Cả làng thể thao vừa rúng động với vụ tai nạn thảm khốc của tay đua xe đạp trẻ tài năng Nguyễn Thị Thà tại Ðại hội TDTT toàn quốc. Thà đã thoát hiểm, nhưng hậu quả để lại là gãy tới 4 xương sườn, phải cắt mất 1 quả thận vì giập và chưa biết khả năng hồi phục như thế nào. Từ trường hợp mới nhất này đã lại một lần nữa chạm đến nỗi ám ảnh về nguy cơ chấn thương luôn đè nặng giới VÐV.
Cú ngã gãy 4 xương sườn, giập thận
Dù diễn ra ở mãi Hòa Bình song thông tin Thà dính chấn thương đã nhanh chóng khiến cả ngành thể thao rúng động bởi đây là trường hợp chấn thương nặng đầu tiên tại Đại hội TDTT toàn quốc lần này, thậm chí rơi vào tình trạng nguy kịch. Khi đang tranh tài bình thường ở nội dung 80km đường trường cá nhân tính giờ, đến dốc Cun - một hiểm địa thực sự gắn chặt với thời tiết liên tục có diễn biến bất thường, đường trơn trượt, Thà đã bất ngờ mất kiểm soát, mất tốc độ rồi té ngã.
Các vận động viên thể thao, nhất là VĐV xe đạp luôn phải đối mặt với nguy cơ chấn thương rất lớn.
Hậu quả, do va chạm quá mạnh, qua mấy vòng quanh quật, Thà đã bị bất tỉnh và hôn mê. Quá may cho cua-rơ An Giang vì chấn thương của chị đã diễn ra ở một nơi không quá xa, BTC cũng đã sẵn sàng các điều kiện, phương tiện để kịp thời ứng phó. Thà được sơ cứu ban đầu rồi đưa thẳng lên Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cấp cứu. Không ảnh hưởng đến tính mạng, song do tình trạng quá nặng nên các bác sĩ đã quyết định đưa ngay Thà lên Bệnh viện Bạch Mai (HN). Tại đây, tài năng trẻ của xe đạp Việt Nam được phẫu thuật ngay trong đêm với những chiếc xương sườn bị gãy. Hiện tại, Thà đã tỉnh và sức khỏe đang tiến triển rất tích cực.
Từ chiều tối ngày 16/11, lãnh đạo Bộ VH-TT&DL cùng Tổng cục TDTT đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt chu đáo tới trường hợp tai nạn nặng của Thà khi trực tiếp đến bệnh viện thăm hỏi, tặng quà cũng như nắm bắt tình hình phẫu thuật, điều trị.
Thế nhưng, từ chấn thương gây sốc của Thà, ngành thể thao cần phải rà soát lại ngay các điều kiện, trang thiết bị dụng cụ tập luyện thi đấu, các phương tiện, nhân lực cho mảng y tế cũng như những phương án đảm bảo an toàn cho VĐV ở các môn, đặc biệt một số môn có nguy cơ cao như xe đạp, đua thuyền, võ vật… Trong đó, như ở môn xe đạp, có lẽ chuyện quan trọng nhất không phải là bác sĩ, thuốc men, xe cấp cứu sẵn sàng mà phải là những phương án hỗ trợ về chuyên môn mang tính phòng tránh như chất lượng đường đua, thông tin cho VĐV, cảnh sát giao thông dẫn đường…
Nỗi đau Ðỗ Xuân Tâm hơn thập kỷ chưa nguôi
Không chỉ với gia đình mà cả làng xe đạp Việt Nam vẫn không nguôi nỗi đau từ trường hợp tử nạn của cua-rơ Đỗ Xuân Tâm dù 11 năm đã trôi qua. Khi ấy, tại giải đấu tiền SEA Games 2003, cũng chính tại Hòa Bình, tuyển thủ TP.HCM mới tròn 21 tuổi đã gục xuống không xa trước vạch đích, rơi vào hôn mê sâu, rồi qua đời trên đường đưa về Bệnh viện Hòa Bình cấp cứu. Nỗi đau càng nhân lên bởi nếu như được sơ cứu kịp thời hơn, xe cấp cứu sẵn sàng hơn, điều kiện y tế hiện đại hơn, rất có thể Tâm đã may mắn hơn.
Còn nhớ, tại lễ tang của Tâm, người đứng đầu ngành thể thao trước ống kính truyền hình đã nghẹn ngào thừa nhận y học vẫn là khâu yếu nhất của TTVN và cam kết thay đổi để không xảy ra trường hợp đau thương nào như thế. Chỉ có điều, hơn 1 thập kỷ qua, y học vẫn là khâu kém nhất và các cua-rơ vẫn phải đối mặt với muôn vàn sự rủi ro, nguy cơ trên đường đua.
Nguy cơ đâu của riêng xe đạp
Thực sự đáng bàng hoàng khi biết rằng chỉ 10 năm trở lại đây thôi, ngoài cua-rơ Đỗ Xuân Tâm còn có nhiều, thậm chí là rất nhiều những trường hợp tử nạn hay chấn thương tàn phế cả đời rất đau lòng khác trong giới thể thao.
Đó là Trần Thanh Ngời - tuyển thủ Judo quốc gia tử nạn vào tháng 6/2003 do bị chấn thương đốt sống cổ quá nặng lúc tập luyện chuẩn bị cho SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam. Ngời ra đi ở tuổi 21 với những vinh quang còn đang chờ đón phía trước. Một trường hợp khác may mắn hơn, giữ được tính mạng là nữ tuyển thủ vật Lê Thị Huệ khi cô cũng dính chấn thương lúc tập luyện nhưng trở thành người tàn phế cả đời…
Đó còn là cái chết bất ngờ của cầu thủ bóng rổ Diệp Phước Lộc (28 tuổi) của đội Sóc Trăng vào năm 2012 sau khi đột quỵ ở trận gặp Hậu Giang tại giải bóng rổ Đồng bằng sông Cửu Long tranh Cúp Geru Sport khiến dư luận chấn động bởi không được sơ cứu kịp thời. Trước đó, vào tháng 5/2005, Đội trưởng kiêm huấn luyện viên phó đội bóng đá hạng Nhì Quân khu 4 Trần Nam Trung (sinh năm 1974) cũng bất ngờ đột quỵ, ngất lịm ngay khi đang tập luyện trên sân trong vai trò một thủ môn. Ngay lập tức, Trần Nam Trung được sơ cứu nhưng mọi nỗ lực cứu chữa đều vô vọng.
Rồi trường hợp của vận động viên nhảy dù Hà Nội, Nguyễn Thị Hà Lương (sinh năm 1962) đã tử nạn vào ngày 22/11/2012 khi tập nhảy dù thể thao tại khu vực Bãi Chùa (xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). Nguyên nhân được cơ quan điều tra xác định, chị Lương bị gió thổi đập vào vách núi đá dẫn đến tử vong.
Hay mới đây nhất với sự ra đi của kình ngư Trần Xuân Hiền (32 tuổi) - người đã giải cơn khát huy chương cho bơi Việt Nam tại đấu trường SEA Games sau 28 năm với tấm HCB lịch sử năm 2001. Hiền đã tử nạn vì một va chạm giao thông, bỏ lại vợ và 2 con nhỏ trong cảnh hai vợ chồng từ quê vào TP.HCM lập nghiệp, ở trong một căn nhà trọ chưa đầy 10m2, công việc hết sức bấp bênh.
Thể thao cứ mãi là “bạc”?
Đã đành chỉ là số ít, nhưng những cuộc ra đi đau lòng, những chấn thương, mất mát của các tuyển thủ khiến người ta càng cám cảnh cho thứ thể thao vốn đã bị mang cái tiếng là “bạc như vôi”.
Những sự việc đau lòng kể trên không chỉ tiếp tục gióng lên hồi chuông báo động cho công tác chăm sóc y tế, sức khỏe đối với các vận động viên chuyên nghiệp mà còn đặt ra câu hỏi lớn cho tương lai của chính họ khi dấn thân vào cái nghiệp thể thao vốn phải hy sinh, mất mát quá nhiều. Ai sẽ là người đảm bảo tương lai cho họ nếu không phải chính là ngành thể thao thông qua những chính sách, chế độ đầu tư, đãi ngộ thỏa đáng?
Ngoài khâu y học thể thao vẫn là điểm yếu lớn nhất, thể thao Việt Nam còn bộc lộ hàng loạt lỗ hổng từ đơn giản cho đến cơ bản như trang thiết bị dụng cụ, thuốc men, dinh dưỡng, chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, chính sách đào tạo và đào tạo lại sau khi giải nghệ.
VĐV, ngay cả những tuyển thủ quốc gia hàng đầu, hễ chia tay thảm đấu là coi như tay trắng phải làm lại từ đầu.
Xuyến Chi