Thời gian gần đây, số vụ buôn bán, vận chuyển pháo trái phép vẫn đang diễn biến phức tạp trên tuyến biên giới của các tỉnh miền Trung. Từ đầu năm đến nay, hàng chục vụ vi phạm đã bị lực lượng chức năng đấu tranh, triệt phá. Theo nhận định của lực lượng chức năng, sau mỗi chuyên án, lại cho thấy sự tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng vi phạm trong việc đối phó với cơ quan chức năng.
Vận chuyển tinh vi mọi thời điểm
Trước đây, các đối tượng buôn bán, vận chuyển pháo lậu hoạt động mạnh trên tuyến biên giới tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh... chủ yếu qua đường cửa khẩu Chalo, thường tập trung vận chuyển vào thời điểm cuối năm như những năm trước. Tuy nhiên, thời điểm gần đây để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng (LLCN), các đối tượng buôn bán mặt hàng trái phép này bắt đầu chuyển hướng hoạt động, vận chuyển pháo qua biên giới vào mọi thời điểm trong năm. Đặc biệt, chúng còn lợi dụng người đi du lịch qua cửa khẩu để “xách hộ” pháo lậu cho chúng nhằm tránh sự chú ý kiểm soát của LLCN. Trên tuyến biên giới và cửa khẩu này, từ đầu năm đến nay, LLCN đã phát hiện hàng chục vụ vận chuyển pháo lậu vào nội địa, trong đó có 3 chuyên án lớn, bắt 5 đối tượng, thu giữ nhiều pháo các loại.
Mỗi ngày tại cửa khẩu quốc tế Chalo, tỉnh Quảng Bình, có hàng trăm phương tiện nhập cảnh. Đây cũng là con đường pháo lậu xâm nhập vào nội địa, lợi nhuận lớn từ hoạt động phạm pháp này đang khiến các đối tượng buôn lậu pháo ngày càng liều lĩnh và xảo quyệt hơn. Theo Thượng tá Phạm Xuân Diệu, Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Quảng Bình thì tình hình buôn bán, vận chuyển pháo trên tuyến biên giới Quảng Bình đang rất phức tạp và nóng bỏng. So với 6 tháng cùng kỳ năm ngoái, số vụ tăng gấp đôi và số tang vật tăng gấp 3 lần. Pháo lậu được giấu trong hành lý, trong hàng hóa và tinh vi hơn là giấu cả trong thân xe, vỏ xe. Vào ngày 5/6, các LLCN đã bắt 2 đối tượng vận chuyển hơn 1 tạ pháo được cất giấu tinh vi trong các bao than hòng che mắt LLCN. Với 25 bao than, các đối tượng giấu 100 hộp pháo hoa có trọng lượng 105kg. Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm này, Thượng tá Phạm Xuân Diệu chia sẻ: Chúng tôi phải tăng cường lực lượng và các biện pháp nghiệp vụ, tổ chức mạng lưới trinh sát từ bên kia biên giới. Hiện nay, hoạt động kiểm soát được đẩy mạnh trong mọi thời điểm để ngăn chặn thủ đoạn mới này.
Theo quy định của pháp luật, không chỉ có hành vi buôn bán, vận chuyển, sản xuất, tàng trữ pháo nổ mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà hành vi sử dụng trái phép pháo nổ (hay còn gọi là đốt pháo) cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng theo Ðiều 245 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt thấp nhất của tội phạm này là phạt tiền từ 1-10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm và cao nhất là phạt tù đến 7 năm.
Liên quan đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển pháo lậu, ngày 29/12/2014, BĐBP tỉnh Thái Bình cho biết, đơn vị này vừa bắt giữ một phương tiện tàu gỗ trên khu vực biển của huyện Tiền Hải và thu giữ gần 2 tấn pháo khi thâm nhập vào đất liền. Chủ phương tiện Nguyễn Văn Biên khai nhận, số pháo này đối tượng chở thuê cho một tàu lạ với số tiền công là 5 triệu đồng. Điều này cho thấy không chỉ nóng bỏng trên mặt trận tuyến biên giới đường bộ mà tuyến biên giới đường thủy hoạt động vận chuyển, tiêu thụ mặt hàng cấm này vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp.
Cần xử lý nghiêm
Trao đổi với Luật sư Hoàng Mạnh Hùng, Phó đại diện Văn phòng Luật sư Việt Thành, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, được biết: Hành vi mua bán và kinh doanh các loại pháo nổ là vi phạm pháp luật, tùy từng trường hợp có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội buôn lậu (Điều 153 Bộ luật Hình sự) hoặc Tội buôn bán hàng cấm (Điều 155). Pháo nổ là một trong các loại hàng hóa cấm kinh doanh được quy định trong Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.
Người có hành vi vi phạm sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu vật phạm pháp (pháo nổ) có số lượng từ 10kg trở lên hoặc dưới 10kg nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc gây hậu quả nghiêm trọng. Với số lượng pháo nổ từ 10kg đến dưới 50kg (được coi là số lượng lớn), người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 153 (phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm) hoặc khoản 1 Điều 155 (phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm). Số lượng pháo nổ từ 50kg đến dưới 150kg (được coi là số lượng rất lớn), người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 153 (phạt tù từ 3-7 năm) hoặc khoản 2 Điều 155 (phạt tù từ 3-10 năm). Số lượng pháo nổ từ 150kg trở lên (được coi là số lượng đặc biệt lớn): người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 3 Điều 153 (phạt tù từ 7-15 năm) hoặc Điều 155 (phạt tù từ 8-15 năm).
Kiên Giang