Bước vào thời kỳ văn học hiện đại, sau buổi đầu bị biến thành cái bia đỡ đạn bắn phá công kích của các nhà thơ mới, tới lúc khẳng định được mình, không chỉ thơ mà cả lối sống của Tản Đàn đều được tôn vinh. Ngày nay, chúng ta còn đọc được mấy nhận xét khi ông vừa mất. Nguyễn Tuân: Trong chốn Tao Đàn, Tản Đà xứng đáng ngôi chủ súy. Trong Hội tài tình,Tản Đà xứng đáng ngôi Hội chủ mà làng văn làng báo xứ này, ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà. Xuân Diệu: Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám giữ một cái tôi. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh và Hoài Chân viết: Tiên sinh đã dạo những bản đàn mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đang sắp sửa.
Nhà thơ Tản Đà.
Tuy vậy khi còn sống, ông là người không phải ai cũng dễ gần. Ít hơn 5 tuổi nhưng có lẽ, cùng là thế hệ cựu học nên nhà văn Ngô Tất Tố được Tản Đà coi là bạn. Khi vào Sài Gòn làm báo, ông rủ Ngô Tất Tố cùng đi. Chuyện vợ con gia đình cũng giao tất cho nhà văn trẻ lo liệu. Rất hiểu tính nết nghệ sĩ của Tản Đà, nhà văn nhận xét: Không có tiền thì rầu rĩ, oán trách, rũ ra như con cú, thế mà một khi có tiền thì lại không muốn làm việc gì hết, chỉ uống và ăn, hết ăn lại uống. Chưa uống thì bảo không có rượu như cái máy không xăng nhớt không chạy được, uống vào say rồi thì nằm khoèo ra ngủ và lý luận một mình rằng say mà làm việc thì hỏi đời còn có cái gì thú nữa.
Có biết về Tản Đà là như thế chúng ta mới tin chuyện Lãng tử - một bút danh của nhà thơ Thúc Tề - kể là có thật. Ấy là vào một ngày 30 Tết, ở đất Sài Gòn, không có một đồng xu dính túi, chạy qua mấy tòa báo mà không vay được ai, cuối chiều may có ông chủ báo quý ông, cho tạm ứng được 5 đồng. Việc đầu tiên là đưa cho Ngô Tất Tố 3 đồng, nghĩa là già nửa số tiền vừa kiếm được. Sau đó thuê một chuyến xe vào Phú Nhuận đón một ông bạn thơ ra cùng đón giao thừa, đã hết 1 đồng. Mua được lít rượu hết 3 hào mà chưa có thức nhắm. Gần giao thừa, ông đưa ông bạn thơ số tiền còn lại đi sắm cỗ. Ông bạn mua được chai rượu với con gà, trên đường về gặp một đám gây lộn, ông ghé vào xem. Chẳng may ông bị mấy cảnh sát tóm vào bốt về tội gây mất trật tự. Không tự thanh minh được, ông bị nhốt qua đêm. Đang buồn chán, ông chợt nhớ đến túi xách có chai rượu và con gà đã luộc. Thế là ông đón giao thừa trong đồn cảnh sát no say. Sau một giấc ngủ ngon lành, sáng hôm sau ông được tha. Chỉ thương nhà thơ ở nhà đợi mãi không thấy bạn đâu, đành bụng đói mà uống rượu suông để đón năm mới. Sáng sớm ông bạn tìm về thấy nhà thơ còn li bì trong giấc say, bên chai rượu đã cạn...
Câu chuyện đón giao thừa của một danh nhân đầu thế kỷ trước, qua lời kể của Thúc Tề, lúc ấy mới ngoài 20 tuổi, ngày nay đọc lại, ta nhận được bao nhiêu thông điệp quý báu về đời sống các nhà văn một thời chưa xa. Có những bài báo với tư liệu chân thực, ngỡ là viết cho một thời mà vẫn còn mãi với đời sau. Như một bức ảnh chân dung nhiều sức gợi nghĩ.