Quan hệ tình dục bằng miệng không an toàn có thể mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, quan hệ tình dục bằng miệng ẩn chứa nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh nhiễm trùng khác.
Giống như việc quan hệ tình dục thâm nhập có thể khiến bạn dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, quan hệ tình dục bằng miệng cũng có thể khiến bạn gặp nhiều rủi ro.
ThS. BS. Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: Quan hệ tình dục bằng miệng không bảo vệ có nguy cơ mắc hoặc lây nhiễm một số bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) như bệnh lậu, viêm gan, bệnh mụn rộp, Candida, nhiễm HIV, giang mai,…
Dưới đây là một số bệnh lây truyền có thể lây nhiễm qua quan hệ tình dục bằng miệng và lời khuyên để thực hành tình dục an toàn.
1. Nguy cơ mắc bệnh lây truyền khi quan hệ tình dục bằng miệng
Chlamydia
Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do một chủng vi khuẩn cụ thể được gọi là Chlamydia trachomatis gây ra. Nó có thể lây truyền qua dịch tiết âm đạo hoặc tinh dịch và cũng có thể lây lan qua quan hệ tình dục bằng miệng.
Theo CDC Hoa Kỳ, quan hệ tình dục bằng miệng liên quan đến dương vật bị nhiễm bệnh có thể gây ra bệnh Chlamydia ở cổ họng. Tương tự như vậy, quan hệ tình dục bằng miệng liên quan đến âm đạo hoặc đường tiết niệu bị nhiễm trùng có thể gây ra bệnh Chlamydia ở cổ họng.
Chlamydia có thể lây truyền từ người bệnh (mắc Chlamydia ở họng, âm đạo, dương vật, trực tràng - hậu môn) sang người lành qua quan hệ bằng miệng.
Bệnh lậu
Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục chủ yếu ảnh hưởng đến niệu đạo, trực tràng hoặc cổ họng. Ở phụ nữ, bệnh lậu cũng có thể lây nhiễm sang cổ tử cung. Nó có thể lây lan qua quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn và miệng. Theo CDC Hoa Kỳ, quan hệ tình dục bằng miệng với bạn tình có dương vật, âm đạo và trực tràng bị nhiễm bệnh có thể gây ra bệnh lậu ở cổ họng.
Con đường lây nhiễm bệnh lậu là quan hệ tình dục không được bảo vệ.
Bệnh giang mai
Giang mai là bệnh do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây ra, dễ lây lan, chủ yếu là qua hoạt động tình dục. Cơ quan y tế Hoa Kỳ gợi ý rằng các vết loét giang mai có thể phát triển trong miệng cũng như trên bộ phận sinh dục có thể khiến một người mắc bệnh giang mai. Theo Mayo Clinic, bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thường bắt đầu bằng một vết loét không đau, điển hình là ở bộ phận sinh dục, trực tràng hoặc miệng.
Bệnh giang mai có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn sớm.
Bệnh mụn rộp
Bệnh mụn rộp có thể do hai loại virus gây ra: virus Herpes simplex loại 1 (HSV-1) và virus Herpes simplex loại 2 (HSV-2).
HSV-1 thường liên quan đến mụn rộp miệng gây ra vết loét và mụn nước chứa đầy chất lỏng, đau đớn kéo dài khoảng 4 - 6 ngày.
Nhiễm HPV (virus u nhú ở người)
Nhiễm virus HPV là một bệnh nhiễm virus thường dẫn đến sự phát triển của da hoặc màng nhầy, còn được gọi là mụn cóc. Có hơn 100 loại HPV, cũng có thể lây lan qua quan hệ tình dục bằng miệng.
CDC Hoa Kỳ cho biết, HPV đường miệng lây truyền qua miệng khi quan hệ tình dục bằng miệng, hoặc có thể theo những cách khác và nhiều người có thể tiếp xúc với HPV đường miệng.
Người nhiễm HPV ở sinh dục, hậu môn, trực tràng, miệng, họng có thể lây sang người lành qua quan hệ tình dục bằng miệng.
2. Cần làm gì để bảo vệ chính mình?
ThS. BS. Phan Chí Thành cho biết: Phần lớn các nhiễm trùng lây qua đường tình dục đều có thể phòng ngừa dễ dàng - cho cả bạn và bạn tình - nhờ áp dụng các biện pháp tình dục an toàn và thường xuyên chăm sóc sức khỏe tình dục. Và việc điều trị cũng không khó khăn nếu bạn tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị của bác sĩ.
Thực hành an toàn tình dục không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm các loại virus và vi khuẩn nhưng sẽ làm cho tình dục an toàn hơn, giảm thiểu nguy cơ nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Để thực hành tình dục an toàn, CDC Hoa Kỳ khuyến nghị sử dụng bao cao su, màng chắn nha khoa hoặc các phương pháp rào cản khác có thể làm giảm nguy cơ mắc hoặc lây STDs qua đường miệng.
Nên thường xuyên đi khám sàng lọc, tầm soát các nhiễm trùng sinh dục và các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt khi bạn có nhiều hơn 1 bạn tình. Nếu bạn đã mắc bệnh lậu miệng, Chlamydia hay giang mai thì cũng đừng lo lắng, những bệnh này có thể được điều trị bằng nhiều loại kháng sinh theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa.
Xem thêm video đang được quan tâm
Phòng bệnh đậu mùa khỉ đừng quên bảo vệ sức khỏe tình dục.