Hôm đó cũng như bao ngày khác, tôi ngồi khám bệnh chuyên khoa tại khoa khám bệnh của một bệnh viện cũng có tiếng. Thường trong một phòng khám tai mũi họng như của chúng tôi bao giờ cũng có một bác sĩ khám và một điều dưỡng viên. Bác sĩ khám bệnh, giải thích cho người bệnh và kê đơn hướng dẫn cách dùng thuốc còn người điều dưỡng sẽ hướng dẫn đảm nhận công việc gọi bệnh nhân, hướng dẫn bệnh nhân tư thế ngồi khám... Lượng bệnh nhân ngày hôm đó cũng khá đông, mới 7 giờ 30 sáng mà số bệnh nhân khám của phòng đã lên đến số thứ tự 20. Vì là bệnh viện của một trường đại học nên mỗi buổi khám đều có các đối tượng sau đại học học lâm sàng tại phòng khám. Buổi khám diễn ra suôn sẻ với 10 bệnh nhân đầu tiên. Khi đến lượt bệnh nhân thứ 11, đột nhiên có một người phụ nữ trung niên (chưa đến lượt) lao vào cùng, nói oang oang yêu cầu phòng khám khám theo đúng thứ tự rồi đưa mắt lườm từng người trong phòng rồi đi ra. Khi đến lượt chính mình, người phụ nữ đó bước vào mặt hầm hầm, làm theo hướng dẫn của điều dưỡng viên một cách miễn cưỡng. Khi chúng tôi hỏi làm sao chị đi khám thì nhận được câu trả lời rất hung hăng: “Tao đã đi khám rất nhiều nơi mà không khỏi nên chúng mày chữa cho tử tế nhé???, không sẽ biết tao là ai”.
TS. Phạm Bích Đào tư vấn cho một bệnh nhân.
Khi xong phần nội soi tai, chị được chuẩn bị khám mũi. Do không ngồi đúng tư thế khám bệnh, người điều dưỡng nhẹ nhàng nhắc nhở và hướng dẫn cách ngồi phù hợp, người đàn bà lập tức phản ứng, chỉ thẳng vào mặt điều dưỡng và quát: “Mày là gì mà nhắc nhở tao, mày chưa đủ tuổi nhé. Tao không thích soi mũi họng, làm sao cho tao thuốc là được, nhưng phải cho khỏi”. Tôi thật sự bất ngờ trước thái độ đó, tuy nhiên cũng đành phải nói “Thưa chị, là người bác sĩ, chúng tôi rất muốn chữa khỏi bệnh cho chị nhưng chị cần phối hợp với bác sĩ mới có thể có được những giải pháp điều trị đúng đắn. Hôm nay, tôi ngồi khám bệnh tại phòng này nên những gì các bạn trong phòng chưa đúng với chị, tôi xin lỗi và mong chị hợp tác để chữa được bệnh”. Người đàn bà đó vẫn đốp chát nói: “Tôi chỉ nói với cô y tá này thôi, trẻ mà không biết điều? Mày có biết chồng tao là ai không? Là người đang thụ án vụ nổi tiếng mà báo chí đang đề cập... có muốn tao gọi vào xử lý không?”. Chúng tôi cũng không nói gì thêm mà chỉ hỏi “Vậy khi khám bệnh chị cần chúng tôi hỗ trợ điều gì, xin chị cho biết?”. Lúc này, người phụ nữ đó mới trao đổi là bị ho kéo dài không khỏi mặc dù đã chữa ở nhiều nơi A, B, C... nên đề nghị cho thuốc nhưng không cần khám bệnh mà chỉ nghe kể bệnh thôi. Chúng tôi cũng giải thích với chị rằng triệu chứng ho của chị là một biểu hiện của rất nhiều bệnh nên phải khám để xác định chính xác xem ho đó xuất phát từ nguyên nhân gì để có thể đưa đến một đơn thuốc có tác dụng tốt nhất. Tuy nhiên, mọi giải thích đều thất bại. Cuối cùng, tôi đành viết vào sổ y bạ một đơn thuốc kèm theo chú giải do người bệnh không đồng ý khám nên không mô tả được triệu chứng thực thể. Người phụ nữ đó cầm đơn đi về, trước khi về còn không quên quay lại nói với điều dưỡng của phòng: “Tao cũng có đứa cháu làm việc ở đây, tao nhớ tên mày rồi, tao về sẽ mách nó?”. Mọi người đều bàng hoàng và sau đó cả phòng khám trở nên trầm lắng, mệt mỏi hẳn. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn duy trì buổi khám hết ngày hôm đó.
Đã trải qua 20 năm công tác trong nghề y, tôi đã gặp hoặc được chứng kiến nhiều tình huống đặc biệt khác nhau, mỗi tình huống một “kiểu”. Mọi người bệnh khi đến bệnh viện đều đang trong một tâm trạng lo lắng, không thoải mái khi mang trong mình bệnh tật nên rất muốn mình được khám sớm, khám tỉ mỉ. Do tâm lý như vậy nên có rất nhiều thứ khiến họ không hài lòng hay trở nên “nóng tính”. Thời gian gửi xe, xếp hàng mua phiếu khám, chờ đến lượt... đã làm họ mất kiên nhẫn, thêm vào đó văn hóa chờ đợi chưa được xây dựng nên mọi người bệnh đến khám luôn muốn nhanh chóng được giải quyết... Họ làm đủ mọi cách để được thực hiện như nhờ người quen, dúi phong bì cho người xếp sổ... thậm chí đe dọa, gây sự như người phụ nữ trung niên kia. Và cách giải quyết tốt nhất để tránh xảy ra tranh cãi, xô xát, kiện cáo và bị hành hung khi làm nghề “nguy hiểm” này mà tôi học được từ những tình huống tương tự chính là “một điều nhịn là chín điều lành”.