Nhà thơ Bình Nguyên Trang gọi điện thoại cho tôi: “Bác còn lăn tăn chuyện kết hợp hiện đại và dân tộc thì theo em đến nhà họa sĩ Phương Bình ngay!”. Chả biết Phương Bình là ai nhưng hơn chục năm quen nữ nhà thơ, mỗi lần chị ới đi đâu là y như rằng “có chuyện” và cái thú nhất là cảm thấy không phí thời gian.
Vô duyên nhất là lúc bất ngờ đến thăm nhau đúng khi người ta đang ốm, mà mình lại là suất “bám càng”, lần đầu gặp mặt! Nhưng hình như giới nghệ sĩ họ không câu nệ chuyện thân sơ, cứ chạm vào chuyện nghề, chạm vào nỗi say mê là mới quen cũng thành như thân nhau… hàng thế kỷ! Nhìn “phòng tranh” của nữ họa sĩ trong căn hộ chật chội, tôi thoáng ngạc nhiên trước những tranh sơn dầu, tranh giấy dó, tranh in trên gốm với phong cách rất hiện đại nào là dê, là trâu, là sen và cả… phụ nữ nuy! Như cảm thấy sự ngạc nhiên của tôi, Bình Nguyên Trang cười: “Mỗi một dạng tranh, một chủ đề là một giai đoạn của sự vật vã, phá cách muốn thoát ra khỏi chính mình để tìm ra một cái gì đó, nói một cái gì đó của nữ họa sĩ đấy bác ạ!”.

Họa sĩ Phương Bình.
Trong sự lộn xộn ở căn hộ chật hẹp của chung cư tầng 3, những bức tranh như muốn thoát ra, như muốn vẫy vùng, như muốn gào thét kêu gọi hay âm thầm nhắn nhủ. Mỗi tranh là một cái lạ nhưng hình như cùng thống nhất tựa những mảnh kim loại khác nhau ghép lại nhưng khó tìm thấy mối hàn. Và hình như chủ nhân của những bức tranh cũng thế!
Trò chuyện mới hay nữ họa sĩ là ái nữ của nhạc sĩ tài danh xứ Nghệ Tùng Vinh nhưng lại theo nghề hội họa. Ban đầu, học vẽ tranh sơn dầu và sơn mài nhưng mấy năm gần đây lại xoay qua tranh giấy dó. Chất lãng đãng, phóng khoáng trong tâm hồn vốn là đặc trưng của nghệ sĩ nhưng chị lại có cả tính nghiêm nhặt, logic khoa học của một thạc sĩ và một cô giáo dạy vẽ mà chị đang đảm đương. Vẽ nuy là hiện đại nhưng chất bay bổng lại nằm trên giấy dó với nét mực Tàu đặt xuống ăn ngay không cho tẩy xóa, không cho sửa lại. Tranh và người cứ như những mảnh ghép nhìn mỗi góc một dạng mà vẫn nhận ra một người thì lạ thật !
Phương Bình đang ốm, là khách mới, tôi tính bảo chị nghỉ hay sai con ra chợ mua nắm lá xông nhưng nữ họa sĩ cười: “Em xông bằng vẽ bác à! Nằm đầu óc quay cuồng lắm, cứ phải cầm cọ lôi tống những thứ trong đầu ra mới thấy nhẹ”. Nhà thơ Bình Nguyên Trang chẳng biết thân họa sĩ từ bao giờ, hay là bạn gái với nhau chỉ tủm tỉm và tự tiện mở tủ gia chủ lôi ra tập giấy dó bày ra sàn nhà. Lần đầu chứng kiến cái “ngôn ngữ im lặng” của hai người bạn gái, tôi bỗng thấy ngỡ ngàng. Bấy nay cứ tưởng chị em ta gặp nhau là ríu rít những là mốt giày, mốt áo, những cuộc buôn dưa lê bất tận có khi tiễn nhau cửa rồi vẫn còn “à cái này” đến cả tiếng đồng hồ. Vậy mà… Phương Bình cũng chẳng nói, lặng lẽ rót mực và cầm cọ. Nhìn nhà thơ và họa sĩ, cứ như hai nhân vật đang đối thoại với nhau bằng lời ngầm trên sàn diễn ấy!
Nữ họa sĩ sau mấy phút ngồi bất động như nhập thiền, như bị thánh ám bỗng chỉ thấy bàn tay và cây cọ như có người tàng hình nào ở bên cầm lấy múa trên giấy. Những người đàn bà hiện ra như đang trốn trong họa sĩ bỗng ào qua ngọn bút lông, bám lấy mảnh giấy mong manh như cười, như gào khóc về niềm vui và bất hạnh của mình... Một bức… hai bức… rồi ba bức…! Những bức tranh cứ thế xuất hiện đầy ma mị, đầy ngẫu hứng như tiếng nói âm thầm đủ cung bậc hỷ-nộ-ái-ố trong lòng tác giả. Tôi cứ lặng nhìn và hút vào những thân phận khác nhau qua những hình hài khác nhau hiện lên trên giấy dó bằng nét bút “một nhát ăn ngay” không che giấu, không sắp đặt cải sửa, cứ trải lòng mình ra như thể nghĩ gì “ghi” nấy!

Em và Sen - một tác phẩm của họa sĩ Phương Bình.
Bình Nguyên Trang khẽ hỏi: “Thế nào?”. Mà chẳng biết thế nào để nói ra thành lời thật. Cứ như nam thanh nữ tú phải lòng nhau, mê mẩn nhau mà không thể cắt nghĩa vì sao trong khi có thể gạch đầu dòng ra những lý do là lúc đã không còn thương nhớ! Phương Bình vẫn vẽ mà như không vẽ. Chị đang đối thoại với chính mình với tất cả sự quằn quại hay hạnh phúc trước những gì trên dòng đời đang trôi qua khung cửa kia. Họa sĩ dừng tay và nhìn ông khách lạ lần đầu như dò hỏi. Bấy nay chỉ xem tác phẩm, lần đầu chứng kiến quá trình sáng tạo mới chợt nghĩ rằng cái thành tựu và giá trị tác phẩm nghệ thuật có thể lay động con tim, rửa sạch tâm hồn nhưng hiểu và chứng kiến con đường đến cái kết quả ấy mới làm nên hạnh phúc khi con người có thể xích lại gần nhau hơn trong tất cả nỗi cảm thông và chia sẻ. Họa sĩ vẫn nhìn. Những bức tranh ma mị khiến người xem cũng ma mị thốt lời vô thức như nét vẽ của chị: “Ngon!”.
Phương Bình như thoát xác trở về với vị trí chủ nhà, nụ cười sáng lên trên khuôn mặt khác hẳn sự mệt mỏi lúc chúng tôi bước vào nhà chị. Họa sĩ vớ bút và ký tặng trên một bức giấy dó chưa khô mực như muốn chia sẻ với người đồng cảm chăng. Con người đời thường trong chị lúc ấy trao tác phẩm của mình như trao đứa con vẫn cứ lo nếu người nhận “bo tranh” làm mất đi chất dó.
Trên đường về, tôi hỏi nhà thơ đúng câu hỏi mà chị rỉ vào tai tôi: “Thế nào?”. Bình Nguyên Trang cũng chả nói, chỉ dúi vào tay tôi bài thơ chị viết về họa sĩ. Xin in cùng bài viết này như những góc nhìn khác nhau về một tài năng, như tài năng ấy cũng đầy góc cạnh…
Bài & ảnh: Lê Quý Hiền