Một đời dâng hiến lặng thầm

06-07-2014 07:00 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Dược sĩ Phạm Thiệp, cả một đời dâng hiến lặng thầm. Ông là người đầu tiên chế thuốc gây mê trong những năm kháng chiến toàn quốc.

Dược sĩ Phạm Thiệp, cả một đời dâng hiến lặng thầm. Ông là người đầu tiên chế thuốc gây mê trong những năm kháng chiến toàn quốc. Ông mãi là con ong thợ cần mẫn luyện nhụy hoa thành mật ngọt dâng đời... 

Đầu tháng 5/2014, tôi gặp ông lúc ông vừa bước sang tuổi 85, một ông già cao, gầy, lưng còng, tóc bạc trắng, bước đi chậm chạp, sống độc thân trong một căn nhà nhỏ ở hẻm sâu hun hút thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Những người hàng xóm chỉ biết ông là một dược sĩ lâu năm, từng viết sách sử dụng tân dược, đôi khi đến hỏi ông về thuốc liên quan đến bệnh tật của mình. Dường như không lâu nữa ông sắp mang đi tất cả “bí mật” của những năm tháng tuổi trẻ cống hiến mà rất ít người biết tới. Và tôi bỗng thấy mình có trách nhiệm thay ông kể lại, khi thấy rằng những gì ông đã làm được trong những năm tháng đó là không hề nhỏ, nếu không muốn nói những sáng tạo đầy nhiệt huyết của ông cũng đáng được ngưỡng mộ như những sáng tạo của những người nổi tiếng lâu nay ở nước ta trong ngành y, dược. Ông là dược sĩ Phạm Thiệp, nguyên chuyên viên Vụ Dược chính, Bộ Y tế.

Người đầu tiên chế thuốc gây mê

Tháng 12/1946, toàn quốc kháng chiến bùng nổ, chàng trai 17 tuổi Phạm Thiệp mới học năm thứ nhất thành chung từ quê Hải Dương theo gia đình tản cư về vùng tự do Tiên Hưng, Thái Bình. Ở đây có Phân viện Dược phẩm Liên khu 3 mới đi vào hoạt động. Một người họ hàng xa giới thiệu anh với “sếp” của phân viện là dược sĩ Nguyễn Văn Luận. Phân viện có mươi người, hầu hết nhân viên mới xóa xong nạn mù chữ. Sếp Luận trong số ít các dược sĩ Đông Dương đi theo cách mạng, vui vẻ nhận Phạm Thiệp ngay vì trước hết thấy anh khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lại thạo tiếng Pháp, rồi ông đưa anh đọc những cuốn sách Pháp kinh điển của ngành dược như Codex, Dorvaúet, Lebeau... để làm quen với nghề mới. Anh tình cờ có được nghề dược từ ngày đó, suốt đời theo đuổi, phấn đấu cho nó. Thời kỳ này trên chiến khu Việt Bắc đã có bộ phận nghiên cứu dược thuộc Cục Quân y (Bộ Quốc phòng), đứng đầu là các dược sĩ Vũ Công Thuyết, Đỗ Tất Lợi hướng vào chế các loại thuốc, dụng cụ y tế phục vụ bộ đội ở chiến trường, song mối quan hệ giữa viện và các phân viện không thể thường xuyên, vì bị chia cắt bởi một vùng rộng lớn do quân Pháp kiểm soát. Các chiến dịch liên tục diễn ra, các trạm phẫu dã chiến của ta có thêm nhiều thương, bệnh binh. Trạm phẫu tiền phương của bác sĩ Hoàng Đình Cầu đặt tại Phủ Lý (Hà Nam) đang rất thiếu những thứ thiết yếu như cồn, thuốc gây mê (ête mê), bông gạc, bột bó gãy xương...

Ngày đó do thiếu thuốc gây mê mà ở nhiều nơi bác sĩ phải “mổ sống” thương binh bằng cách trói họ trên bàn mổ để khỏi giãy giụa do quá đau đớn trong lúc phẫu thuật. Dược sĩ, Phân Viện trưởng Nguyễn Văn Luận nhận việc tinh chế cồn và ông đã hoàn thành việc này, biến loại rượu thường mua của dân (độ cồn dưới 45o), thành cồn sát trùng 90 - 92o. Còn việc chế ête mê từ cồn được giao cho chàng “dược sĩ bất đắc dĩ” Phạm Thiệp và một cộng sự vốn là người bán thuốc Tây (sau năm 1949 địch càn, anh này bị kẹt lại Thái Bình). Một tính chất của ête là dễ bén lửa, gây nổ và thường xuyên tiếp xúc có thể bị nhiễm độc. Đến giờ, ở tuổi gần đất xa trời, dược sĩ Phạm Thiệp (ông chính thức có bằng dược sĩ cao cấp năm 1965, tức là sau thời điểm chủ trì việc chế ête lần đầu tiên ở nước ta 17 năm) vẫn đủ tỉnh táo để nhận rằng, ngày đó mình “điếc không sợ súng”. May sao, suốt từ năm 1948 - 1954 trong điều kiện thiết bị sản xuất thô sơ, ở lẫn với nhà dân, xưởng của ông liên tục hoạt động mà không hề gặp sự cố cháy nổ nào (ngày đó tại chiến khu Việt Bắc có một dược sĩ cũng chủ trì việc tinh chế ête mê song phải bỏ dở vì một lần bị cháy nổ). Kiểm chứng lại những việc ông đã làm, có thể nói rằng ông không hề “điếc”. Ý chí tự học, vươn lên nắm bắt kiến thức mới của chàng trai Phạm Thiệp ngày đó là phi thường, cộng với trí thông minh thiên phú nên đã có được nhiều sáng chế có giá trị thực tiễn.

Dược sĩ Phạm Thiệp (ngoài cùng bên phải) cùng anh em trong Phân viện sản xuất ête thời kỳ ở Thái Bình năm 1950.

Dược sĩ Phạm Thiệp (ngoài cùng bên phải) cùng anh em trong Phân viện sản xuất ête thời kỳ ở Thái Bình năm 1950.

Nguyên lý tạo ête mê không quá phức tạp: từ cồn ở một nhiệt độ sôi nhất định, trong môi trường xúc tác axít sunfuaric sẽ chuyển thành ête thô, sau đó loại các tạp chất để có được hóa phẩm tinh. Nhưng thiết kế, chế tạo được một hệ thống chưng cất có tính công nghiệp, trong điều kiện thời chiến thiếu thốn đủ thứ, mà vẫn có được hóa phẩm đủ tiêu chuẩn chất lượng dược quốc tế (Codex) thì là điều không hề dễ dàng. Đến giờ ông vẫn nhớ rõ một ngày đầu năm 1948 thực hiện mẻ chưng cất đầu tiên. Axít chứa vào lọ sành được ngâm trong thùng dầu lạc, đun nhẹ lửa, cồn 90o chảy trực tiếp vào giữa lọ phản ứng, ống sinh hàn bắt đầu hoạt động, giọt thuốc mê đầu tiên lóng lánh chảy vào lọ hứng, tỏa mùi thơm ngào ngạt, ngây ngất lòng người. Vậy là sau đúng 100 năm kể từ khi nhà hóa học người Anh Morton lần đầu tiên điều chế được ête, ở Việt Nam chàng trai 18 tuổi không bằng cấp Phạm Thiệp cũng lặp lại được thí nghiệm đó với thiết bị hết sức thô sơ.

Hệ chưng cất được đặt bên tường đình làng, mỗi tháng ra lò 15 lít sản phẩm, rồi đóng vào các lọ nhỏ 50 mililit gửi ra tiền tuyến. Do quân Pháp liên tục càn quét, phân viện từ Thái Bình phải chạy đến nhiều nơi ở Hà Nam, Thanh Hóa, nhưng việc sản xuất thì mỗi khi đến cơ sở mới đều được khôi phục ngay. Buổi đầu sản phẩm ra lò, đã có được phản hồi từ bác sĩ Hoàng Đình Cầu: “Ête mê của các anh dùng rất tốt, cần làm nhiều hơn nữa để gửi cho các chiến trường khác”. Phân viện tiếp tục cải tiến thiết bị, nâng công suất lên 20 lít/tháng, cung cấp không chỉ cho Liên khu 3 còn tới tận mặt trận Bình Trị Thiên, Thượng Lào, kéo dài nhiều năm đến Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nhớ lại, cùng thời điểm nhóm Phạm Thiệp tại Liên khu 3 chế được ête mê thì ở chiến khu Việt Bắc, bác sĩ Đặng Văn Ngữ và cộng sự là dược sĩ Nguyễn Xuân Tiến cũng lần đầu tiên chế được dung dịch kháng sinh peniciline từ nguyên liệu tại chỗ, phục vụ kịp thời việc chống nhiễm khuẩn vết thương cho thương binh. Đó thực sự là những mốc son quan trọng của ngành dược kháng chiến Việt Nam.

Con ong thợ cần mẫn

Những người cùng thời đã trìu mến gọi ông Phạm Thiệp là “cây” sáng kiến. Quả có thời kỳ nở rộ những sáng kiến của “nhà khoa học chân đất” trẻ tuổi này. Ngay sau khi xưởng điều chế ête mê đi vào sản xuất ổn định, dược sĩ Nguyễn Văn Luận đã hướng ông vào nhiều nghiên cứu thực tiễn khác. Các trạm phẫu cần bột bó xương gãy cho thương binh. Thạch cao lấy từ Trung Lào về, ông Thiệp đã tự nghiên cứu một quy trình sản xuất dùng thuyền tán thuốc Bắc nghiền thạch cao thành bột; rồi đưa vào chảo rang khử nước, ông chỉ cần nhìn chảo sôi là biết “độ bắt” của thành phẩm có đạt yêu cầu hay chưa. Đầu năm 1950, thêm hai “đề tài” là chế thuốc cao Thường Sơn từ bài thuốc gia truyền của người dân tộc thiểu số cấp cho bộ đội chống sốt rét và chế bông y tế thấm nước từ bông tự nhiên. Năm sau có những việc điều chế huyết thanh đẳng trương và ưu trương; điều chế dầu giun từ dược liệu làm thuốc tẩy giun sán; tinh chế dầu gấc được tiền vitamin A làm thuốc bổ...

Hòa bình lập lại, ông được điều về Viện Tiếp tế kiểm nghiệm, Cục Quân y (đặt tại phía sau BV Trung ương Quân đội 108 bây giờ). Trung tá, Viện trưởng Huỳnh Quang Đại biết ông từng là “vua thuốc mê”, lần này giao cho ông nghiên cứu chloroform, một loại thuốc gây mê không cháy nổ. Lại tự mày mò qua sách vở, một thời gian ngắn ông đã hoàn thành đề tài, sản phẩm đủ tiêu chuẩn Codex, được đưa vào sản xuất lớn phục vụ kịp thời cho chiến trường miền Nam. Năm 1959, ông chuyển ngành về Xí nghiệp Dược phẩm 3/2, gặp lại sếp cũ Nguyễn Văn Luận, giờ đã là Giám đốc xí nghiệp. Nhiều việc đang chờ ông. Ngày đó, Trung Quốc viện trợ cho ta loại thuốc bột penicilline đóng chai lớn 1 tỷ đơn vị, làm sao chia nhỏ thành ống tiêm 200 nghìn đơn vị dùng trong điều trị. “Cây” sáng kiến lại có cách làm khá đơn giản với thao tác khéo léo: dùng đèn “khò” vuốt và hàn kín từng đoạn ống tiêm chứa đủ lượng thuốc bột mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng thuốc và không bị cháy. Kết quả là, nhiều triệu liều kháng sinh penicilline được sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế - kỹ thuật cao, thỏa mãn nhu cầu sử dụng ở hậu phương miền Bắc và tiền tuyến miền Nam. Mãi đến năm 1960, ở tuổi 30, ông mới chính thức được bước chân vào giảng đường Trường đại học Dược. Thật tình cờ, luận văn tốt nghiệp dược sĩ cao cấp của ông lại là đề tài về thuốc gây mê chlorophorm mà ông đã từng thực hiện hồi còn ở quân đội, tất nhiên ông đã hoàn thành xuất sắc bản luận văn.

Vừa có bằng dược sĩ, ông được giao ngay nhiệm vụ lên vùng cao phục vụ bà con dân tộc. Ông đã góp phần chấn hưng ngành dược Tây Bắc trong hơn 7 năm trước khi được điều trở lại Hà Nội làm việc tại Vụ Dược chính, Bộ Y tế. Năm 1992 nghỉ hưu, ông dành nhiều thì giờ cho viết sách chuyên môn, đã xuất bản 6 cuốn, trong đó cuốn “Thuốc biệt dược và cách sử dụng” (Viết chung với dược sĩ Vũ Ngọc Thúy) dày gần 2.000 trang khổ lớn, đã tái bản với kỷ lục là 18 lần.

Nhìn lại, ông đã làm được rất nhiều việc khác nhau, thời kỳ sáng tạo nở rộ từ lúc còn trẻ và có được kiến thức uyên thâm về nghề hoàn toàn nhờ tự học. Lạ thay, với nhiều thành công như thế, nhưng suốt quá trình công tác lâu dài ông cũng không nhận được phần thưởng hay sự vinh danh xứng đáng nào! Bao năm, ông chỉ biết thầm lặng, miệt mài làm việc mà không đòi hỏi gì cho bản thân. Ông cũng chưa là đảng viên. Như ông tâm sự, đáng ra năm 1949 ông đã có thể đứng trong đội ngũ của Đảng sau công trình xuất sắc điều chế ête mê, ông cười hiền bảo với người viết bài này: “Chỉ vì mình không khéo đấy thôi”. Có thể ông “không khéo” trong đối nhân xử thế nên phải chịu nhiều thiệt thòi, âu cũng là số phận! Nhưng ông không hề oán thán nửa lời, mà lúc nào cũng cảm thấy thanh thản, cái thanh thản xen chút tự hào của người lính nhiều lần xung trận lập được chiến công.

Ông mãi là con ong thợ cần mẫn luyện nhụy hoa thành mật ngọt dâng đời... 

Phạm Quang Đẩu


Ý kiến của bạn