Hà Nội

Một đời chăm sóc người bệnh tâm thần

29-01-2014 12:18 | Y tế
google news

SKĐS - Chăm sóc người bệnh tâm thần là một công việc vừa khó khăn, vừa vất vả lại không kém phần hiểm nguy. Ấy vậy mà chị - người phụ nữ nhỏ bé trước mặt tôi đã dành trọn cuộc đời mình cho công việc ấy.

Chăm sóc người bệnh tâm thần là một công việc vừa khó khăn, vừa vất vả lại không kém phần hiểm nguy. Ấy vậy mà chị - người phụ nữ nhỏ bé trước mặt tôi đã dành trọn cuộc đời mình cho công việc ấy.

Chị - một người phụ nữ ngoài 50 tuổi, gương mặt ánh lên vẻ từng trải của một người đã qua nhiều gian khổ, vất vả. Bằng giọng nói nhỏ nhẹ, chị nói với tôi rằng chị chẳng biết nói gì về mình, về công việc của mình vì chị thấy nó cũng bình thường như mọi người thôi. Chị là Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh tổng hợp BV Tâm thần Trung ương I  Nguyễn Thị Thảo.

Đến với ngành tâm thần là một sự tình cờ

Cách đây hơn 30 năm, khi chị công tác trong quân đội ở Bắc Giang được 5 năm thì muốn về gần với gia đình, chị gái ruột của chị là điều dưỡng Thơm khi ấy đang làm ở BV Tâm thần Trung ương I đã rủ chị về cùng làm. Mặc dù chưa hiểu gì về công việc mới nhưng nghĩ chị mình làm được thì mình cũng sẽ làm được, nên chị đã đồng ý.

Chị Nguyễn Thị Thảo đang kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân.

Chị Nguyễn Thị Thảo đang kiểm tra huyết áp cho bệnh nhân.

18 năm làm ở Khoa Cấp tính nữ - BV Tâm thần Trung ương I là 18 năm gian khổ, vất vả nhất trong quá trình chăm sóc người bệnh tâm thần của chị. Chị kể, khi ấy mọi cái đều khó khăn, điều kiện kinh tế, sự phát triển của xã hội không được như bây giờ. Hàng ngày chị chăm sóc, phục vụ người bệnh, một sự chăm sóc đặc biệt vì nhiều người không tự ăn uống, làm vệ sinh cá nhân được, chị phải xúc cơm cho bệnh nhân ăn, tắm rửa, cắt tóc... cho họ. Đáp lại, nhiều khi vì bệnh tật người bệnh lại chửi mắng chị rất thậm tệ. Chị tâm sự với người bệnh về gia đình, chồng con, khi lên cơn kích động người bệnh lại lôi cả gia đình, họ hàng, chồng con chị ra chửi. Nhưng càng làm lâu chị càng hiểu nghề và bỏ qua tất cả. Nặng nề nhất là người bệnh tự sát mà đã không ít lần chị từng chứng kiến.

Có trường hợp bệnh nhân nữ rất tỉnh táo bê quần áo xuống nhà vệ sinh rồi vào nhà ăn buộc dây rút thắt vào ghế tự sát, khi phát hiện ra mặc dù đã cố gắng hết sức nhưng các chị không cứu được người bệnh. Trường hợp người bệnh này đã nằm ở bệnh viện lâu năm mà không có ai đến chăm nom, người bệnh rất tỉnh táo, nhưng vô cùng buồn chán và muốn chết mãnh liệt. Bản thân chị đã cứu được 3 trường hợp bệnh nhân tự sát. Một lần khi vừa ăn cơm trưa xong, trước khi thay phiên để ra về, đã thành thói quen bao giờ chị cũng đi xuống các buồng bệnh kiểm tra lần cuối thì phát hiện một bệnh nhân lấy màn treo cổ lên cửa sổ lủng lẳng, chị liền hối hả hạ ngay bệnh nhân xuống, khi ấy chị còn gầy hơn bây giờ, bệnh nhân thì lại nặng hơn 60kg, bệnh nhân đã đái hết ra quần, chị hô hoán gọi anh em trong khoa đến giúp sức, bản thân chị đã cấp cứu bệnh nhân bằng hô hấp nhân tạo, hà hơi thổi ngạt, ép tim... sau khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch thì được chuyển lên tuyến trên để tiếp tục điều trị.

Trường hợp thứ hai là vào một buổi chiều trong giờ trực, chị phát hiện bệnh nhân dùng khăn thắt cổ buộc lên cọc màn, chị hô hoán và cấp cứu bệnh nhân tại chỗ. Trường hợp bệnh nhân này có người nhà ở lại chăm sóc nhưng gia đình giấu bảo bệnh nhân chỉ bị ngất. Bằng kinh nghiệm bản thân, chị biết bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch, nhìn trên cổ bệnh nhân thấy có vết hằn, chị hiểu rằng bệnh nhân đã có hành vi tự sát. Chị đã ép tim cho bệnh nhân, hà hơi thổi ngạt, bóp bóng thở ôxy cứu sống được người bệnh, sau đó chuyển lên tuyến trên tiếp tục điều trị.

Trường hợp thứ ba là một bệnh nhân chán sống, xin về vì thấy bệnh chữa mãi chẳng khỏi. Mặc dù các chị đã động viên an ủi rất nhiều nhưng bệnh nhân đã tìm cách giấu con dao rồi vào nhà vệ sinh cứa cổ tay, máu chảy loang lổ, may mà các chị phát hiện kịp thời, cấp cứu tại chỗ, khâu ép, truyền dịch. Bệnh nhân sau khi tỉnh lại ra viện cứ cảm ơn các chị mãi vì đã cứu sống lần thứ hai.

Chị cho biết, bệnh nhân tâm thần nhiều người có ý định tự sát, đó là đặc điểm của bệnh, bệnh nhân nào phát hiện sớm thì còn cứu được. Người bệnh tâm thần có khi chỉ cần một tích tắc, quay lại họ đã có những hành vi bất thường, đầu óc họ mình không biết suy nghĩ gì, bệnh nhân lên cơn kích động vớ được dao hay bất cứ đồ vật gì là có thể đâm người khác hoặc làm tổn thương chính bản thân mình. Áp lực công việc khá nặng nề, nhất là những đêm trực. Chị nhớ lại có những đêm trực các chị có 4 người, đôi khi là nữ cả, có bệnh nhân vào viện ban đêm trong cơn kích động, 4 người không khống chế được, các chị phải huy động anh chị em nhân viên khoa khác sang giúp sức. Người cầm tay người cầm chân để cố định bệnh nhân không cho bệnh nhân la hét, đập phá, kích động, lôi kéo các bệnh nhân khác giữa đêm. Nhiều bệnh nhân chán sống, nằm lâu gia đình không đến thăm nom động viên, nhiều gia đình bỏ rơi người bệnh, nhiều người bệnh muốn chết nên có những hành vi như cắt tay, treo cổ, hủy hoại bản thân, giấu dao, dây rợ, thậm chí bật lửa để đốt... vì vậy nhiệm vụ của điều dưỡng các chị là phải luôn theo dõi để phát hiện và ngăn ngừa. Trong các đêm trực, 15 phút các chị lại đi tua một lần xem bệnh nhân ngủ hay thức. Có nhiều trường hợp chị vừa đi xuống buồng bệnh kiểm tra không thấy gì, người bệnh rình, chờ chị đi lên là lấy dây quần, dây màn, lấy ống quần thắt cổ... Cũng có trường hợp người bệnh được bệnh nhân bên cạnh phát hiện và được các chị cấp cứu kịp thời.

Vì là một chuyên khoa đặc biệt nên chị nhiều lần bị bệnh nhân túm tóc, giật tóc, rồi có khi đang xúc cơm cho bệnh nhân thì bị người bệnh hất cả thức ăn vào mặt. Vì luôn coi người bệnh như người thân, ruột thịt nên chị mới chăm sóc, quản lý được họ.

Lại có những trường hợp bệnh nhân bị nghẹn thức ăn nguy hiểm đến tính mạng. Chị đã hai lần chứng kiến bệnh nhân chết vì nghẹn bánh chưng, nhất là những bệnh nhân có tuổi, bị rối loạn ăn uống tâm thần. Người nhà vào thăm nom cho quả chuối hay cái bánh, bánh chưng... Người bệnh ăn vội, thậm chí cướp bánh của người bệnh khác và bị nghẹn bánh chưng ở cổ họng, rồi tử vong không cấp cứu được. Có trường hợp bệnh nhân cao tuổi bị nghẹn do ăn đậu phụ, các chị phát hiện kịp thời và cứu được.

Những trường hợp bệnh nhân trốn viện, cả đêm trực các chị phải đi tìm, vì để họ ra ngoài rất nguy hiểm cho chính bản thân họ và những người xung quanh. Có những đêm tìm người bệnh cả đêm ở khắp nơi mà không thấy đến sáng lại thấy họ mò về. Trước đây BV còn chưa có rào chắn kiên cố nên bệnh nhân có thể trèo ra ngoài được. Hơn nữa bây giờ thuốc tốt hơn, trình độ hiểu biết về bệnh của người dân đã được nâng lên, vì vậy người bệnh thường được phát hiện sớm và được chữa trị kịp thời nên những trường hợp bệnh nhân tự sát, lên cơn kích động, trốn viện... đã được giảm. Chị cho biết, hiện nay các trường hợp vào viện liên quan đến chất nghiện nhiều, người bệnh giấu ma túy, cần sa, ma túy đá... nên các chị phải theo dõi và phát hiện kịp thời.

Hơn 30 năm chăm sóc bệnh nhân tâm thần, chị tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, với chị chỉ cần nhìn bệnh nhân là chị có thể đoán biết được bệnh nhân này có ngấm thuốc hay không, bệnh nhân kia sắp lên cơn kích động... Chị bảo mình vẫn phải luôn luôn học hỏi vì mỗi thời lại đòi hỏi người điều dưỡng tâm thần những kỹ năng, kinh nghiệm phù hợp với các trường hợp người bệnh thời đó.

Chồng chị cứ nói với chị rằng, làm lâu năm trong ngành tâm thần tính tình khác thời trẻ nhiều, hay cáu gắt, nói to... chắc là ảnh hưởng của nghề nghiệp. Chị tâm sự, làm lâu rồi cũng thành quen, chị cũng chẳng có cơ hội nào khác mà lựa chọn ngành nghề. Chị về đây rồi, hàng ngày chị vừa đi làm vừa đạp xe lên BV Bạch Mai học điều dưỡng, sau 18 năm làm điều dưỡng ở Khoa Cấp tính nữ, chị được chuyển sang Khoa Nhi làm Điều dưỡng trưởng, chị đi học làm quản lý. Gần đây, chị chuyển sang khoa này.

Động lực để vượt qua

“Nói thế thôi chứ ở đâu cũng có niềm vui nỗi buồn chứ không phải ở BV tâm thần toàn điều buồn. Như vậy thì làm sao mình sống được. Cứ nhìn những bệnh nhân khỏi bệnh ra viện, bình phục là mình lại thấy vui, niềm vui thật khó tả. Mỗi lần như vậy lại là động lực giúp mình vượt qua những khó khăn, gian khổ của một chuyên ngành đặc biệt. Gia đình mình, chồng con mình cũng động viên, tạo điều kiện cho mình yên tâm công tác” - chị Thảo chia sẻ. Nhận xét về chị, BSCKII. Nguyễn Đăng Luyện, Phó Trưởng khoa Khám bệnh tổng hợp BV Tâm thần Trung ương I cho biết: “Thảo là một cán bộ cần mẫn, chịu khó, tính tình lại kiên nhẫn, nhẹ nhàng. Ở Thảo hội đủ những tố chất của một điều dưỡng tâm thần, vì với bệnh nhân tâm thần phải hết sức kiên nhẫn, nhẹ nhàng thì họ mới nghe mình được. Không những làm tốt công việc của một điều dưỡng trưởng mà Thảo sẵn sàng làm thay công việc của một điều dưỡng khi cần không chút nề hà, chính điều này khiến anh em điều dưỡng nhìn vào và buộc họ phải làm tốt công việc của mình hơn. Quản lý hơn hai chục điều dưỡng trong khoa, Thảo luôn là hạt nhân đoàn kết anh em điều dưỡng, phối hợp nhịp nhàng với các bác sĩ trong quá trình chăm sóc, điều trị và quản lý người bệnh tâm thần. Thảo là một người làm việc hết mình với tinh thần trách nhiệm cao. Tôi có may mắn được cùng làm việc với Thảo khi Thảo còn làm ở các Khoa Cấp tính nữ, Khoa Nhi và nay là Khoa Khám bệnh tổng hợp. Ở đâu, trên cương vị nào, tôi đều thấy Thảo luôn là một cán bộ hết lòng vì công việc, vì người bệnh”.

Mong được cống hiến nhiều hơn

Suốt hơn 30 năm công tác, năm nào chị cũng được bình bầu là cá nhân xuất sắc, chị được tặng Huy hiệu 30 tuổi Đảng, Huy chương Vì sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, Giấy khen về Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và nhiều giấy khen khác. Chị có hai con, cháu lớn làm ở BV Bưu điện, cháu bé cũng làm ở đây. Mong ước giản dị của chị là chuyên ngành tâm thần được phát triển hơn, xã hội quan tâm hơn đến chuyên ngành đặc biệt này để các chị được cống hiến nhiều hơn.       

Bài, ảnh: Mai Hương

 


Ý kiến của bạn