Hà Nội

Một loài hoa hương rất thơm...

13-09-2014 07:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong sự yên tĩnh quý giá ấy, bác sĩ (BS) Văn Nhật Minh trở về phòng trực sau ca phẫu thuật cấp cứu một người bệnh bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông.

Vào cái buổi sáng mát trong này của mùa thu, sự yên tĩnh ở Khoa Ngoại chấn thương - Bỏng của Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Trị mang cảm giác an bình và nhẹ nhõm đặt giữa lòng người. Trong sự yên tĩnh quý giá ấy, bác sĩ (BS) Văn Nhật Minh trở về phòng trực sau ca phẫu thuật cấp cứu một người bệnh bị chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Và đây cũng là lúc những dòng thư cảm ơn nhiều xúc động của người bệnh cùng những quyết định khen thưởng chứa đựng sự tin tưởng của lãnh đạo BVĐK tỉnh Quảng Trị đối với BS. Văn Nhật Minh trong thời gian qua mở ra trong tâm trí của tôi sự khải thị về luân lý của người thầy thuốc.

...Một bé gái mang bệnh câm điếc bẩm sinh đang được mẹ chở bằng xe đạp thì bị ngã và được đưa vào BVĐK tỉnh. Suốt cả buổi chiều, bé lon ton bên mẹ trong một khoảng sân của bệnh viện nhưng đến tối thì bé rơi vào hôn mê. Hình ảnh chẩn đoán cho thấy tình trạng tụ máu dưới màng cứng hộp sọ của bé rất đáng ngại. Nhớ rõ trường hợp một bé trai có cái tên rất đẹp trước đó đã chết tại bệnh viện vì chấn thương sọ não khiến người thân của bé khóc la thật ai oán, BS. Văn Nhật Minh quyết định phẫu thuật để giành lại sự sống của bé gái đáng thương kia... Ông Hồ Văn An, 75 tuổi, ở thôn Trà Liên, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong bị đau đầu kéo dài nhiều ngày do máu tụ dưới màng cứng bán cấp hai bán cầu, nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Tham gia phẫu thuật, BS. Văn Nhật Minh góp sức cứu sống ông Hồ Văn An... Bé trai Bùi Thanh Bình ở xã Cam Chính, huyện Cam Lộ gặp tai nạn giao thông, bị chấn thương sọ não rất nặng được BS. Văn Nhật Minh khám kịp thời và động viên, tư vấn rất chu đáo với người nhà trước lúc thực hiện ca phẫu thuật trong hơn sáu tiếng đồng hồ với tinh thần trách nhiệm rất cao và kết quả thật ngọt ngào... Chị Trần Thị Nhung ở thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa nhập viện ngày 29 Tết Quý Tỵ 2013 trong tình trạng băng huyết và mất máu nghiêm trọng mà không người thân nào bên cạnh chị khi ấy cùng nhóm máu và số máu dự trữ của bệnh viện thời điểm đó không đáp ứng được yêu cầu truyền máu để bảo vệ tính mạng của mẹ con chị. Vừa về tới nhà ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng cùng gia đình chuẩn bị đón Tết thì BS. Văn Nhật Minh nhận được điện thoại gọi từ Khoa Sản của BVĐK tỉnh và anh đã nhanh chóng quay trở lại bệnh viện, hiến tặng máu của mình để khi cái Tết cổ truyền trang nghiêm của dân tộc đang sắp sửa chạm ngõ mỗi nhà thì chị Trần Thị Nhung được hưởng niềm hạnh phúc mẹ tròn con vuông sau lần sinh nở đầu tiên và gia đình chị có trọn vẹn niềm vui đón chào một thành viên mới ngay trước thềm năm mới,... Mỗi sự việc đã xảy ra, mỗi hành động đã thực hiện như thế cho thấy, BS. Văn Nhật Minh có sự đồng cảm sâu xa với người bệnh, có phán đoán chuyên môn tốt và có lòng thương người, biết cách làm giảm cơn đau và an ủi đối với người bệnh, có sự kiên trì và can đảm... Những tố chất ấy nơi BS. Văn Nhật Minh đã dẫn tới những biểu hiện cụ thể của nghĩa vụ luân lý của thầy thuốc đối với người bệnh. Đó là nghĩa vụ đòi hỏi người thầy thuốc luôn đặt quyền lợi của người bệnh lên trên hết và trước hết. Người bệnh viết thư cảm ơn, bệnh viện tuyên dương và lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Quảng Trị khen ngợi, đồng nghiệp mến phục,... với BS. Văn Nhật Minh đều là nỗi vui chân thật và sâu sắc. Nhưng anh vẫn sống và làm việc với suy nghĩ tận tâm can rằng việc cứu chữa người bệnh là rất bình thường với mỗi BS, ở mỗi bệnh viện chứ không hề là chuyện to tát. Nên, Minh không ngần ngại mỗi khi hiến máu truyền cho người bệnh, không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, từng giây phút đưa người bệnh thoát khỏi tình huống hiểm nghèo bởi bệnh tật ngay trên lằn ranh giữa sự sống chỉ còn rất mong manh và cái chết đang cận kề. Để có thể làm được những điều hữu ích đó, tôi tin Văn Nhật Minh đã vun trồng trong con người mình các đức hạnh cao quý của người thầy thuốc là sự quên mình, sự hy sinh, lòng vị tha và tính chính trực. Những gì mà BS. Văn Nhật Minh đã thực hiện trong tám năm làm việc vừa qua ở BVĐK tỉnh Quảng Trị đã mang lại một sự tường minh chân thật đấy thôi: Bởi quên mình nên BS. Văn Nhật Minh luôn quan tâm đến những lợi ích của người bệnh trong khám và điều trị bệnh tật mà không phân biệt giới tính, tiền tài, địa vị xã hội của họ. Bởi vị tha nên ở vị trí BS, Minh hiểu đau đớn của người bệnh và đồng cảm với họ. Bởi biết hy sinh nên BS. Văn Nhật Minh hoan hỷ trao tặng người bệnh đang cần được truyền máu những giọt máu hồng tươi và lành mạnh của mình. Bởi chính trực nên Minh là BS làm đúng những việc cần làm cho người bệnh đúng với chuyên môn của mình.

BS. Văn Nhật Minh (bên phải) thực hiện phẫu thuật ở BVĐK tỉnh Quảng Trị

BS. Văn Nhật Minh (bên phải) thực hiện phẫu thuật ở BVĐK tỉnh Quảng Trị

Trở thành BS và làm việc tại BVĐK tỉnh Quảng Trị là Văn Nhật Minh thực hiện tình yêu ngành y và nghề thầy thuốc đã thấm đượm trong anh từ nhỏ - thuở ngày ngày theo mẹ tới bệnh viện vì mẹ công tác tại bệnh viện và cũng vì mẹ hay ốm đau. Rồi Minh cố gắng đạt học bổng BS giỏi tương lai, vào Đại học Y Huế, chọn ngoại khoa nhằm rèn luyện và thử thách bản thân để trở nên có ích khi thực hiện ước muốn chữa bệnh cứu người mà vẫn có thể dùi mài các nét tính cách của mình là quyết đoán, luôn vận dụng đầu óc, hướng tới nền tảng kiến thức đầy đủ và không chấp nhận sự nhàm chán. Tốt nghiệp Đại học Y Huế chưa đầy một năm, Minh đã có thể thực hiện một cuộc đại phẫu cắt bỏ chân bị giập nát của người bệnh do tai nạn giao thông và qua bước đào tạo chuyên sâu của Đề án 1816 là Minh trở thành BS phẫu thuật chính. Thành thục với các cấp độ phẫu thuật ngoại khoa, Minh thường xuyên tham gia các hoạt động triển khai tiếp nhận kỹ thuật mới của BVĐK tỉnh, đọc nhiều sách và tài liệu, học tiếp về phẫu thuật sọ não với sự thôi thúc lớn nhất là để đạt tỷ lệ phẫu thuật thành công cao, ít hoặc không để người bệnh phải chịu tai biến sau phẫu thuật. Với người bệnh bị gãy chân, cuộc phẫu thuật của BS. Văn Nhật Minh lấy việc bảo toàn chức năng đi đứng bình thường của chân làm mục tiêu quan trọng nhất; với người bệnh bị gãy tay còn nhỏ tuổi đã hỏi bác sĩ liệu mình có còn bắt chuồn chuồn được không, anh trò chuyện thật vui vẻ và giúp cậu bé hiểu rằng rồi tuổi thơ của em sẽ trở lại vẹn nguyên sau phẫu thuật; với người bệnh chấn thương sọ não, anh luôn cố gắng cải thiện kỹ thuật khâu vết mổ,... Tất cả điều đó xuất phát từ một nỗi từ tâm mà BS. Văn Nhật Minh luôn giữ gìn vì người bệnh dựa trên ý thức sự thành công của mình trong phẫu thuật thì rất đơn giản, việc nghĩ đến quãng đời tiếp theo của người bệnh mới thật đáng kể. Chính ý thức đó đã làm BS. Văn Nhật Minh răn mình bao giờ cũng khâu các vết mổ trên phần cơ thể của người bệnh được phẫu thuật thành một khe kín mít và đạt tính thẩm mỹ để khi đã hồi phục thì người bệnh không phải sống với tâm lý mặc cảm,... Bất giác, sự thật đó giúp tôi nhận ra ở Văn Nhật Minh có một đức tính nữa là sự tinh tế của một bác sĩ ngoại khoa.

Bằng cái tâm của người thầy thuốc cùng các đồng nghiệp đêm ngày làm công việc phục vụ người bệnh, sau các ca trực, những buổi khám bệnh, mỗi giờ cẩn trọng và tỉ mỉ thực hiện phẫu thuật với sự tập trung của trí tuệ và tình cảm cùng sự khéo léo và tin tưởng, BS. Văn Nhật Minh dành thời gian và khả năng sáng tạo để nghiên cứu khoa học. Lấy thực tế bệnh lý của người bệnh và thành quả khám chữa bệnh của Khoa Ngoại Chấn thương - Bỏng làm cơ sở, anh hoàn thành các đề tài: Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng, kết quả điều trị máu tụ dưới màng cứng cấp tính bằng phương pháp mở sọ giải áp tại BVĐK tỉnh Quảng Trị năm 2011; Đánh giá hiệu quả điều trị bằng phương pháp nắn chỉnh hình, bó bột trên người bệnh gãy Pouteau - Colles tại BVĐK tỉnh Quảng Trị năm 2012; Đánh giá kết quả điều trị phẫu thuật chấn thương cột sống lưng - thắt lưng bằng vít cuống cung tại BVĐK tỉnh Quảng Trị từ năm 2008 - 2013,... Đồng thời, trong hai năm 2013 và 2014, BS. Văn Nhật Minh không quản ngại khó khăn để theo học chương trình đào tạo chuyên sâu, đào tạo mũi nhọn về phẫu thuật thần kinh - phẫu thuật sọ não và phẫu thuật cột sống của Đại học Y Dược Huế và Đại học Trùng Khánh, Trung Quốc. Sự học và nghiên cứu của Minh khiến tôi nhớ tới câu nói nổi tiếng của một người thầy thuốc đáng kính rằng: “Bác sĩ là sinh viên y khoa suốt đời”, học trong chính thực tế công việc khám chữa bệnh hàng ngày, học từ các bậc đàn anh, học từ chính người bệnh của mình và tự đào tạo mình. Và mục đích cuối cùng của BS. Văn Nhật Minh trong học hỏi, nghiên cứu không phải là những bằng cấp hay chứng chỉ chuyên môn mà là sự hữu ích với người bệnh, vì tha nhân, vì nghề thầy thuốc và ngành y mà anh đã và đang lựa chọn, dấn thân và phụng sự.

Thông minh và tận tụy, mẫn cảm và tinh tế, thân thiện và thành thực, BS. Văn Nhật Minh tạo được sự tin cậy nơi người bệnh và các đồng nghiệp. Mang phương cách giữ gìn sự sống đến với người bệnh, hàng ngày BS. Văn Nhật Minh có niềm vui giúp nhiều người vượt qua bệnh tật. Niềm vui ấy càng thấm sâu trong tâm hồn Minh khi có người vừa khỏi bệnh chào tạm biệt BS với cái bắt tay thân tình trước lúc rời bệnh viện, lúc có người bệnh chấn thương sọ não nhận BS phẫu thuật cứu mình làm anh em kết nghĩa,... Trong cuộc sống thường nhật, thảng hoặc Minh lại gặp tình huống người từng được anh cứu chữa kín đáo thanh toán tiền bát phở trong lần ăn sáng trên phố hay bỗng dưng có người tới mời anh và mấy người bạn đang họp mặt uống ly bia nhỏ với lý do “Gặp BS, tôi mừng quá!”. Trên con đường dẫn lối tâm hồn vươn tới cái chân và thực hành điều thiện của ngành y và nghề thầy thuốc, đó cũng là một phần của cái gốc làm nên một BS. Văn Nhật Minh đã rất nhiều lần từ chối phong bì bồi dưỡng và cảm ơn của người bệnh, người nhà của người bệnh. Tôi hiểu điều đó trong Minh rất thanh khiết khi anh nói, làm nghề y thì không ai giàu và cũng không ai nghèo vì y khoa là vô cùng và sức khỏe của con người là vô giá nên việc gì mang lại hiệu quả tốt với người bệnh thì mình làm không một chút băn khoăn. Vậy thì khi người bệnh gặp BS. Văn Nhật Minh, anh muốn họ nghĩ như thế nào về mình? Từ nụ cười rộng mở trên gương mặt ấm áp của BS. Văn Nhật Minh, tôi nghe rất rõ lời nói có ánh sáng của một câu thơ: Một loài hoa trông xấu xấu nhưng hương rất thơm!

Bài và ảnh: Nguyễn Bội Nhiên

(Quảng Trị, tháng 8/2014)


Ý kiến của bạn