Hưởng ứng Tuần lễ Dinh dưỡng phát triển năm nay, đoàn cán bộ Viện Dinh dưỡng đã có chuyến công tác tại Bắc Kạn.
Suy dinh dưỡng trẻ em ở mức cao
Bắc Kạn là một tỉnh miền núi phía Đông Bắc, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc, với trình độ dân trí còn thấp. Trong những năm qua, mặc dù đã có nhiều nỗ lực của các ban ngành, nhưng do thiếu đội ngũ cán bộ chuyên sâu, công tác triển khai chương trình còn gặp nhiều khó khăn do thiếu phương tiện hỗ trợ, đường sá đi lại khó khăn... nên tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE) còn ở mức cao (22,2%), Bắc Kạn là một trong 10 tỉnh có tỷ lệ SDDTE cao nhất so với toàn quốc (16,2%). Lý giải về tình trạng này, BS. Nguyễn Thái Hồng, Giám đốc TTYTDP tỉnh cho biết: Bắc Kạn là một tỉnh nghèo, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, thu nhập của người dân chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, nhiều nơi còn thiếu ăn, nhiều bà mẹ chưa biết cách thực hành chế biến hay thay đổi đa dạng các món ăn cho trẻ. Thực tế có những bà mẹ không đi khám thai, sinh đẻ ngay tại nhà, diễn ra ở một vài nơi khá phổ biến. Vì theo anh Hồng giải thích, đồng bào thiểu số như người Mông có quan niệm rất cổ hủ, đó là tâm lý e ngại, xấu hổ nên nhất quyết không chịu đi khám bác sĩ, có những xã ở huyện Pác Nặm, tỷ lệ bà mẹ đẻ tại nhà lên tới 40%...
Chị Triệu Thị Hường tư vấn dinh dưỡng cho bà mẹ có con nhỏ. |
Vai trò của công tác truyền thông
Để tìm hiểu thực tế về cuộc sống và con người nơi đây, chúng tôi được các anh chị bên TTYTDP tỉnh đưa đi thăm xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông. Tiếp chúng tôi tại thôn Nà Rào, BS. Nông Văn Nghĩa, Trưởng trạm y tế xã cho biết, hưởng ứng Tuần lễ Dinh dưỡng phát triển, hôm nay tại đây đang diễn ra lớp thực hành chế biến món ăn bổ sung cho trẻ. Các học viên là bà mẹ mang thai, có con nhỏ sẽ được hướng dẫn và trực tiếp tham gia vào việc chế biến bữa ăn có đủ 4 nhóm thực phẩm, cách chọn thực phẩm tươi, an toàn, vệ sinh từ những nguồn thực phẩm sẵn có ở địa phương,... Chị Triệu Thị Bình - một học viên có con bị bệnh biếng ăn và hay quấy khóc, con của chị Bình bị SDD nặng, đã hơn 3 tuổi nhưng cháu chỉ nặng 9,5kg. Chị Bình cho biết: Cháu đã đi khám nhưng chưa tìm ra nguyên nhân có bệnh gì, bởi vậy hôm nay tới đây để nghe tư vấn và tìm hiểu thêm một số cách chế biến món ăn thay đổi khẩu vị cho cháu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, đa phần các học viên ở đây đều có kiến thức dinh dưỡng về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. Họ đều biết về sự cần thiết phải cho trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu đời rồi mới chuyển sang chế độ ăn dặm, cách tô màu bát bột như thế nào, hay vấn đề vệ sinh, an toàn và đa dạng thực phẩm ra sao,... vì khi nhân viên y tế thôn bản hỏi thì họ đều nắm rõ cả. Nhưng khi áp dụng các kiến thức nuôi dưỡng trẻ vào thực hành thực tế lại là vấn đề khác, theo chị Triệu Thị Hường, y tế thôn bản Nà Rào: Do bản chất của nghề nông là buôn bán nhỏ, chợ búa, chăn nuôi để kiếm tiền nên đối với nhiều gia đình, việc chăm sóc con cái chỉ là thứ yếu. Do vậy, việc tăng cường công tác giáo dục truyền thông là đặc biệt quan trọng và cần phải liên tục, gần đây cứ mỗi lần có hội họp như họp hội phụ nữ, hay họp trưởng thôn... là tôi lại tranh thủ thời gian trước mỗi buổi họp để tư vấn, phổ biến thường xuyên về các vấn đề dinh dưỡng cho bà con để họ dần thay đổi hành vi, chăm sóc và nuôi trẻ tốt hơn. Từ đó ý thức của người dân ngày càng được cải thiện, khi có vấn đề gì họ ra trạm y tế xã để được tư vấn, khi có bệnh hay khi sinh đẻ họ sẽ lên bệnh viện tỉnh, đường đi lại cũng thuận tiện chỉ quãng non chục cây số. Cũng theo chị Hường: Vài năm trở lại đây, chính quyền tỉnh có chủ trương phát triển nghề trồng rừng để xóa đói giảm nghèo nên đa phần các hộ dân xã Nguyên Phúc đều tham gia nghề trồng cây keo, mỡ. Khi kinh tế phát triển hơn, nhiều gia đình đã có thu nhập, không còn bôn ba lo bữa ăn như ngày trước, nên họ có điều kiện để chăm lo cho con cái tốt hơn nên tỷ lệ SDDTE cũng dần được hạ thấp. Trước đây, SDDTE tại thôn Nà Rào ở mức 25%, hiện nay giảm xuống còn 11%. Nà Rào hiện có 34 trẻ dưới 5 tuổi thì chỉ có 4 trẻ SDD trong đó có 1 trẻ SDD thấp còi và 3 trẻ SDD nhẹ cân.
Chú trọng cải thiện môi trường, an toàn thực phẩm
Trong thời gian tới, việc làm sao để cải thiện môi trường sống, ATVSTP cho người dân để đạt mục tiêu hạ thấp tỷ lệ SDDTE đang được chính quyền, các ban ngành đoàn thể xã đặc biệt quan tâm và chú trọng. BS. Nghĩa cho biết: Gần đây, tuy còn gặp một số khó khăn về vốn đối ứng từ phía người dân, nhưng xã vẫn có chủ trương khuyến khích các hộ gia đình tham gia vào dự án cải thiện môi trường do Tổ chức phi chính phủ "Child Fund" tài trợ. Theo đó, tổ chức này sẽ hỗ trợ cho người dân toàn bộ kinh phí về nguyên vật liệu để xây dựng lại một số nhà tắm, bể chứa phân, hầm biogas... Bên cạnh công tác cải thiện môi trường, dự án trồng rau sạch cũng đang được nhân rộng ở nơi đây. Hiện nhiều hộ dân xã Nguyên Phúc vẫn đang và sẽ tiếp tục phát triển các dự án trồng rau sạch, với nhiều loại rau củ quả mùa nào thức nấy. Đã có một vài công ty về đây đặt vấn đề thu mua rau sạch, bà Hoàng Thị Yến - chủ hộ một gia đình điển hình với mô hình VAC tại thôn Nà Rào cho biết: Một số doanh nghiệp muốn chúng tôi phát triển trồng các loại rau sạch như cải bó xôi, cải xoong, nấm rơm... nhưng điều kiện thu mua của họ rất khắt khe như rau phải bón phân đúng thời hạn, nước tưới rau không ô nhiễm, không dùng phân hóa học hay bón phân sau bao nhiêu ngày mới được thu hoạch...
Anh Minh