Vũ Đình Long không chỉ là tác giả của vở kịch khai trương nền kịch nghệ Việt, ông còn là một trong những người có công du nhập văn hoá châu Âu vào VN và là nhà kinh doanh xuất bản ngoại hạng. Ngày 21/8 vừa qua, hội thảo về Vũ Đình Long đã được Hội nhà văn Hà Nội và UBND huyện Thanh Oai, Hà Nội tổ chức tổ chức nhân kỷ niệm niệm 115 năm sinh và 50 năm mất của ông.
Cạnh đó, người ta cũng không thể quên Vũ Đình Long như một nghiệp chủ, một doanh gia trong lĩnh vực báo chí xuất bản, người đã dựng nên Tân Dân thư quán ở 93 Hàng Bông, Hà Nội, trong những năm 1924-1954, từ một hiệu sách đã phát triển thành một cơ sở in ấn, một tòa soạn báo và trụ sở nhà xuất bản tư nhân khá lớn, góp phần đáng kể tạo nên một đời sống văn nghệ náo nhiệt ở Hà Nội, ở miền Bắc và có tiếng vang rộng khắp cả nước trong những năm 1930-1945.
Có thể đoán rằng việc ông chủ Tân Dân, từ công việc đơn thuần bán sách đi đến việc tự mình đứng ra in sách là việc không gặp nhiều khó khăn trong đời sống thời ấy. Vũ Đình Long đã tạo ra được một doanh nghiệp văn hóa mà tại đó, hàng loạt nhà văn, nhà biên khảo, dịch thuật có thể công bố những tác phẩm của mình; trong số những tác giả xuất hiện và được công chúng biết đến nhờ hệ thống ấn phẩm của Tân Dân thư quán đã có hàng loạt những người sau đấy đi vào văn học sử như là những tên tuổi lớn như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, Vũ Bằng, Nam Cao, Tô Hoài… Về mặt này, “thương hiệu” Tân Dân của doanh gia Vũ Đình Long có quyền tự hào về đóng góp của mình trong sự thành đạt của những tên tuổi ấy, mặc dù về tư cách người cầm bút, Vũ Đình Long đã có vinh dự là tác giả vở kịch nói đầu tiên ở Việt Nam.
Các ấn phẩm mang tính báo chí của Tân Dân thư quán
Tân Dân thư quán của Vũ Đình Long đã xuất bản một loạt những ấn phẩm mang tính báo chí, nhưng chỉ là tuần san, bán nguyệt san, nguyệt san và chỉ là báo chí văn học nghệ thuật.
Ngoài ra căn cứ vào sách còn lưu tại Thư viện Quốc gia ở Hà Nội, có thể thấy Tân Dân thư quán có sách in từ năm 1925; cuốn sách cuối cùng Tân Dân in ra là vào năm 1954.
Tân Dân có 3 ấn phẩm báo chí thực sự, đó là Tiểu thuyết thứ bảy (1934-1945), Ích hữu (1936-1937), Tao đàn (1939-1940).
“Tiểu thuyết thứ bảy” là tuần báo ra ngày thứ bảy hàng tuần, số 1 ra ngày 2/6/1934, đăng truyện dài (tiểu thuyết), truyện ngắn, kịch bản, đôi khi đăng cả thơ và tiểu luận phê bình. Nhiều nhà văn như Nguyễn Công Hoan, Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tô Hoài… có rất nhiều tác phẩm công bố trên tuần báo này. “Tiểu thuyết thứ bảy” cũng đóng vai trò tích cực tranh đấu cho “thơ mới” từ lúc phong trào mới khởi phát.
Ích hữu (110 số, từ 25/2/1936 - 30/3/1938): ra thứ ba hàng tuần, là loại báo phục vụ nhu cầu giải trí của cư dân đô thị vốn khá đa dạng về nhu cầu đọc và hiểu biết, do sự đa dạng về thành phần và lứa tuổi. Mỗi số Ích hữu có khá nhiều loại bài mục; có những bài mục “nhàn đàm”, “hài đàm” luận bàn về nhân tình thế thái; có mục dạy chữ Nho… nhưng Ích hữu cũng chỉ ra được đến số 110 (30/3/1938) rồi ngừng hẳn.
Tao đàn (16 số, từ tháng 3/1939 đến tháng 2/1940): được đánh giá là tạp chí hay nhất trong số các tạp chí văn học trước 1945. Một dạo, ông chủ Tân Dân bị một số bậc tên tuổi trong giới nhắc nhở đã quá thiên về việc in sách kiếm tiền; ông bèn tự điều chỉnh bằng việc xuất bản một ấn phẩm chỉ hướng đến cái hay, cái đẹp của văn nghệ, đấy là tờ Tao đàn; nhà văn Lan Khai được giao làm chủ bút; một số khá đông các nhà văn đã tạm gạt các mối bất hòa riêng sang một bên, góp những bài vở hay nhất của mình cho Tao đàn; Tao đàn ngừng xuất bản từ 2/1940.
Sách dưới dạng báo
Bên cạnh loại sách được xuất bản theo chuẩn mực thông thường, Tân Dân thư quán còn xuất bản hàng trăm cuốn sách dưới dạng nguyệt san, bán nguyệt san như Phổ thông bán nguyệt san, Phổ thông chuyên san, Truyền bá, Phổ thông Tuổi trẻ - đây có lẽ là khu vực tạo nên thành công vào loại lớn nhất của Tân Dân, đứng đầu về số lượng sản phẩm đã đưa ra cho công chúng.
Về mấy ấn phẩm báo chí đích thực của mình (Tiểu thuyết thứ bảy, Ích hữu, Tao đàn), rõ ràng Tân Dân không thể so đọ với các doanh nghiệp làm nhật báo (Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn, Hà Thành Ngọ báo…) hoặc với một số tạp chí được nhà nước thực dân bảo trợ (Nam phong) nhưng Tân Dân quả là nổi bật do lượng sản phẩm dồi dào, đông đảo những cây bút chuyên nghiệp.
Tóm lại, bên cạnh vinh quang là tác giả vở kịch nói đầu tiên được công diễn ở Việt Nam, Vũ Đình Long còn có vinh dự là một doanh gia mà hoạt động kinh doanh báo chí và xuất bản đã là điểm tựa cho sự phát triển mạnh mẽ của văn học nghệ thuật của xã hội người Việt suốt trên dưới 30 năm tồn tại của doanh nghiệp mình.
Lại Nguyên Ân