Tôi đang trên đường từ Zurich Thụy Sĩ xuống phía Nam. Xe vượt qua dãy Alpes sang nước Ý bằng leo đèo và chui hầm. Nhiều hầm lắm. Chui hầm thì khỏi phải đi vòng vèo. Nhưng đầu tư cho những hầm khoan qua núi đá, có hầm dài tới mười bảy cây số, mỗi bên hai, ba làn xe chạy tốc độ cao, hẳn tốn nhiều công của. Cả một vạt lục địa phía Tây châu Âu này, các nước trong cộng đồng châu Âu đều bỏ công lớn làm đường. Giao thông ở Thụy sĩ rất lý tưởng. Đường qua núi mà êm ru, thông thoáng. Tốc độ luôn duy trì trên 100km/giờ. Đường lên cao dần. Chỗ đỉnh đèo tuyết tháng tư còn dày lắm. Có chỗ xe chạy trong mây, đèn vàng rọi trong mù sương dày đặc.

Ngồi ở đoạn đường dưới thấp ngó thẳng lên đoạn đang chạy trên cao, thấy những cột bê tông chênh vênh ngất ngưởng đứng đỡ mặt đường nối hai sườn núi mà hình dung công sức, nghị lực và trí tuệ con người đã đổ ra cho đường vượt qua dãy Alpes, từ thế kỷ XIII đến nay. Thật khổng lồ. Qua đỉnh, đường xuống dần mở ra một thung lũng rộng có hồ nước lớn: thành phố cao nguyên Logano ngót ngàn cây số cao so với mặt biển. Hồ nước mang tên thành phố, hồ Logano, rộng như vịnh biển, chiếm gần hết thung lũng, phố xá, nhà cửa, công viên... dồn hết vào chân núi xung quanh hồ. Rồi phố xá từ chân núi bò lên lưng chừng núi. Có chỗ, tít trên đỉnh ngọn núi cô quạnh cụm nhà dăm ba nóc. Chắc là nơi ở của những tỉ phú bởi tiền làm đường xe hơi lên tới đó không nhỏ. Thành phố núi đúng theo nghĩa đen. Nhà gắn vào vách núi như cảnh ở non bộ. Nền nhà phía sau ngang mức với nóc nhà phía trước. Càng lên cao càng nhiều biệt thự đẹp. Có những dãy phố hẹp, đường dốc đứng, chỉ dành cho người đi bộ. Mặt đường lát đá, một phía xây thành bậc, phía bên kia cứ để dốc. Các hàng quán, tiệm ăn, quán rượu xinh xắn, lấp loáng bàn ghế, vách kính hoa tươi kề nhau hai bên đường. Náo nhiệt mà ngăn nắp. Rất thành phố trong các lớp lang tiện nghi, sắp đặt thẩm mỹ nhưng lại phảng phất không khí chợ quê hồn nhiên, tự phát với các mặt hàng thủ công tinh xảo hoặc thổ mộc rất có duyên. Các đồ kỷ niệm khá bắt mắt, gọn nhẹ có điều không hề rẻ.

Thành phố chân núi Alpes giáp Ý
Lang thang trong các phố đi bộ ở Logano luôn luôn bất ngờ về người, về cảnh, về cung cách kiếm sống: khi một tốp đàn hát, một đám xiếc rong, một người tạo dáng tượng bất động bên hè. Tôi toan đứng cạnh tượng làm kiểu ảnh, thấy tượng chớp mắt, mới nhận ra cái hộp để ngỏ đựng tiền xu dưới chân ông. Có chỗ khách ngồi quanh bàn gỗ thông, kê ngoài trời, uống bia trong những cốc vại, bọt bia dính trên ria mép, nhưng tiếng trò chuyện chỉ rì rầm. Hai phụ nữ cao lớn, nét mặt rất Ý, mặc đồ đen, hút thuốc lá, người ngồi người đứng đang say chuyện trước một cửa hiệu nữ trang như không trông thấy ai quanh mình. Một ông Tây lưng đeo balô, tay đẩy xe nôi. Trong xe, thằng cu con ngồi, con chị nó đứng trên thanh ngang sau xe như chú hầu xe ngựa quý tộc thời xưa.

Dãy phố dốc ở Logano
Trời đã vào chiều, chúng tôi lên xe sang Ý. Thật ra ở đây, lãnh thổ Thụy Sĩ nhưng đã như đất Ý rồi. Người ta giao tiếp bằng tiếng Ý, viết chữ Ý, nét người, y phục cho đến hàng hóa...Ý nhiều lắm. Xe chạy men theo hồ mà sang Ý. Đường hẹp, xe đi hai chiều. Mỗi chiều chỉ một làn xe. Đến một chỗ, xe chạy chậm lại, khoảng cách nhau dãn ra. Một xe cảnh sát ven đường và vài ba cảnh sát vẫy tay cho xe tiến lên. Xe qua rồi tôi mới biết đấy là điểm hải quan biên giới của tuyến đường này. Biên giới chỗ này đi ngang theo hướng Đông Tây, cắt ngang lưng hồ Logano, đẩy nửa hồ vào lãnh địa Ý. Hai phía đường nhựa rải liền mạch như nhau. Bây giờ nhiều nước láng giềng đã bỏ thủ tục thị thực (visa) nhưng cũng phải trình căn cước đăng ký xuất nhập. Ở đây thì việc đó cũng tinh giản. Tất cả ngồi nguyên trên xe.
Tách khỏi hồ Logano chúng tôi lại men theo hồ Como của Ý. Como cũng là một hồ lớn, chảy dài theo hướng Bắc Nam, có thành phố Como ở đỉnh phía Nam. Quanh hồ là các thành phố và làng sơn cước. Gọi là làng nhưng hóa phố cả rồi. Đường xe hơi đến được từng nhà trong xóm. Nhà dân đã thành khách sạn, nhà trọ đón khách du lịch. Làng du lịch cao dần từ chân núi lên đỉnh nên ở nhà nào khách du lịch cũng ngắm được cảnh hồ, cảnh núi. Đường xe chạy trong làng là đường ngang sườn núi, xe chạy dích dắc lên cao từng cấp. Còn đường đi bộ thì len giữa các tầng nhà hình thành nên các ngõ dốc đứng, tường đá, nền đá, cheo leo và bất ngờ, rất gợi cảm. Cứ thế, lên tận đỉnh núi. Chiều đó tôi đi dạo theo đường xe chạy trong làng bất ngờ gặp một tấm biển hai ngữ, tiếng Ý tiếng Anh: Nơi đây, 4g10 chiều ngày 28 tháng 4 năm 1945 quân kháng chiến Ý đã chấm dứt chế độ phát xít, xử tử Benito Mussolini. Tấm biển treo ngoài rào một căn biệt thự có tường chấn song bao quanh. Đang tháng tư cây trong vườn và bờ rào um tùm hoa lá. Bên trái cổng sắt biệt thự có ảnh Mussolini và người tình Claretta Petacci. Bên phải là một hình chữ thập đắp nổi, sơn đen mang hai dòng chữ màu vàng 28-4-1945 Benito Mussolilni. Như vậy, hồ Como tôi đi ngang qua ngày hôm qua chính là nơi Mussolini và người tình Claretta bị du kích Ý phát hiện và bắt giữ; hôm đó là ngày 25/4/1945. Đêm trước, đêm tự do cuối cùng, Mussolini trú trong nhà một người chăn cừu ở xã Grandrola giáp Thụy Sĩ. Hôm sau, trên quốc lộ Regina, gặp một nhóm lính Đức, ông ta cải trang thành đồng đội của họ và nhập bọn. Du kích Ý bắt cả bọn ở một địa danh là Dongo trên bờ tây của hồ. Một du kích nhận ra Mussolini. Ông ta được mang lên xe chở đi ngay. Giam trong nhà dân vùng này. Luôn đổi chỗ giam. Cuộc đại chiến thế giới đang vào hồi kết. Phát xít Ý tan rã và Hitler đang ở thế cùng đường, bị vây bắt ở Berlin. Tối ngày 27, Mussolini bị giam ở Benzanigo, trong nhà một nông dân. Buổi chiều ngày hôm sau, 28, Mussolini và Cleretta bị giải đến đây, làng Mezzegra bên hồ Como. Đài Phát thanh Milan giải phóng tối đó đưa tin Mussolini và người tình bị xử tử ở đây. Xác ông ta và Claretta (cùng 16 tội phạm chiến tranh nữa) mang treo ngược, bêu ở Milan.

Hồ Logano
Chiều hôm ấy, 20/4/2014, thiếu một tuần nữa là vừa trọn 69 năm, tôi đứng lặng trước cánh cổng căn nhà từng là pháp trường thi hành án một trong ba tội phạm lớn nhất của thế chiến thứ hai, hình dung lại những ngày tháng điêu linh ấy của toàn nhân loại: Liên Xô mất 20 triệu người, Đức: 9,7 triệu, Ba Lan hơn 6 triệu, Nam Tư: 1,6 triệu, Pháp trên nửa triệu, Ý: dưới nửa triệu... Những con số rùng mình. Vùng này của nước Ý ngày nay đã thành miền du lịch của toàn thế giới. Nhiều nhà giàu của châu Âu đến đây mua biệt thự lưng núi, biệt thự quanh hồ làm nơi nghỉ hàng năm. Núi hồ mơ mộng thanh bình yên ả quá. Quả thật khi đến đây, một chuyến ngao du ngẫu nhiên, tôi không hề nghĩ chút nào đến Mussolini hay thế chiến. Bầu trời, núi, đồi, hồ nước, nhất là khí hậu đang xuân này có lẽ vẫn như xưa, như tháng cái tư năm ấy. Những xóm nhà của cái làng du lịch này khi ấy thế nào? Có thể tiêu điều vì chiến tranh. Nhưng con đường thì chắc cũng vẫn con đường này. Con đường chở Mussolini đến, ông ta bước xuống, đứng ở quãng nào nhỉ, đối diện với những người du kích, những người dân Ý và đền tội? Mười ngày sau, 7/5/1945, lò lửa cuộc thế chiến thiêu đốt nhiều chục triệu sinh mạng con người, được giập tắt. Bàn tay tôi hôm nay, ngẫu nhiên, chạm phải một nắm tro đã nguội lạnh của nó: ngôi làng nước Ý Giulino Mezzegra. Tro đã nguội nhưng ký ức của những ai qua đây, qua căn nhà này, đọc tấm biển này, chắc sẽ còn trào lên, rát bỏng.
Hà Nội, 26-12-2014
VŨ QUẦN PHƯƠNG