Một dự án khoa học phi nhân tính

28-08-2011 14:22 | Thời sự
google news

Núp dưới chiêu bài khoa học và sự sống, Dự án Tuskegee đã thành công trong việc che lấp những hành vi vô nhân đạo của mình. Cái gì cũng phải trả giá, nhưng những hiểu biết về bệnh giang mai đã phải trả một cái giá quá đắt.

Núp dưới chiêu bài khoa học và sự sống, Dự án Tuskegee đã thành công trong việc che lấp những hành vi vô nhân đạo của mình. Cái gì cũng phải trả giá, nhưng những hiểu biết về bệnh giang mai đã phải trả một cái giá quá đắt.

Dự án “giết người”

Giang mai ngày nay được coi là một bệnh truyền nhiễm thông thường nhưng trước kia nó là một dịch bệnh hoành hành ở hầu khắp các châu lục, gây hoang mang lo sợ trong dân chúng và thách thức giới y học thời bấy giờ.

Vào những năm đầu 1900, người ta thấy liên tục xuất hiện căn bệnh này. Đi đâu cũng có thể gặp những bệnh nhân  kiểu này và nó như là một bóng ma đầy hoảng sợ. Thời đó người ta chỉ biết rằng, người nào mắc phải căn bệnh này thì cầm chắc cái chết.

 Thử nghiệm trên những người dân nghèo châu Phi.
Sự tàn bạo của bệnh giang mai không chỉ ở tỷ lệ người chết cao mà nó còn ở những thử nghiệm mang tính vô nhân đạo trong y học. Trong các thử nghiệm về giang mai thì có lẽ Dự án Tuskegee là dự án nổi đình nổi đám nhất.

 Tuskegee là tên gọi của một dự án thử nghiệm giang mai được thực hiện ở Tuskegee, Alabama. Đây là một dự án kéo dài, thực hiện suốt 40 năm, từ năm 1932 - 1972. Đầu tư cho dự án thử nghiệm là sự bảo lãnh của Cơ quan y tế Mỹ. Tuy nhiên, cơ quan này chỉ đồng ý cho thử nghiệm với một điều kiện là không được làm tổn hại tới những người tham gia thử nghiệm.

Dự án Tuskegee được tiến hành bởi vì người ta muốn tìm hiểu xem cái gì gây ra bệnh giang mai, bệnh tiến triển thế nào cũng như có những số liệu cụ thể về dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Mục tiêu rõ ràng là rất nhân văn. Muốn tìm hiểu thì đương nhiên phải thí nghiệm. Đây cũng là lẽ thường tình trong y học. Nhưng cái không thường tình ở đây là họ đã dùng con người để thử nghiệm.

Dự án đã thu thập những con người bằng xương bằng thịt để thực nghiệm. Họ đã tiến hành thử nghiệm trên 600 người đàn ông nông dân, dân tộc ở vùng sâu vùng xa Alabama. Thời đó, những người da đen chưa được coi trọng và chỉ được coi là những kẻ mọi rợ. Với những người da trắng, những người da đen chỉ là những kẻ tôi tớ, bẩn thỉu và chỉ đáng để làm thí nghiệm mà thôi.

Để có được đủ số nhân sự này, họ đã thu thập những người bần cùng hoá, bị tịch thu hết ruộng đất, chẳng có một tài sản gì gọi là đáng giá và đương nhiên họ cũng chẳng có ý thức về tương lai. Sự thấp kém về nhận thức xã hội đã là cơ sở cho những con người da trắng khôn ngoan lợi dụng. Những người này được đưa vào thử nghiệm với một lộ trình là gây nhiễm bệnh giang mai và không điều trị gì cho đến chết xem bệnh tiến triển như thế nào. Khi nào thì người bệnh chuẩn bị chết, khi nào thì người ta có những dấu hiệu nguy hiểm. Kết quả là trong số 600 người tham gia thử nghiệm, có tới 201 nạn nhân bị nhiễm mới và gây ra cái chết cho toàn bộ 600 con người khốn khổ. Gây bệnh cho con người và không chữa trị gì để xem họ chết như thế nào được coi là một góc tối tăm nhất của y học thế kỷ XX.

Nhằm để có được sự tham gia “nhiệt tình” và đầy đủ của những nạn nhân đáng thương, ngoài dùng những chính sách ép buộc về kinh tế đơn thuần, những người da trắng “thượng cấp” đã khôn ngoan chiêu dụ bằng chính sách y tế. Lúc này, y tế đã thành một công cụ và một vũ khí hoàn hảo nhất để người ta thực hiện thành công những dự định xấu xa. Trong dự án, họ đã tuyên truyền rằng, chúng tôi thực hiện việc khám chữa những bệnh nguy hiểm. Chúng tôi đem đến cho các bạn sự phục vụ y tế hoàn hảo. Tất cả những ai đồng ý tham gia chương trình thì sẽ được khám chữa bệnh miễn phí, sẽ được tham gia một chương trình điều trị bệnh nguy hiểm, được miễn phí mai táng và có thể được xem xét miễn giảm nợ. Sự hấp dẫn về phí khám chữa bệnh, sự ảo tưởng về một tương lai khỏi bệnh nguy hiểm đã làm cho những con người tội nghiệp tự nguyện tham gia mà không hề có một chút nghi ngại. Người ta tiến hành thử nghiệm mà không thông báo những tác hại có thể gặp khi tham gia, giấu kín những nội dung thử nghiệm đã là những vi phạm nghiêm trọng nhất trong nghiên cứu y học. Nhưng làm giả mục tiêu nghiên cứu để đánh lừa người tham gia thì là một sự vô nhân tính đến đỉnh điểm nhất. Về mặt này, Dự án Tuskegee đã thành công.

Sự ích kỷ và tàn nhẫn

Tại sao người ta lại đi làm những việc vô nhân đạo đến thế? Tại sao người ta lại thực hiện những dự án quái gở như thế?

Giải thích tới cộng đồng khoa học thế giới, những thành viên của Dự án Tuskegee biện hộ là để nhằm tìm ra diễn biến và tiến triển tự nhiên của bệnh. Nhằm tìm hiểu xem triệu chứng điển hình của bệnh là như thế nào. Những thành tựu này sẽ là những kiến thức vô cùng quý trong kiểm soát bệnh tật và đóng góp vào sự phát triển của nền y học tương lai. Thực tế đang diễn ra như những gì người ta bào chữa. Nhưng thật đáng tiếc là người ta tiến hành nghiên cứu với một mục tiêu đầy ích kỷ khác.

Trước năm 1932, thời điểm dự án khởi công có quá nhiều nạn nhân của bệnh giang mai. Trong số này, có người da trắng, da đen và cả da vàng. Những người da đen thì coi đó như là một số mệnh của Chúa. Nhưng những người da trắng, người ta không coi đó là một số mệnh an bài và rất sợ hãi khi cái chết đè lên chủng tộc họ, tự phong là “chủng tộc văn minh”.

Năm 1928, một nghiên cứu bài bản ở Na Uy đã nghiên cứu về bệnh giang mai và đã thống kê nạn nhân của dịch bệnh này làm ảnh hưởng tới sinh mạng của hàng trăm người. Và sự kiện này được coi như là một sự kiện châm ngòi cho cho dự án. Quá xót xa về số phận chủng tộc, quá thắc mắc về chứng cứ khoa học, quá khát khao tìm ra một phương thức bảo vệ hữu hiệu cộng đồng châu Âu, họ đã đi thử nghiệm trên một cộng đồng dân tộc khác để tìm ra đáp án trả lời.

Và họ đã thành công khi tiến hành thử nghiệm trên những người da đen. Nhằm để giải cứu những người da trắng, người ta đã không ngần ngại thử nghiệm trên 600 người da đen. Rõ ràng, nấp dưới chiêu bài khoa học và sự sống, dự án đã thành công trong việc che lấp những động cơ đen tối của mình. Cái gì cũng phải trả giá, nhưng những hiểu biết về bệnh giang mai đã phải trả một cái giá quá đắt.

BS. Yên Lâm Phúc


Ý kiến của bạn