Hà Nội

Một đóng góp hiệu quả đưa văn học tới công chúng

04-01-2014 00:25 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nhà xuất bản Dân trí vừa cho ra mắt bạn đọc tập sách tiểu luận - phê bình văn học của nhà thơ Phạm Khải. Tập sách dày trên 300 trang có cái tên khá ấn tượng: “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo”.

Nhà xuất bản Dân trí vừa cho ra mắt bạn đọc tập sách tiểu luận - phê bình văn học của nhà thơ Phạm Khải. Tập sách dày trên 300 trang có cái tên khá ấn tượng: “Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo”.

Vấn đề mà tác giả đặt ra qua tiêu đề cuốn sách (cũng là tên một bài viết in trong tập) tưởng phức tạp hóa ra lại thật giản dị: Dù cuộc sống có gấp gáp thế nào chăng nữa nhưng khi đã đi vào văn học thì ngay cả người viết lẫn người đọc vẫn cần dành ra những giây phút cần thiết.


	Bìa tập tiểu luận - phê bình văn học Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo của nhà thơ Phạm Khải.

Bìa tập tiểu luận - phê bình văn học Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo của nhà thơ Phạm Khải.

Trong tất cả 50 bài viết được chọn in trong cuốn sách, dù được Phạm Khải chia ra làm 2 phần (phần một: tiểu luận, gồm 35 bài và phần hai: phê bình, gồm 15 bài), song hầu như tất cả nội dung các bài viết đều hướng tới một mục đích là làm sao đưa những vấn đề của văn học nước ta hôm nay vào đời sống.

Trước hết, cần phải nói có lẽ hiếm có một cuốn sách bàn về văn học nào lại giúp cho người đọc rộng rãi có điều kiện hiểu biết gần như toàn cảnh bức tranh văn học ở nước ta trong những năm vừa qua. Thông thường, những loại sách chuyên về tiểu luận hay phê bình văn học thường rất kén người đọc. Bởi lẽ, nhiều người coi đây như một ngôi đền thiêng chỉ dành cho một số đối tượng tìm hiểu khi người trong giới chỉ chuyên tâm bàn tới những vấn đề bếp núc của văn học hoặc ngay chính người viết cũng tự gây khó khi quá lệ thuộc vào lý luận, nguyên tắc một cách cứng nhắc làm ra vẻ cho “có học thuật” với những câu chữ nặng nề, rối rắm, những trích dẫn phức tạp khiến người đọc ngần ngại không dám tiếp cận. Đôi lúc văn học trở nên xa lạ. Với tác phẩm Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo, Phạm Khải dường như hoàn toàn khác. Chỉ cần mở phần mục lục cuốn sách ta cũng có thể dễ dàng nhận ra những vấn đề mà tác giả muốn đề cập là khá bao quát như: Nhân cách nhà văn, Để kiến văn ngang tầm bạn đọc, Nhận định văn chương - sao cho tâm phục, khẩu phục, Căn bệnh đại khái trong đời sống văn học hôm nay, Những lý do đoản thọ của loại văn chương ám chỉ, Hồi ký, tự truyện: Sự thật trong mắt ai?, Chuyện văn đàn ngẫm từ Vedan, Phê bình văn học, nghệ thuật trên báo chí: Thiếu cân bằng vì nhiều lẽ, Kỉ lục buồn về một cuốn sách bán chạy,Đạo văn: ai nói , ai nghe...

Có lẽ ta cũng không nên quá câu nệ vào những nguyên tắc hay lý luận khi phân tích cách dùng từ tiểu luận hay phê bình văn học mà Phạm Khải đã dùng trong cuốn sách của mình bởi khi đọc, ta không hề thấy tác giả viện dẫn những mớ lý thuyết, nguyên lý hay phương pháp này, khác một cách giáo điều. Trong gần như tất cả những bài viết của mình, Phạm Khải như ngược lại, anh không lý luận hoặc cố ý hết sức tránh nó. Anh chỉ lẩy ra từ những gì diễn ra trong đời sống văn học trong nước để khen ngợi, phê phán hoặc phân tích làm rõ, lý giải cặn kẽ ngay cả những điều tưởng đơn giản nhưng thực ra lại hết sức cần thiết đối với những người làm văn học và cả công chúng đang luôn mong muốn tiếp cận, mong muốn hiểu biết một cách chuẩn xác. Ví như anh đã nêu ra những tư liệu rất khác nhau của nhiều người về một tác giả nổi tiếng mà ngay các cơ quan có trách nhiệm còn dè dặt né tránh khiến người đọc băn khoăn, thắc mắc không biết sai đúng tới đâu, như trường hợp nhà thơ Phùng Quán (bài “Phùng Quán còn đây...”); anh dẫn ra những sai lạc đáng trách về trích dẫn thơ sai, nói “bốc giời”, “họa thơ một cách thô thiển”, “tên sách tiền hậu bất nhất”... mặc dù sách bán chạy và trước đó, chưa ai phát hiện và lên tiếng về những lỗi ấy (bài “Kỷ lục buồn về một cuốn sách bán chạy”); hoặc có những đính chính cần thiết giúp bạn đọc hiểu đúng về nhà phê bình Hoài Thanh trước những thông tin không chính xác của dư luận trong bài “Nhà phê bình Hoài Thanh: Nỗi oan không khó gỡ”...

Qua những gì thể hiện trong nội dung cuốn sách, ta có thể thấy, Phạm Khải dù là một nhà thơ, song anh luôn có tác phong làm việc khoa học, rất cẩn trọng khi trích dẫn, nhiệt thành đứng ra lý giải, thanh minh những điều anh cho là chưa chuẩn xác về tác giả này tác giả khác; đặc biệt rất sòng phẳng trong nhận định đúng - sai. Điều đó cho thấy ở anh trách nhiệm công dân trong tư cách một người cầm bút.

Thời tốc độ và tâm lý sáng tạo của Phạm Khải tuy tên sách đọc nghe rất màu sắc “lý luận” nhưng khi được tiếp cận những bài viết trong sách thì người đọc rộng rãi lại dễ dàng bị thuyết phục. Cuốn sách hấp dẫn không chỉ bằng những vấn đề thực tiễn của đời sống văn học được tác giả nêu ra rất đáng được xã hội quan tâm mà còn được thể hiện bằng một thứ văn phong nhuần nhị, mạch lạc, hết sức dễ hiểu, rất hoạt với cách lập luận sắc sảo và các trích dẫn chính xác. Cuốn sách đã nói lên được đầy đủ những điều mà người viết muốn hướng tới nhằm “công chúng hóa” những vấn đề vốn vẫn luôn được coi như một “tháp ngà” khép kín của riêng một bộ phận đối tượng nào đó.

Giá trị của cuốn sách, ngoài những nội dung được đề cập, theo tôi còn chính là từ điểm này.

Huy Thắng

 


Ý kiến của bạn