: can thiệp nong và đặt stent động mạch vành, điều trị loạn nhịp tim bằng năng lượng sóng radio, nong tái tưới máu cho các động mạch ở chân, ở não, bít các lỗ thủng trong tim của các bệnh tim bẩm sinh... Chúng tôi triển khai các kỹ thuật này ở khắp cả nước, đào tạo cho các bác sĩ tuyến dưới cũng thực hiện được kỹ thuật này”, TS. Hương kể.

Những kỷ niệm ấm lòng với các đồng nghiệp đến từ châu Âu

Những tâm huyết, trăn trở của thế hệ những người thầy thuốc như PGS.TS. Đinh Thị Thu Hương đã gắn bó mật thiết với từng bước đi lên của lĩnh vực chẩn đoán, điều trị các bệnh về tim mạch của nước nhà. Chị Hương rất xúc động khi nhớ về những ngày đầu tiên ra nước ngoài tu nghiệp, dùng tình cảm đồng nghiệp để xin máy móc, thiết bị về phục vụ bệnh nhân quê nhà. BS. Nguyễn Quang Tuấn, nay là Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, sau khi phấn đấu được tiêu chuẩn học, ăn ở trong bệnh viện của Pháp, anh đã phải bán chiếc xe máy vừa chắt chiu mua được đi, để có tiền mua vé máy bay đi... du học.  Họ mời các bác sĩ Pháp sang Việt Nam tham quan (kinh phí thì đồng nghiệp nước ngoài tự túc); nhưng thật ra thì cũng nhân thể nhờ họ cầm tay chỉ việc để triển khai các kỹ thuật hiện đại trên người bệnh Việt Nam tại Viện Tim mạch Quốc gia. “Ví dụ chúng tôi mời 5 bạn, thì 3 bạn sẽ đi tham quan Hạ Long, Sa Pa, còn 2 bạn ở viện khám bệnh cho bệnh nhân, tập huấn cho cán bộ ta... suốt ngày đêm. 3 bạn kia làm việc thì 2 bạn này lại đi du lịch. Lúc rỗi, tôi lại đưa họ ra phố cổ Hàng Gai, Hàng Đào mua đồ kỷ niệm. Có khi người bán hàng tưởng tôi là hướng dẫn viên du lịch đưa Tây đi mua sắm. Nhớ mãi lần gặp cô bán hàng có bà mẹ bị bệnh tim, máu nghề nghiệp nổi lên, tôi bèn khám, viết đơn thuốc luôn cho bà. Cô ta bảo: “Gớm, cái chị này cứ như là bác sĩ không bằng”. Tôi bảo, thế cô tưởng tôi làm nghề gì? “Tôi tưởng chị là hướng dẫn viên cho Tây, dẫn khách đến cửa hàng tôi, tôi đang định đưa “hoa hồng”. Lúc ấy, tôi là thạc sĩ rồi”. TS.Hương cười rạng rỡ, rồi chị xúc động kể tiếp: “Khi hợp tác với các đồng nghiệp miền Nam nước Pháp, họ tử tế và làm chúng tôi thấy ấm lòng lắm. Mỗi người sang Việt Nam chỉ mang theo 5kg hành lý, còn đâu họ dành “diện tích” để chở máy móc thiết bị giúp bệnh nhân và đồng nghiệp Việt  Nam. Nhiều bác sĩ lái xe hơi cá nhân đi các bệnh viện xin thiết bị, rồi chở ra cảng Mác-sây, bỏ tiền túi trả cước phí gửi sang giúp Việt Nam. Các bạn còn đưa cả chuyên gia sang lắp đặt, vận hành và chuyển giao kỹ thuật cho ta. Thậm chí, cả Khoa Thận nhân tạo của Bệnh viện Bạch Mai, toàn bộ máy lọc máu đều do phía bạn đem tặng hết. Trước đó, họ chỉ có 2 cái máy lọc máu của Liên Xô viện trợ, vô cùng cũ kỹ”.            

Những ký ức về một thời khó khăn, những chuyến đi đến kinh đô ánh sáng như Paris, nhìn bệnh nhân của bạn được chăm sóc trong điều kiện vật chất, kỹ thuật đầy tính nhân văn, đã khiến chị Hương bật khóc. Chị bảo, tôi khóc thật, khóc tận đáy lòng. Bao giờ bệnh nhân của ta được chăm sóc như vậy? Khi báo chí viết những bài, chụp những chùm ảnh người nhà bệnh nhân căng lều bạt ở khuôn viên bệnh viện để chăm người thân kề cận cái chết, khi mà mỗi ngày Viện Tim mạch Quốc gia điều trị cho khoảng 450 bệnh nhân nhưng chỉ có 175 giường bệnh, chị và nhiều đồng nghiệp càng thêm trăn trở. Đó cũng là lý do mà họ ngày càng tâm huyết hơn với các dự án biến Viện Tim mạch Quốc gia trở thành “trái tim” ở lĩnh vực này của cả nước. Họ đi đào tạo, tập huấn cho hầu hết các bệnh viện lớn như: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất (TP.Hồ Chí Minh), Đà Nẵng, Bệnh viện 115, Bệnh viện 175 tới các bệnh viện vệ tinh trên cả nước như Bệnh viện Bắc Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ, Lào Cai, Vinh, Thanh Hóa.

Tấm lòng nhân hậu của PGS.Hương không chỉ hướng tới những việc ở tầm vĩ mô, mà ngay từ thời bao cấp, chị đã đi đầu trong việc mang vài bò gạo từ nhà ra viện cho bệnh nhân nghèo thiếu đói. Chị tâm sự, cùng cảnh phụ nữ với nhau, nhìn họ xanh rớt chống chọi với bệnh tim, họ tuyệt vọng ôm đàn con thơ, chị thấy không đành lòng. Từ hình ảnh cháu Thơ ăn xin ở Khoa C6, tới một nam bệnh nhân hết tiền chữa bệnh bèn nghĩ tiêu cực đến mức nhảy lầu tự tử tại bệnh viện... đều khiến PGS. Đinh Thị Thu Hương áy náy, buồn bã. Từ đó, chị hết lòng tìm cách làm gì đó để thay đổi số phận của họ. Nhờ sự chung tay của cộng đồng, cháu Thơ được cứu, cậu bé nhảu lầu nay vẫn sống khỏe nhờ việc các bác sĩ bệnh viện đi kêu gọi từ thiện. Đặc biệt, có một cái giống như quỹ giúp đỡ bệnh nhân nghèo đã ra đời, để khi gặp ai thật sự khó khăn, các bác sĩ như chị Hương có nơi có chốn để kêu cầu cứu đồng bào thiệt thòi của chúng ta. Tiến tới, vừa qua, cùng với sự tâm huyết của PGS.TS.BS. Đinh Thị Thu Hương - Thường vụ Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Trường đại học Y, Phó Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, các đoàn y, bác sĩ đã đi khám chữa bệnh miễn phí, vận động tiền và quà giúp đỡ bà con ở huyện đảo Lý Sơn trong Chương trình Hướng về biển đảo; đi giúp đỡ đồng bào miền Trung bị tàn phá bởi lũ dữ; đi giúp đỡ bà con người Mông ở các bản làng heo hút trên biên giới Hà Giang...

Hơn 30 năm liên tục giảng dạy và làm việc trực tiếp với tư cách một nhà giáo, một bác sĩ, một chuyên gia đầu ngành về tim mạch, tôi nghĩ, PGS.TS. Đinh Thị Thu Hương rất đáng tự hào khi đọc lại lời thề Hypocrate mà mình và bạn bè đã thề từ khi mới ra trường. Làm việc vì lòng nhân ái, vì hạnh phúc của cộng đồng, với chị và những thầy thuốc như chị, dường như đã vẹn tròn một lẽ sống hiến dâng. 

Bài và ảnh: Đỗ Doãn Hoàng

 


Ý kiến của bạn