Một giờ một ngày sau chiến tranh

30-04-2018 07:15 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nhiều năm đã trôi qua, nhưng cảm xúc về khoảnh khắc đầu tiên của hòa bình như không hề phai trong trái tim những người lính - nhà văn. Với họ, đó là ngày và đêm dài nhất trong cuộc đời nhưng cũng là niềm vui không gì so sánh “cho dù có thể sống thêm một cuộc đời nữa”.

Hạnh phúc vì được sống, nỗi buồn vì sự hy sinh của đồng đội và cả một khoảng trống đầy suy tư trước mắt khi ngày mai không còn chiến tranh, trở về cuộc sống bình thường...

Họ là những người lính - nhà văn ở khắp các mặt trận, cùng không hẹn mà gần như có mặt tại Sài Gòn vào những khoảnh khắc cuối cùng của chiến tranh. 11giờ 30 phút ngày 30/4/1975, khi ngọn cờ Quân Giải phóng nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng tung bay trong nắng Sài Gòn trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu giờ phút đợi chờ của giấc mơ hòa bình đã thành sự thật, cái khoảnh khắc đó với họ thiêng liêng vô cùng trong cuộc đời mà mỗi khi nhắc nhớ lại là một hồi ức không bao giờ phai.

Và khi sống trong hòa bình, họ vẫn luôn sống trong những kỷ niệm chiến trận bằng những trang viết về chiến tranh. Nhiều tác phẩm rất thành công và được công chúng đón nhận. Nhưng, mới chỉ rải rác có vài tác phẩm văn học viết về chiến dịch Hồ Chí Minh ở tầm “đơn vị”, hay một trận đánh chiến thuật thuộc “vòng ngoài” khởi động chiến dịch.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

Ngày đó ông đi cùng lính tăng-thiết giáp của Binh đoàn Hương Giang, Quân đoàn 2 vào thành phố, khoảnh khắc đáng nhớ đã được ông ghi lại bằng những vần thơ ngay ngày 30/4/1975 - Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập, 30/4/1975: Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện/Rau muống xanh như hái tự ao nhà/Trời còn đầy ắp hoa và pháo/Nhìn nhau chưa vội mở vung ra/ Màu xanh-sân cỏ xanh mải miết/Quây quần đồng đội đến vui chung/Hàng cây so đũa cùng so đũa/Ăn bữa cơm ở đích cuối cùng/... Cờ treo trên đỉnh nước non ơi/Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm/Ta reo trời đất cũng reo cùng/Ta no cười nói say đôi mắt/ Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông.

Nhà văn Nguyễn Trí Huân - Đại tá, nguyên Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội và báo Văn nghệ

Trước 30/4/1975, ông đang là phóng viên chiến trường QK5, được tháp tùng Quân đoàn 2 giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó lên tàu sông Hồng ra giải phóng Côn Đảo: Lần đầu tiên chúng tôi được đi trên tàu của mình một cách công khai trên biển không gặp bất kỳ sự phản kháng nào, dù chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Khi tàu vào gần tới đảo cũng là lúc chúng tôi nhận được tin Sài Gòn đã giải phóng, phát tín hiệu lên đảo xem tình hình như thế nào, trả lời lại là đảo đã được các anh em tù nhân chính trị của ta làm chủ hoàn toàn, các chúa đảo, cai ngục trốn hết. Chúng tôi cập tàu ngay cầu cảng 915- cầu cảng nổi tiếng lịch sử của đảo vì để hoàn thành đã có 915 tù nhân bỏ mình. Anh em tù chính trị của ta ùa tới, chúng tôi chỉ biết ôm lấy nhau mà nghẹn ngào không thể thốt ra được lời nào. Một nỗi xúc động quá lớn không thể tả được, tất cả anh em tù chính trị của ta đều mặc quần áo đen, nhưng trên ngực ai cũng có gắn một ngôi sao đỏ, bằng nhiều chất liệu khác nhau: vải, giấy, bìa,thiếc... Khi hỏi các đồng chí cần gì chúng tôi sẽ đáp ứng cung cấp đầy đủ, nhưng họ không cần gì hết ngoài nguyện vọng tha thiết là “Ảnh Bác Hồ”. Lễ rước ảnh Bác từ trên tàu xuống đảo được anh em tù chính trị làm rất kính cẩn, trang nghiêm, trang trọng. Sau đó chúng tôi đi viếng mộ chị Võ Thị Sáu và chuẩn bị chuyến tàu đầu tiên chở anh em tù chính trị về đất liền.

Nhà thơ Lam Giang - Đại tá, Quân khu 7

Trưa 30/4/1975, ông đang làm nhiệm vụ quân quản tại Ngã Ba Giồng, ngoại vi Sài Gòn, nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, ông được lệnh quay về đơn vị hành quân cấp tốc vào Sài Gòn bằng xe chiến lợi phẩm. Chiều đó đã có mặt tiếp quản Trại lính Thông tin ở góc Nguyễn Văn Thoại - Hùng Vương, Q5: Đêm đó là đêm trắng Sài Gòn. Tôi không ngủ được, 10 năm nằm võng ngủ rừng đã quen, nay nằm giường cảm giác thật lạ, khó ngủ, mà ngủ sao được với niềm vui tột cùng thế này, ngủ là lãng phí niềm vui. Sáng ra, tuyệt diệu vô cùng, không tiếng súng đạn, không tiếng bom rơi, một không gian thanh bình chỉ có tiếng chim hót ríu ran trên cây ngoài cửa sổ. Hòa bình, thật là tuyệt vời.

Nhà văn Chu Lai - Đại tá, tạp chí Văn nghệ Quân đội

Ông nguyên là lính đặc công tham gia nhiều trận đánh lớn nhỏ ở chiến trường miền Đông Nam Bộ, tiểu thuyết “Nắng đồng bằng” của ông là một trong những tác phẩm về chiến tranh ông viết bằng chính những thực tế chiến đấu ông đã trải qua. Ngày 30/4/1975 ông không ở Sài Gòn, nhưng ông được biết quân ta đã toàn thắng, 24 giờ sau ông đã có mặt tại Sài Gòn: Cảm giác mình được sống, chắc chắn sống khi quân ta đại thắng, khi hòa bình không phải là giấc mơ. Tôi hoạt động ở vùng rừng, mát nhờ bóng cây của đại ngàn, về thành phố đối diện cái nắng của mùa khô, nóng quá, thế là ốm. Nhưng ốm có lẽ cũng vì cảm xúc quá đột ngột bởi hạnh phúc lớn “hòa bình”, hết chiến tranh. Đi giữa đường phố Sài Gòn, đập vào mắt tôi ngày đó chính là quảng cáo kem đánh răng Hynos- một ông da đen nhe hàm răng trắng xóa, thứ đó ở miền Bắc làm gì có. Tiếp đến là sự hấp dẫn “đến chết người’ của những cái eo lưng gái Sài Gòn, họ mặc áo bỏ trong quần, khoe cái eo thon cái bụng phẳng, Trời ơi, sao mà đẹp thế, quyến rũ thế. Nhưng đến đêm thì tôi nằm khóc rưng rức, tôi nhớ đồng đội, những người đã hy sinh không có mặt cùng tôi dạo phố Sài Gòn, ngắm nhìn hòa bình trong ánh mắt thiếu nữ Sài Gòn. Cứ thế tôi khóc suốt đêm vì nhớ, vì thương và cả tiếc cho đồng đội.

Thời gian cứ trôi, chiến tranh lùi vào quá khứ chỉ vang vọng bằng những hồi niệm chiến trường. Những người lính - nhà văn ngày đó, bây giờ cũng vẫn đang làm đẹp cho cuộc sống bằng những trang viết của mình và trong đó vẫn thấp thoáng bóng dáng những người đồng đội và cảm xúc khoảnh khắc cuối cùng của chiến tranh, đầu tiên của hòa bình.

Nhà thơ Trương Vĩnh Tuấn - nguyên Phó Tổng biên tập báo Văn nghệ

Trong chiến tranh, ông là một sĩ quan trẻ, tình báo viên kỹ thuật trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Miền Trung-Tây Nguyên. Sau khi ta giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên và kéo quân thẳng tiến Sài Gòn, một cuộc hành quân thần tốc còn hơn cả thời Quang Trung kéo quân ra Bắc Đại phá quân Thanh, ta vừa đi vừa đánh, đúng trưa 30/4/1975 đại quân của ta với 5 mũi tấn công áp sát Sài Gòn, khép chặt vòng vây cuối cùng - Dinh Độc Lập. 11giờ kém 3 phút, tôi có mặt trước cổng Dinh Độc Lập, cách cổng chính 30m ngay tại ngã 3 Hàn Thuyên - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ). Tại đây tôi có một cuộc gặp gỡ thú vị, một anh lính từ miền Tây đi lên, một anh lính từ miền Đông xuống và tôi hợp thành 3 người lính Bắc - Trung - Nam và cùng ngây ngất ngắm giây phút lá cờ Quân Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập. Và rồi cả 3 cùng hét to: Thống nhất rồi. Chúng tôi nhìn vào mắt nhau và rồi không hẹn, cùng xòe bàn tay chai sạn vì súng đạn, lấm lem thuốc súng... Thế rồi niềm hạnh phúc đã khỏa lấp tất cả, để sau đó, trong tích tắc thôi, tôi đã trào nước mắt vì nghĩ tới những đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường, đã không được cùng tôi chứng kiến khoảnh khắc tuyệt vời của hòa bình.

Nhà văn Văn Lê - Hãng phim Tài liệu Nguyễn Đình Chiểu, TP.HCM

Ngày 30/4/1975, một cơn sốt đã quật ngã ông không cho ông theo đoàn quân vào thành phố. Ông không được chứng kiến khoảnh khắc lá cờ tung bay hiên ngang trong nắng Sài Gòn, nhưng ông được nghe lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh qua sóng radio. Có lẽ vì niềm vui chiến thắng quá lớn đã giúp ông hồi phục một cách thần kỳ, sáng 1/5/1975, ông từ Lộc Ninh về Sài Gòn trong một niềm phấn khích khó tả, nhưng chỉ dừng lại tí xíu rồi cùng nhà văn Thanh

Giang xuống miền Tây, đến 4/5/1975 mới trở lại cùng Sài Gòn ăn mừng chiến thắng: Một đêm dài nhất trong đời người của tôi. Suy nghĩ đầu tiên là tôi đã được sống. Ngày đó, trong chiến trường, việc nghĩ mình có thể chết bất cứ lúc nào là chuyện bình thường, vì chiến tranh bom đạn đâu có mắt, nên 2 chữ hòa bình là đi liền với 2 chữ “được sống”. Cũng không biết vì sao mấy chúng tôi đang trong cứ ra bìa rừng, mỗi người một góc ngồi khóc. Đêm đó tôi không ngủ, nghe tiếng súng bắn lên trời, không phải tiếng súng của chết chóc mà như tiếng gọi bầy báo tin vui, có quá nhiều cảm xúc cùng đến một lúc, ùa vào tôi dâng tràn. Vui, buồn lẫn lộn. Vui thì không cần nói rồi. Nhưng buồn, tôi nghĩ đến các đồng đội đã ngã xuống, không được chứng kiến ngày chiến thắng, lần lượt từng tên một, họ có người rất trẻ, có người có gia đình, ở nhà họ đang có bao nhiêu mẹ già, vợ con trông ngóng. Người về, người không bao giờ trở về... và rồi họ như hiện ra ngay trước mắt tôi... Cho tới hôm nay tôi vẫn luôn nghĩ về họ.


Hoài Hương
Ý kiến của bạn