Vì vậy, nó đòi hỏi độ chuẩn xác, mang tính khoa học, khách quan, công tâm rất cao. Xin mô tả khái quát một cuộc giám định sức khỏe tiến hành vào giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, ngõ hầu gửi đến bạn đọc những thông tin nhằm thực hiện tiêu chí dân chủ, công bằng, văn minh mà chúng ta đang hướng tới...
Đang xuống cơ sở để nắm tình hình, tôi nhận được cuộc điện thoại từ Thứ trưởng Bộ Y tế. Ông hỏi, vì sao bản Dự thảo thành lập Hội đồng giám định Y khoa lần này khác với những lần trước là không ghi tên anh? Tôi trình bày rằng đã đề xuất đầy đủ thành phần các giám định viên, có cả dân y, quân y có bề dày kinh nghiệm đảm đương công việc. Ông cười và nói, chắc anh quan ngại va chạm vào một vụ việc nhạy cảm, phải không? Chưa kịp đáp lời, ông quyết định ngay: “Anh phải tham gia Hội đồng với nhiệm vụ Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng nữa. Thôi, anh mang văn bản xuống cho đánh máy quyết định đi! Cuộc giám định có thể kéo dài nhiều ngày, trong điều kiện thời tiết thường xuất hiện gió Lào khô nóng lắm, cần lưu ý giữ sức khỏe cho các thành viên hội đồng cùng với sự quan tâm của lãnh đạo địa phương...”.
Vào gần trưa ngày thứ hai cuộc họp lãnh đạo tỉnh về các hoạt động của tỉnh thời gian qua, chuẩn bị đại hội các cấp và bầu đại biểu đi dự đại hội Đại biểu toàn quốc, số đông đại biểu thống nhất với bản dự thảo. Tuy vậy, có một số ý kiến nêu lên những khiếm khuyết cần được khắc phục nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo để có bước phát triển mới. Đồng chí N.H.Th - Bí thư Tỉnh Đoàn phát biểu hơi dài, đề cập đến nhiều vấn đề cụ thể. Rời vị trí Chủ tọa, đồng chí H.T.H đi xuống, dừng trước mặt đồng chí N.H.Th và nói: “Đồng chí nói dài quá! Nếu cần thì...”, chưa kịp dứt lời, bỗng bị “bang” bên má trái. Cả Hội nghị bàng hoàng, sững sờ, có tiếng bật khóc từ đại biểu nữ, xen lẫn tiếng quát: “Bắt... ngay!”. Mọi người cùng đến can ngăn. Hội nghị buộc phải dừng lại; đó là lý do Hội đồng vào làm việc tại tỉnh này theo chỉ thị của lãnh đạo cấp cao và quyết định của lãnh đạo Bộ.
Theo lịch trình làm việc đã được lãnh đạo tỉnh thông qua, hội đồng tiếp xúc với lãnh đạo chủ chốt các huyện ủy của tỉnh. Huyện ủy đóng gần thì đến tận nơi, huyện ủy ở xa thì mời xuống tỉnh gặp; các ban, ngành, đoàn thể quanh tỉnh, các vị lão thành, các thầy thuốc và nhân viên y tế của bệnh viện nơi đồng chí N.H.Th đang điều trị và những ai tự nguyện gặp hội đồng để đóng góp ý kiến, đều được tiếp nhận. Các biên bản làm việc giữa hội đồng với tập thể hoặc cá nhân đều có chữ ký xác nhận của cá nhân hoặc tập thể liên quan.
Nhằm đảm bảo tính khách quan, chuẩn mực và bảo mật thông tin, ý kiến của từng cá nhân hoặc đơn vị đều được mã số và chỉ ghi rõ danh tính trong sổ công tác của Chủ tịch và Thư ký Hội đồng. Hội đồng Giám định gặp từng Ủy viên Thường vụ tỉnh, đồng chí N.H.Th (người gây ra sự cố nêu trên), và cuối cùng, chúng tôi gặp đồng chí Bí thư tỉnh H.T.H.
Từ kết qủa các cuộc gặp đó, Hội đồng Giám định nêu lên một số vấn đề nổi cộm như sau: Sinh hoạt chính trị nội bộ thường xuôi chiều, vị nể, tránh né. Một số “an phận thủ thường” hoặc “dĩ hòa vi quý”. Tình hình nội bộ ít khi được đem ra phân tích có tình, có lý và giải quyết kịp thời thấu đáo, đã tích tụ lâu ngày ảnh hưởng đến việc chung lẫn quan hệ giữa cá nhân với nhau. Quan hệ công tác giữa đồng chí Bí thư và hai đồng chí Phó Bí thư (một là Chủ tịch tỉnh, một là Phó Bí thư Thường trực) và Thường vụ chưa thật sự gắn kết, hài hòa.
Là người đóng góp tích cực trong hoạt động của Đoàn Thanh niên trong thời chiến ác liệt cũng như thời bình xây dựng quê hương, nhưng tại cuộc họp, đồng chí N.H.Th đã có hành vi bộc phát cần được phê phán; nó phát sinh từ quá trình căng thẳng nén chịu kéo dài đã làm tổn thương uy tín, danh dự bản thân mà lẽ ra cần được kiềm chế, cùng tập thể lãnh đạo có sự đoàn kết tôn trọng lẫn nhau vì sự nghiệp chung.
Tuy là người có đóng góp quan trọng trong lãnh đạo ở một tỉnh lớn, trọng điểm của vùng miền nhưng đồng chí H.T.H chưa đóng vai trò là trung tâm đoàn kết, chưa phát huy trí tuệ tập thể đúng mức, đã có thành kiến, định kiến với một số đồng chí, thể hiện trong nhận xét mà đồng chí đã ghi lại trong cuốn sổ công tác của mình và thông báo cho hội đồng khi tiếp xúc, gây nên bầu không khí không mấy chân tình, khoáng đạt cần có ở vị trí lãnh đạo cao nhất...
Theo đồng chí H.V.B. - Phó Bí thư, Chủ tịch tỉnh nhận xét, có một số đồng chí lâu năm lẫn một số anh chị em trẻ tuổi đôi khi có những nhận xét một chiều, làm nặng nề vấn đề mà lẽ ra cần có cách đánh giá đúng đắn và toàn diện hơn.
Nên đề cập đến hoạt động giám sát, kiểm tra, thanh tra của hệ thống chính trị chưa thật sự sâu sát, thường xuyên, liên tục nhằm xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh...
Sau hơn 1 tháng làm việc căng thẳng do tính chất của vụ việc và thời tiết nắng nóng kéo dài, Hội đồng đã trình bày Biên bản Giám định sức khỏe đồng chí N.H.Th trước hội nghị toàn thể Thường vụ Tỉnh ủy. Hầu hết các đồng chí thống nhất với nội dung biên bản. Riêng đồng chí Bí thư H.T.H đã phát biểu khá dài, nêu những nhận xét không mấy tích cực về đồng chí N.H.Th như ghi chép của mình trong sổ công tác của đồng chí mà hội đồng được nghe, đồng thời đưa ra yêu cầu hội đồng thay đổi nội dung Biên bản Giám định theo ý kiến của mình.
Hội nghị yên lặng khá lâu..., chúng tôi đề xuất giải pháp dung hòa là ghi đầy đủ ý kiến cá nhân đồng chí H.T.H vào một phụ lục riêng biệt cùng với các phụ lục khác mang nội dung các cuộc làm việc giữa Hội đồng Giám định với cá nhân và tổ chức của tỉnh trong thời gian qua. Nghe vậy, đồng chí H.T.H từ chối đề xuất đó và rút lại ý kiến của mình.
Sự việc nêu trên đã chỉ ra cho chúng ta những bài học kinh nghiệm quý giá để cùng suy ngẫm, nâng tầm nhận thức nhằm tăng thêm kỹ năng, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng và của dân tộc.