Một dịch giả góp phần đưa văn hóa “ra khơi”

31-05-2012 18:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Với quan niệm “biên dịch sách vở là phần nào làm công việc của người hướng dẫn du lịch, chỉ khác đây là một hành trình văn hóa”, dịch giả Nguyễn Văn Khoa chọn dịch những tác phẩm triết học kinh điển của thế giới ra tiếng Việt.

Với quan niệm “biên dịch sách vở là phần nào làm công việc của người hướng dẫn du lịch, chỉ khác đây là một hành trình văn hóa”, dịch giả Nguyễn Văn Khoa chọn dịch những tác phẩm triết học kinh điển của thế giới ra tiếng Việt. Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã trao tặng giải thưởng Dịch thuật năm 2011 cho ông với dịch phẩm Đối thoại Socratic 1 (Plato, NXB Tri thức, 2011).

“Trở về Việt Nam là lẽ tự nhiên”

Nguyễn Văn Khoa sinh ra tại tỉnh Kompong Chàm (Campuchia) và sống cùng gia đình ở đó đến năm lên 7 tuổi mới trở về Việt Nam theo học chương trình giáo dục trong nước. Với thành tích xuất sắc, năm 19 tuổi, ông giành được học bổng sang Pháp du học về ngành Xã hội học tại Đại học Sorbonne. Sau khi tốt nghiệp, ông tiếp tục học ngành Thông tin thư viện tại trường Quốc gia cao cấp về Thư viện (năm 1969) và công tác tại Đại học Paris VIII với vai trò là Quản đốc Thư viện (1970-2007) đồng thời phụ trách giảng dạy Khoa học thông tin (1975-1995). Song song với đó, ông còn dành thời gian tự học triết học, tham gia dịch thuật và sáng tác văn chương với bút danh Phạm Trọng Luật.

Có hai quốc tịch Việt Nam và Pháp, sau khi nghỉ hưu năm 2007, dịch giả Nguyễn Văn Khoa cùng vợ về hẳn Việt Nam để sinh sống.

 Dịch giả Nguyễn Văn Khoa
“Trong bao nhiêu năm sống xa Việt Nam, không có điều kiện về nước, có những lúc tôi ngừng lại tự hỏi mình đang làm gì ở đây. Nỗi ám ảnh ấy trở đi trở lại nhiều lần. Tôi cũng chỉ rung động khi đọc thơ, văn của Việt Nam chứ không phải là thơ văn Pháp dù tôi có thể sử dụng thành thạo ngôn ngữ Pháp. Thế nên ngay khi có thể, tôi đã tìm về nơi chốn của mình như là chuyện tự nhiên” - ông Khoa chia sẻ.

Để văn hóa Việt trường tồn

“Như bất cứ dân tộc nào khác, chúng ta cũng luôn luôn phải tìm giải pháp cho câu hỏi: phải học hỏi cái gì của kẻ khác để có thể tồn tại lâu dài trong lịch sử nhân loại. Tôi chọn dịch tác phẩm kinh điển từ các nền văn hóa bên ngoài sang tiếng Việt chính là phần thiết yếu nhất của câu trả lời cho trăn trở đó: học hỏi kẻ khác để sống còn. Bởi như nhận định của triết gia nổi tiếng người Pháp Paul Ricoeur, biên dịch là mẫu hình cho tất cả mọi trao đổi, không chỉ giữa ngôn ngữ này với ngôn ngữ kia, mà còn giữa nền văn hóa này với nền văn hóa kia” - ông Khoa chia sẻ.

Dành mối quan tâm lớn cho triết học của Trần Đức Thảo, một triết gia lớn của Việt Nam, Nguyễn Văn Khoa đã dịch nhiều tiểu luận của Trần Đức Thảo ra tiếng Việt, đồng thời viết nhiều bài bình luận về đề tài này. Từ năm 2006, ông tập trung vào việc dịch các tác phẩm triết học kinh điển của thế giới sang tiếng Việt. Tác phẩm đầu tiên ông chọn dịch sang tiếng Việt là Socrates tự biện (Plato, NXB Tri thức, 2008), tiếp theo là cuốn Đối thoại Socratic 1 (Plato, NXB Tri thức, 2011).

Lý giải vì sao chọn văn hóa cổ Hy Lạp, chọn Socrates để dịch sang tiếng Việt chứ không phải là một triết gia kinh điển nào khác, dịch giả Nguyễn Văn Khoa cho rằng có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, ông nhấn mạnh đến vấn đề nước ta may mắn có hàng ngàn cây số bờ biển, nhưng chúng ta chỉ mới nói đến kinh tế biển gần đây. Hãy nhìn xa hơn những vấn đề kinh tế dù thiết yếu mà nghĩ thêm về “văn hóa biển” – “văn hóa ra khơi”. Đã nghĩ tới chuyện “hậu dân sinh”, hãy hạ quyết tâm “khai dân trí”. Chúng ta đã “giải phóng đôi vai và đôi tay”; hãy tự giải phóng nốt cái đầu, hãy tự lực khai hóa tiếp. Tự nhiên, mỗi công trình biên dịch sẽ là một chiếc thuyền vượt trùng dương để chở về bao giá trị lạ lẫm nhưng hay và đẹp, về lâu về dài, vô cùng hữu ích.

Thu Hương


Ý kiến của bạn