Một kỷ niệm khó quên

11-10-2013 9:32 AM | Y tế

Thời tiết đang độ chuyển mùa, trong cái không khí se se lạnh của mùa thu, con người có vẻ ảm đạm hơn, trầm lắng hơn. Một ngày cuối tuần, đi dạo bên Bờ Hồ, nhìn những em học sinh - sinh viên đang hối hả đạp xe trên đường, tôi lại nhớ hồi mình còn là sinh viên.

Thời tiết đang độ chuyển mùa, trong cái không khí se se lạnh của mùa thu, con người có vẻ ảm đạm hơn, trầm lắng hơn. Một ngày cuối tuần, đi dạo bên Bờ Hồ, nhìn những em học sinh - sinh viên đang hối hả đạp xe trên đường, tôi lại nhớ hồi mình còn là sinh viên.

Tôi sinh ra trong gia đình bố mẹ là thuần nông, cả ngày chỉ biết "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để mưu sinh và lo cho 3 chị em tôi. Nhận được giấy báo đỗ Trường Y với 6 năm ăn học của đứa con gái, bố mẹ tôi nửa mừng nửa lo; mừng cho con đỗ đạt được ngành nghề mình yêu thích nhưng lo cho những khoản tiền phải đóng trong 6 năm học sắp tới. Đã bao đêm, sau khi chờ các con ngủ say, bố mẹ tôi lại ngồi nói đến chuyện tiền nong...

Vậy là để có tiền đóng học đầu năm cho con, bố tôi đã phải đi vay tín dụng và vay mượn thêm họ hàng ở quê. Rồi ngày nhập trường, sau khi làm xong các thủ tục và lo cho con chỗ ăn ở xong xuôi, bố mới về. Tôi còn nhớ những lời dặn dò của bố trước khi ra về: "Con cố gắng học tốt, mọi việc không phải lo gì đâu, bố mẹ còn khỏe, còn làm được để lo cho con ăn học". Tôi nhìn theo bóng bố xa dần, xa dần giữa dòng người tấp nập mà nước mắt cứ lăn dài trên má khi nghĩ về những vất vả nhọc nhằn sẽ ngày càng đè nặng lên đôi vai vốn đã gầy còm của cha mẹ.

Một kỷ niệm khó quên 1
 Các bác sĩ đang hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân tại BV E Trung ương.

Ổn định xong lịch học trên lớp, tôi nghĩ đến chuyện làm thêm để đỡ đần được bố mẹ phần nào. Được các anh chị khóa trên giới thiệu cho công việc làm gia sư, tôi thấy rất vui. Hàng ngày, ngoài giờ học trên lớp, chiều tối về, tôi tranh thủ đạp xe đến nhà học sinh dạy thêm. Những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ nhưng rồi tôi cũng quen dần, năm đầu rồi năm thứ hai, học tập và công việc cứ đều đều trôi qua. Tiền dạy thêm có được tôi dành cho sinh hoạt hàng ngày và sách vở trên lớp. Thỉnh thoảng là cái bút, quyển vở về quê cho hai đứa em.

Việc dạy thêm nhiều khi cũng vất vả do phải đạp xe đường xa đến nhà học sinh, rồi những kỳ thi hết môn làm tôi thấy mệt mỏi. Nhưng cứ nghĩ đến những khó nhọc mà bố mẹ tôi đang phải trải qua cũng chỉ mong tôi học tốt khiến tôi không cho phép mình chùn bước. Kết thúc năm học thứ ba, tôi vinh dự cùng với hai bạn khác trong lớp nhận học bổng của trường. Niềm vui sướng khi kết quả học tập này là bao đêm tôi đã thức trắng để ôn bài, tôi dành nó để tặng cho những giọt mồ hôi, những nhọc nhằn của bố mẹ vì chị em tôi.

Thời gian thấm thoát trôi, ngày tôi tốt nghiệp cũng đã đến, tôi còn nhớ mãi cái không khí trang nghiêm của buổi làm lễ tốt nghiệp, lời thề Hyppocrates còn vang mãi trong tôi về tư cách, đạo đức và trách nhiệm của một thầy thuốc khi hành nghề. Với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi ra trường, tôi cũng không mấy khó khăn để xin vào một bệnh viện trong nội thành Hà Nội. Nhưng một biến cố nhỏ đã xảy ra với gia đình tôi, em trai tôi bị viêm cầu thận phải nhập viện điều trị. Bố mẹ tôi thay nhau vào viện chăm sóc cho em, tôi mới đi làm cũng chưa có nhiều tiền để đỡ đần bố mẹ.

Hồi đấy, tôi có người bạn là giáo viên giới thiệu tôi đi dạy thêm cho một em học sinh lớp 12, do nhận là giáo viên nên học phí dạy thêm cũng kha khá. Đang lúc cần tiền và cũng chưa nghĩ được là sẽ làm thêm ở đâu nên tôi đồng ý. Ngoài giờ làm trên viện, tôi đến nhà em đó dạy thêm, với những kinh nghiệm có được thời đại học nên tôi làm tốt vai trò là một "giáo viên". Nghề giáo viên "bất đắc dĩ" này của tôi sẽ không ai biết nếu không có một chuyện tình cờ đã xảy ra. Hôm đó là ca trực của tôi, 02 giờ sáng, có bệnh nhân vào cấp cứu với tình trạng khó thở nhiều, liên tục, tay chân tím tái. Sau khi nhận định bệnh nhân bị cơn hen phế quản cấp, tôi liền ra y lệnh thuốc để điều dưỡng thực hiện. Nhận ra người quen nhưng phải đợi vài giờ sau khi tình trạng bệnh nhân đỡ khó thở và tỉnh táo hơn nhiều, tôi mới bỏ khẩu trang y tế đến nói chuyện với bệnh nhân. Chị bệnh nhân tôi vừa cấp cứu là phụ huynh học sinh tôi đang dạy. Nhìn tôi trong bộ blouse trắng, chị lắp bắp: "Cô giáo, cô giáo...". Tôi thú nhận với chị về "thân phận" của mình. Chị nhìn tôi cười trìu mến nói: "Tôi phải cảm ơn cô giáo, à quên, bác sĩ mới đúng. Bác sĩ đã cấp cứu kịp thời cho tôi. Tôi có tiền sử hen phế quản nhiều năm nay, thỉnh thoảng có những đợt cấp thế này, hôm nay tôi đi thăm người họ hàng gần đây, chủ quan nên không mang theo thuốc, không ngờ bệnh tái phát...". Tôi và chị trò chuyện thêm một chút rồi để chị nghỉ ngơi, sau khi chị ra viện, tôi vẫn dạy con chị cho đến khi em vào đại học - một kỷ niệm đáng nhớ trong quãng đời làm nghề "gõ đầu trẻ" của tôi. Sau đó, tôi không dạy thêm ai nữa. Bây giờ, tôi dành thời gian cho công việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân và phụng dưỡng cha mẹ già cũng như chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Thỉnh thoảng tôi lại mỉm cười khi nghĩ về những kỷ niệm xưa...

BS. Nguyễn Thị Hương

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH