Một doanh nhân luôn vì chữ tín

02-05-2011 08:20 | Xã hội

Thâm trầm, kiệm lời; khuôn mặt đôn hậu nhuốm màu khắc khổ; mục quang ôn hòa thanh tĩnh; miệng như chữ tứ phơi lộ đức độ trung nghĩa, trung tình… Ấy là mấy nét chấm phá chân dung doanh nhân Ðỗ Thế Thái, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thái Sơn.

Thâm trầm, kiệm lời; khuôn mặt đôn hậu nhuốm màu khắc khổ; mục quang ôn hòa thanh tĩnh; miệng như chữ tứ phơi lộ đức độ trung nghĩa, trung tình… Ấy là mấy nét chấm phá chân dung doanh nhân Ðỗ Thế Thái, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thái Sơn.

Nhưng mấy ai biết hết, con người bình dị ấy đã từng đón nhận về mình những vinh danh cao quý: Doanh nhân người lính thời bình, Doanh nhân tiêu biểu; từng nhận: Cúp doanh nhân thời hội nhập, Giải thưởng Sao vàng Đất Việt do Chủ tịch nước trao tặng… Cái mà người dân nơi ven trời Tây Bắc - Điện Biên, Lai Châu biết nhiều về Đỗ Thế Thái lại là ý chí vượt khó và luôn lấy chữ tín làm đầu.

 Giám đốc Đỗ Thế Thái.
Từ cách gom góp nguồn lực

Cơ chế mở của Nhà nước bung ra, ý chí làm giàu của Đỗ Thế Thái trỗi dậy. Đang làm việc ở Xí nghiệp Xây dựng số 1 tỉnh Lai Châu, anh xin nghỉ. Năm 2004, Thái đứng ra lập doanh nghiệp tư nhân Thái Sơn (Sơn là con trưởng). Ngành nghề kinh doanh Thái Sơn chọn là xây dựng dân dụng và các công trình thủy lợi nhỏ. Ngày ấy vốn huy động vót vét chưa đầy 800 triệu đồng nên cách làm cũng cò con theo kiểu “mèo nhỏ bắt chuột nhỏ” với những công trình lặt vặt, quẩn quanh nơi đất huyện Sìn Hồ. Không chịu cảnh tự bó mình, năm 2006, Thái Sơn bứt lên lập công ty một thành viên, mang tên Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thái Sơn; trụ sở chính tại phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ; vốn điều lệ xấp xỉ 46 tỷ đồng.

Bước ra “biển lớn”, địa bàn lập nghiệp trải rộng cả hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Ngành nghề kinh doanh đa dạng từ xây dựng nhà ở, công sở, công trình giao thông, thủy lợi tới việc kinh doanh nhà hàng, khách sạn, xăng dầu… Tất cả đều cần tới chữ tín. “Có lòng tin là có tất cả. Mất lòng tin là mất tất”. Lời ấy của cổ nhân ngấm sâu vào máu thịt Đỗ Thế Thái. Cho nên hết thảy 96 lao động chính quy của Công ty cũng như trên dưới 700 lao động thời vụ, ngay từ khi nhập cuộc đều được Thái cùng lãnh đạo cấp ủy Đảng tới những người phụ trách các đơn vị, các công trình quán triệt… Giọng trầm đậm khơi lên từ gan ruột, Thái bảo:

- Tố chất phải có của người đứng đầu dù cương vị to hay nhỏ, ở đâu cũng vậy, phải có đức độ của người đứng mũi chịu sào, phải có bổn phận giáo dục, thuyết phục, định hướng cho nhân viên của mình về lẽ sống, về  đức đạo của người làm kinh tế: Làm đúng – Làm đủ - Làm thật thà; họ phải là những người có ý thức cao nhất trong công việc xây dựng, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của xã hội. Cán bộ lãnh đạo, làm việc trong Công ty nhất thiết phải có chương trình, kế hoạch, lịch trình từng quý, từng tháng, thậm chí từng tuần; phải thực hiện chặt chẽ quy chế giám sát, kiểm tra, báo cáo!... Những cán bộ, nhân viên ở diện chính quy của Công ty được xác định làm việc lâu dài, ngày một tốt hơn nên hằng năm Thái Sơn thường cho từ 2 - 3 người đi học đại học; được học hỏi nâng cao tay nghề, được bồi dưỡng kết nạp Đảng… Bởi thế, chỉ một năm dấn sức vào công việc thi công các công trình: đường liên tỉnh liên huyện khép kín; hồ chứa nước tưới tiêu ở các xã vùng xa vùng sâu; các công trình xây dựng nhà cấp III, cấp IV ở 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên được nghiệm thu khiến thương hiệu của Công ty Thái Sơn nhanh chóng được khẳng định… Nhưng rồi, suy thoái kinh tế toàn cầu lan tới suốt những năm 2007 - 2008 khiến các công trình đang thi công xây dựng trở nên trì trệ, đồng tiền khan hiếm, nhiều khoản mục công trình phải  đắp chiếu chờ tiền, chờ vật liệu năm nọ tới năm kia. Bị “dội nước lạnh”, Thái cảm thấy đuối đi về năng lực quản lý. Ý nghĩ đi tới hay dừng lại đôi lúc lởn vởn trong đầu Thái. Những khi ấy, cái nghèo cái khổ thời bao cấp của những năm đầu thập niên 80 trỗi dậy như cố ý lục lọi trí nhớ của Thái. Ngày ấy, vợ chồng Thái phải bán chiếc xe đạp duy nhất cho tới cả chiếc giường nằm của gia đình, về Hà Nội để cậy nhờ Viện Nhi Thụy Điển cứu lấy con… Ý nghĩ đi tới bừng lên. Cuộc sống không cho Thái trở lại đói nghèo. Vả lại, cả mấy trăm lao động đang trông vào công ty, trông vào nghị lực của người giám đốc. Tố chất của nhà doanh nghiệp, bản lĩnh của người lính thời bình bừng thức trở lại. Thái tìm đến các nhà doanh nghiệp đi trước để học hỏi. Xăm xả tìm dự án, xăm xả tham gia đấu thầu theo phương châm: Lấy chữ tín làm đầu, cốt sao có công ăn việc làm sớm nhất cho người lao động!

Ngày ấy Thái Sơn đã cạnh tranh quyết liệt để thắng thầu Công trình Thủy lợi hồ chứa nước La Hương ở xã Mường Nhà, Điện Biên, dung tích chứa 1 triệu m3. Giá thầu trọn gói, chủ công trình đưa mức 28 tỷ đồng; Thái Sơn thắng vì trả giá thấp nhất: 24 tỷ đồng. Nhưng cái thắng lớn nhất của Công ty Thái Sơn là thực hiện thi công công trình đạt cả 3 yêu cầu lớn: tiến độ, chất lượng và hiệu quả. Cho dù tính chi ly thì công ty không có thu.

Cuối năm 2008, Thái Sơn bước vào thời phát đạt. Người ta tin vào Thái Sơn. Và Thái Sơn thắng liên tục với cả chục gói thầu, từ xây dựng nhà công sở cho các sở, ban, ngành; làm đường giao thông liên huyện, liên tỉnh đến việc làm hồ, xây kè thủy lợi. Doanh thu trung bình hằng năm của công ty tới 80 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động, không kể thưởng ở mức 4 triệu rưỡi/1 người/1 tháng.

Cuộc chuyện đang sôi động, tự dưng Thái khựng lại. Nét trầm buồn hiện trên khuôn mặt. Giọng nhỏ lại như có ý chỉ để riêng mình tôi biết:

- Bão giá đang đánh vào chúng tôi. Trăm bề khó khăn đang ập xuống đầu doanh nghiệp. Mưa nắng thất thường, giá nguyên vật liệu tăng vù vù như thổi. Nhiều công trình làm xong nhưng không quyết toán nổi. Có quyết toán được thì cũng bí bách nhiều khâu, không sao mà lấy nổi tiền. Vốn của chúng tôi có hạn nên cũng không dám liều mãi. Các công trình thi công dở dang thì phải cố thôi! - Giọng thủng thẳng, Thái kể: Nói chỉ để các anh biết, đừng nêu tên họ làm gì, chắc là họ cũng khó như mình. Đời thuở nào, công trình xây kè có vốn 28 tỷ đồng, đã hoàn thành 90% mà vốn mới ứng 3 tỷ đồng. Tương tự, một đơn vị của bộ nọ, công trình chúng tôi xây dựng với tổng vốn 140 tỷ, đã thực hiện 60%, ấy vậy mà cũng mới ứng vài chục tỷ. Cho nên chúng tôi muốn “vượt” cũng là chuyện khó. Khi ấy, công ty vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Nhưng thôi, dẫu sao thì cũng là bài học sống để mình khôn lên từ công việc. Phải can đảm mà đi tới!

Ðến trách nhiệm với người lao động và xã hội

Hỏi chuyện riêng tư, Thái bảo: Kể cũng lạ, trước đây, khi lâm cảnh con cái bị trọng bệnh, cảnh nhà gieo neo, túng bấn, phải bán tất cả những gì bán được gom nhặt từng hào từng xu để cứu chữa lấy con, thế nhưng chẳng khi nào nghĩ mình sẽ nghèo mãi. Âu cũng bởi gốc quê Quang Ngọc, Quảng Xương, Thanh Hóa vốn chẳng xênh xang gì. Cũng bởi bố đẻ là bộ đội Cụ Hồ, còn Thái cũng từng là lính quân xanh bảo vệ biên giới, rồi từng trải với công việc ở Lâm trường Sa Dề Sìn, với nghề xây dựng của Lai Châu… tất cả đồng tiền có được đều ở sức lao động chân chính. Cũng tại Thái có sức và có chí, học hành đến đầu đến đũa. Cũng nhờ Nguyễn Thị Huyền, hiện là Bí thư chi bộ công ty luôn một lòng đồng hành với Thái, tự tin trong công việc, làm việc vì nghĩa vụ, biết nhường trên sẻ dưới!

Điều dễ thấy ở Giám đốc Thái Sơn là luôn luôn tạo nền tảng để Chi bộ Đảng nâng cao vai trò lãnh đạo; để Công đoàn, Chi đoàn hoạt động. Thái bảo: Người lao động cơ bắp ở công ty anh chiếm tới hơn 80% nên hoạt động thể thao, văn hóa văn nghệ, giao lưu, giao hữu giữa các đơn vị từ lâu đã thành nếp sống, thành tiêu chuẩn thi đua của đơn vị. Cũng nhờ xây dựng được sự đồng thuận, cởi mở trong cuộc sống lao động nên việc quản lý con người trở nên dễ dàng. Suốt từ ngày thành lập tới nay, công ty không hề có người mắc tệ nạn xã hội. Và công ty cũng chưa hề có công trình nào bị kiện cáo về chất lượng thi công.

Thái Sơn là công ty không lớn, tiền chưa nhiều, nhưng tình người thơm thảo luôn tỏa sắc hương. Năm nào Thái sơn cũng dành phần tiền đáng kể hỗ trợ các cháu học sinh dân tộc nghèo, giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sĩ gặp khó khăn ở 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu. Mới rồi công ty tặng Trường Mầm non xã Ba Tầng, huyện Điện Biên 150 triệu đồng; trao tặng 30 triệu đồng hỗ trợ cho những người bị chất độc da cam ở tỉnh Thái Bình… Chia tay Thái, tôi hỏi:

 - Đâu là phẩm chất cần có của chủ doanh nghiệp?

Thái đáp gọn gàng:

- Đam mê và nhiệt tình với công việc của mình. Hãy làm tất cả để tạo dựng niềm tin, để giữ lấy chữ tín!...

Điện Biên - Cuối mùa ban nở - 2011

Ghi chép của Nguyễn Uyển


Ý kiến của bạn