Một loại “thuốc đặc trị” ngừa lây nhiễm HIV

23-03-2009 17:24 | Tin nóng y tế
google news

Cho đến nay, hai hành vi làm lây nhiễm HIV chủ yếu ở nước ta vẫn là quan hệ tình dục không an toàn và dùng chung bơm kim tiêm.

Cho đến nay, hai hành vi làm lây nhiễm HIV chủ yếu ở nước ta vẫn là quan hệ tình dục không an toàn và dùng chung bơm kim tiêm. Vì vậy, việc thực hiện các biện pháp dự phòng tích cực: trao đổi bơm kim tiêm và phân phát bao cao su miễn phí... được coi như một loại “thuốc đặc trị” phòng tránh lây nhiễm HIV và các bệnh lây truyền khác.

“Vaccin” phòng bệnh...

 Phát tờ rơi - một hoạt động của nhân viên tiếp cận cộng đồng.

Tham gia đội tiếp cận cộng đồng (Dự án Life-gap) của tỉnh Hòa Bình từ năm 2006, hằng ngày M. đi tiếp cận khách hàng là những người nghiện chích ma túy, người bán dâm để tư vấn, phát bơm kim tiêm và bao cao su miễn phí. Từ khi M. được tập huấn, có được kiến thức về thực hành các hành vi an toàn phòng tránh lây nhiễm HIV, M. trở nên có trách nhiệm hơn với chính bản thân mình trong việc thực hành các hành vi an toàn và tư vấn cho những người xung quanh.

Theo M., điều quan trọng khi tiếp xúc với khách hàng là phải tạo ra sự thân thiện và mục đích cuối cùng của mình là giúp họ chuyển đổi hành vi để thực hành các hành vi an toàn. Việc dùng bơm kim tiêm sạch và bao cao su đúng cách không chỉ giúp phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS và còn phòng tránh nhiều bệnh khác lây qua đường máu và đường quan hệ tình dục như viêm gan B, C...

Các chuyên gia y tế cho biết, việc thực hiện các biện pháp dự phòng sẽ mang lại nhiều lợi ích giúp người có HIV không nhiễm thêm số lượng hay chủng HIV mới (không làm bệnh nặng thêm), không nhiễm thêm các chủng HIV kháng thuốc (việc điều trị sẽ có hiệu quả hơn), không nhiễm thêm các bệnh lây truyền khác (cơ thể khỏe mạnh hơn), không mắc các bệnh thông thường khác, không phải điều trị kéo dài (sức khỏe người bệnh sẽ bảo đảm). Có sức khỏe tốt người sống chung với HIV và gia đình không phải mất chi phí nhiều cho điều trị, có thể sống và làm việc bình thường và đặc biệt giúp nâng cao vị thế, sự tự tin và kiến thức tự bảo vệ sức khỏe cho họ, làm chậm tiến triển bệnh, tránh lây lan virut cho người khác, giúp chống lại kỳ thị và phân biệt đối xử bằng cách tạo ra một môi trường - nơi có thể trao đổi các vấn đề có liên quan tới HIV một cách cởi mở và tăng cường tình đoàn kết giữa những người cùng cảnh ngộ

Nhưng còn bất cập...

Trao đổi với chúng tôi về những khó khăn trong việc tiếp cận cộng đồng M. cho biết: đối với khách hàng, những người có hành vi nguy cơ cao có thể họ có hiểu biết nhưng chưa thực sự có ý thức trong việc thực hiện các hành vi an toàn. Ví dụ, với những người nghiện chích ma túy dù họ biết được nguy cơ khi chích chung bơm kim tiêm nhưng lúc lên cơn nghiện họ vẫn dùng chung và thường thì họ chỉ nghĩ tìm mọi cách để có thuốc. Còn đối với đội ngũ tiếp cận cộng đồng thường xuyên bị thay đổi, lại không cập nhập kiến thức, thiếu kỹ năng tuyên truyền. Vì vậy, M. mong muốn được tập huấn nhiều hơn nữa trong lĩnh vực này, tập huấn nâng cao và thậm chí tập huấn lại để có được kiến thức vững vàng hơn, tự tin hơn để trở thành “chuyên gia” khi đi tiếp cận. Vì hiện nay hơn 80% bơm kim tiêm được phân phát qua đội ngũ tuyên truyền viên và giáo dục viên đồng đẳng.

Không chỉ khó khăn vì thiếu kiến thức, mà nguồn cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm nhiều khi cũng chưa đủ. Vả lại, ngay trên một địa bàn tỉnh không phải nơi nào cũng được triển khai các biện pháp can thiệp này. Đây cũng là một khó khăn trong công tác dự phòng lây nhiễm HIV. 

Theo báo cáo của Cục phòng chống HIV/AIDS, hoạt động tiếp cận cộng đồng mới phủ được khoảng 53,88% số quận , huyện; 28,14% số xã, phường. Hơn 66% số quận huyện;  và gần 42% số xã, phường có thực hiện phân phát bao cao su miễn phí. Trong khi đó mới chỉ có 38,6% số quận huyện và 18,4% số xã, phường thực hiện hoạt động phân phát và thu gom bơm kim tiêm.

Tại những địa bàn triển khai có nơi chưa nhận được sự ủng hộ của cộng đồng, chính quyền. N., một nhân viên tiếp cận cộng đồng Dự án Life-gap tỉnh Hải Dương cho biết: Giai đoạn đầu nhận thức của người dân về hoạt động tiếp cận cộng đồng (đặc biệt là hoạt động phân phát bao cao su và trao đổi bơm kim tiêm) còn hạn chế. Sự kỳ thị phân biệt đối xử không chỉ với người tiêm chích ma túy, người bán dâm, người nhiễm HIV mà cả với người thực hiện chương trình tiếp cận cộng đồng, làm cho việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Khi triển khai sự phối hợp giữa các ban, ngành chưa chặt chẽ, thiếu đồng thuận và không đồng bộ đã gây hiểu nhầm về mục đích của chương trình và cho là  tiếp tay cho hoạt động nghiện chích ma tuý, bán dâm...

Thiết nghĩ với hành lang pháp lý vững chắc trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của nước ta như hiện nay và bước đầu nhận được sự ủng hộ của các ban, ngành, đoàn thể... hy vọng trong thời gian tới hoạt động triển khai các biện pháp can thiệp giảm hại sẽ được thực hiện thuận lợi hơn, sâu rộng hơn, thực sự là liều “vaccin” hiệu quả dự phòng tích cực phòng lây nhiễm HIV.

Thực tế ở nước ta cho thấy, tại 33 tỉnh triển khai các biện pháp can thiệp giảm hại không có sự gia tăng đột biến số người nhiễm HIV, trái lại ở những địa bàn chưa có các biện pháp can thiệp có sự gia tăng nhanh chóng HIV như ở Điện Biên. Vì vậy, chương trình can thiệp giảm hại (trong đó có phân phát bao cao su và trao đổi bơm kim tiêm) được coi là “quả đấm thép” khống chế lây nhiễm HIV trong nhóm nguy cơ cao và từ nhóm này ra cộng đồng.

Bài và ảnh: Thu Hương


Ý kiến của bạn