Một thí sinh, một phòng thi, một hội đồng thi là một sự “chơi sang” mà hệ quả không chỉ là lãng phí tiền túi của dân...
Bạn bè gọi hỏi: "này, ông nghĩ gì khi một hội đồng thi 18 người lập ra chỉ phục vụ "nhõn" một thí sinh?". Tôi bảo chẳng nghĩ gì cả.
Thực ra là có, nhưng điều tôi nghĩ hình ảnh nói hết rồi. Và mọi người cũng biết rồi. Học sinh giờ đã khôn ngoan và thực dụng hơn. Họ học để đáp ứng yêu cầu thi vào những ngành có nhiều cơ hội việc làm. Vậy câu hỏi đặt ra ở đây là phải chăng những công việc dành cho khoa học nhân văn đã khép lại? Hay những vị trí béo bở, thuận lợi đều đã có suất hoặc được “xếp gạch” để đợi con cháu người này, người kia?
Cũng có thể do cơ chế biên chế được sống trong một môi trường làm việc thiếu cạnh tranh, không đào thải khiến cơ hội việc làm của người trẻ có năng lực hầu như bằng không.
Còn nói tới việc thích sử, yêu sử ư? Xin mượn lời GS sử học Phan Huy Lê phát biểu trước nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển, ngay tại Bộ GD-ĐT, rằng “SGK sử và dạy sử kiểu này thì học sinh thích mới là lạ!”.
Ở nhiều nước, họ không chỉ học sử trên lớp mà còn học trong bảo tàng, ở thực địa, tại các chuyến dã ngoại. Chẳng hạn như để tái hiện trang phục và sinh hoạt của một dân tộc nào đó, ở một giai đoạn nào đó, giáo viên dậy sử yêu cầu học sinh thiết kế trang phục (dân tộc đó, thời đó) bằng nhiều chất liệu khác nhau, kể cả giấy, sau đó đóng vai. Vui, nhẹ nhàng, dễ nhớ, dễ hiểu… như thế thì không thích sử mới lạ.
Cả một chuỗi hoạt động giáo dục của ta (trong đó có sử): SGK-dạy-học-thi có rất nhiều điểm cũ kĩ, lạc hậu. Một vài sự đổi mới vừa tiến hành lại thiếu đồng bộ, thiếu nghiên cứu, không căn bản… nên chưa thể vực dậy nổi những hạn chế, yếu kém này.
Tôi đang viết những dòng này khi đang nghỉ ở Resort Quý Hải-Phú Quốc, một khu nghỉ dưỡng 5 sao chưa khánh thành. Là người quen nên tôi được đặc cách. Nhưng cũng chỉ vì có tôi (mình tôi) nên cả khu nghỉ dưỡng gồm hàng chục khu nhà phải sáng đèn, hồ bơi phải đầy nước, quầy bar, bếp ăn, nhân viên phải sẵn sàng.
Tôi đã lấy sự quen biết để “chơi sang”, để trả phí cho một sự phục vụ mà nếu dùng tiền thì không bao giờ dám mơ. Đương nhiên không thể lợi dụng sự quen biết này vì chẳng ai có thể đáp ứng một việc phi thị trường như thế mãi.
Một thí sinh, một phòng thi, một hội đồng thi cũng thế thôi. Đây là một sự “chơi sang” mà kinh phí trả cho nó suy cho cùng cũng trong túi dân cả mà thôi.
- Học sinh reo hò xé đề cương môn Sử ăn mừng vì không phải thi môn sử ngày
Hội đồng thi chỉ có 1 thí sinh là hệ quả của một vài thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay. Một vị có chức sắc trong ngành giáo dục nói việc này nhằm thực hiện chủ trương “đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” nước nhà. Thiết nghĩ, một kỳ thi như thế này thì chưa đổi mới “toàn diện và căn bản” được đâu, ngay cả khi chấp nhận cái mệnh đề rất tiêu cực là “thi sao học vậy”./.