Mà thực ra, tôi cũng chưa phải là dạng phức tạp lắm về lý lịch, mới chỉ là quê nội Huế, quê ngoại Ninh Bình, sinh ra ở Thanh Hóa và giờ đang gắn bó với Pleiku. Và quan trọng là, tôi yêu tất cả những nơi ấy, chả quê dứt ruột thì cũng nuôi dưỡng mình lớn lên. Và may mắn là, tôi được quê hương yêu lại. Những nơi ấy giờ tôi về đều là như về nhà, không phải rón rén làm quen và cũng không phải kính bẩm thưa gửi, cứ tồng tộc như một đứa con trở về, như mới ra đi hôm qua hôm nay quay lại...
Thì nó đã đành một nhẽ, là đã từng sống, đã từng chôn nhau, đã từng đau đớn từng hạnh phúc, từng có những mối tình và cả những cú ngã đau, và trên hết, là có những đoạn ký ức ngọt ngào. Những nỗi đau, kể cả rất đau, nếu có, khi đã là ký ức, luôn trở thành ngọt ngào, sự ngọt ngào luôn cứa vào hiện tại nỗi nhức nhối không lặp lại, không bao giờ trở về...
Thế nên tôi không thể cắt nghĩa được tại sao mình lại còn yêu thêm, yêu đến mê mệt 2 địa danh mình chưa từng đến, chỉ hình dung, chỉ nghe tên đã mê. Thế mới lạ.
Địa danh thứ nhất là Tuyên Quang, có thể lý giải là từ câu thơ này “Tuyên có gì đâu mà sao ta nhớ” của nhà thơ Trúc Cương. Và rồi tôi đã toại nguyện.
Phải ra miền Bắc mới biết thế nào là đê, ngắm đê thì vào mùa đông là đẹp nhất.
Địa danh thứ 2 là sông Lô. Tất nhiên đã đến được địa danh thứ nhất thì tức là đã có địa danh thứ 2. Tôi nhớ nhà báo Nguyễn Hồng Hải, hồi ấy đang ở VTV đã từ Hà Nội về Tuyên để giúp tôi thỏa ước mơ bần cố là tìm hiểu Tuyên và sông Lô. Anh bỏ cả ngày dẫn tôi lang thang, đưa đến... cái lò gạch mà xưa kia là cái cổng thành, giải thích cho tôi tại sao lại “trà Thái gái Tuyên”. Và cuối cùng, tổ chức một cuộc nhậu sản vật sông Lô ngay trên sông Lô đoạn qua thành Tuyên. Chỉ rất đơn giản mà ngon vô cùng. Ấy là rau lang luộc. Rau lang sông Lô ngọn to như cái đũa, ngọt xểu không như nơi khác chát xít và dai ngoách. Rồi tôm cũng sông Lô, tất nhiên, chao qua mỡ, trời ơi, nó không còn là tôm nữa, mà là một thứ gì đấy, ảo diệu mà vô minh, không còn là cái con dẫu được mệnh danh là “đắt như tôm tươi” nhưng vẫn chỉ là tôm. Con tôm ở đây trở thành một thứ gì đấy mà chỉ khi thưởng thức ta mới có quyền nhận xét. Mà phải thưởng thức ngay trên một cái bè, thả ngay trên sông Lô. Và, một điều quan trọng nữa, với các văn nhân xứ Tuyên, những là Trịnh Thanh Phong, Vũ Xuân Tửu, Nguyễn Hồng Hải...
Còn nhớ cái lần theo đoàn nhà văn trẻ “về nguồn”, ngay khi vừa bước đến đầu Tuyên Quang, nhìn thấy sông Lô tôi đã rưng rưng như thế nào, rút điện thoại ra bật bài hát “Sông Lô chiều cuối năm”, có thể coi là bài “sông ca” hay nhất về các con sông Việt dù từng có rất nhiều bài hát về các con sông như sông Hồng, sông Hương, sông Mã, sông La, sông Lam và cả sông... quê... Chi tiết bật điện thoại bài hát này rồi hát theo được một nhà văn trẻ tả trong một bút ký sau đấy.
Và tưởng thế là đủ với sông Lô, bởi cũng không dễ dàng gì quay lại được, huống hồ các cụ xưa dạy: không ai uống 2 lần trên một dòng sông.
Năm nay, đúng cái ngày mà, nếu không nhuận, tôi lại một lần nữa thỏa ước mơ sông Lô.
Giờ sống ở phương Nam nhưng ký ức tôi toàn xứ Bắc, trong đấy thú nhất là được hưởng cái lạnh xứ Bắc. Huế quê tôi cũng lạnh, thậm chí rất lạnh. Pleiku nơi tôi đang sống cũng là xứ... không nóng. Nhưng tôi vẫn luôn hoài cảm cái lạnh xứ Bắc. Nó trĩu trong tôi một thời đói khổ với tuổi thơ cắt ruột. Những bạn cấp 2 của tôi, cái tuổi bắt đầu biết rung động, biết cảm giác da thịt, co ro trong cái màu trời xám xịt, mưa phùn và gió, và bờ đê. Những cái áo gụ cổ tròn với vài ba lớp áo không đủ chống chọi với cái lạnh. Mà bờ đê đầy gió, mà mặt sông đầy sóng, và cỏ may thì díu vào ống quần đen, mà những cặp môi tím lại, mà răng lập cập. Chúng tôi co ro đi ngược gió. Sau này mỗi người mỗi ngả, nhưng cái đụng chạm trai gái lần đầu tiên của tôi là một mùa đông cắt ruột ấy, là cái buổi chiều xám màu chì ấy, là tơi bời gió ấy, và sương mù khiến tóc đứa nào cũng như muối rắc. Chỉ là cái tổ kiến, tôi đốt lên rồi trao cho em cầm để vừa đi vừa sưởi. Giờ có ai còn nhớ những cái tổ kiến đen trên cây không, bẻ lấy, có cả một đoạn cây để cầm, rồi đốt, quay cho kiến rơi hết đi kẻo nó rơi vào người, vài đứa một cành cây tổ kiến như thế chống lại mùa đông xứ Bắc. Khi trao cho người bạn gái cành cây tổ kiến, tay chúng tôi vô tình chạm nhau. Và, đấy là lúc đất như sụt. Đấy là lúc trời như nổi sét. Là lúc chúng tôi cùng run, cái run rất lạ, hoàn toàn không phải do lạnh. Thì chỉ biết đến thế. Sau đấy tôi lên cấp 3, và em đi bộ đội...
Rét khác lạnh, là tôi quan niệm thế. Pleiku, Đà Lạt, Huế, Măng Đen là lạnh, nó tràn đều, nó hạ nhiệt một cách cơ học, nó không cảm xúc, nó trơ ra chỉ là nhiệt độ thấp. Còn rét, nó hun hút, nhoi nhói, nó thắc thỏm trong những cơn lạnh. Nó như nỗi nhớ, cứ thường trực đâu đó, đầy ấn tượng muốn vỡ òa mà không nói ra được. Rét ngọt là thế. Không có lạnh ngọt, chỉ có rét ngọt mà thôi. Và rét, nó mang cảm xúc nhân sinh.
Và năm nay, tôi lại ra với miền Bắc rét như thế.
Và làm một cú sông Lô ngoạn mục.
Bạn bè vẽ ra nhiều địa danh để tôi chọn. Thì năm nào cuối năm tôi cũng cố một cú ra Hà Nội, và rồi từ đấy mà về một tỉnh của đồng bằng Bắc Bộ, mà hưởng rét, mà hưởng cảm giác trở về, nhâm nhi ký ức và nhâm nhi chính mình. Đang phân vân vì thời gian không có nhiều thì nhà văn Hà Phạm Phú xuất hiện. Ông nhà văn U80 này là một tay lái lụa và là người rất chiều tôi, muốn đi đâu, làm gì ông đều chiều. Tôi kể có những cuộc rủ đi như thế, những là cùng các nhà văn Sương Nguyệt Minh, Phan Đình Minh, Lê Quang Sinh (ơ 3 ông này cùng toàn vần inh), rồi Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thụy, Quang Vượng... thì ông thủng thẳng: Vẫn yêu sông Lô chứ. Vẫn bác ạ. Thế tại sao không mần một cú Vĩnh Phúc, về thăm ngôi bảo tháp Bình Sơn, có đến hơn 700 năm tuổi, từ thời Lý Trần. Rồi dọc sông Lô, nghe những địa danh đã biết ngay nước Việt cổ, hay như bạn đồng nghiệp Thanh Vĩnh, Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Vĩnh Phúc gọi là đi qua miền cổ tích Trung du rồi... ngang sông Lô phát nữa, sang Việt Trì, bàn thờ tổ của đất Việt?
Ôi giời, nghe phát sướng ngay, kế hoạch được thông qua ngay, không lăn tăn, không suy nghĩ.
Phải ra miền Bắc mới biết thế nào là đê, và ngắm đê thì đẹp nhất là vào... mùa đông. Chỗ đẹp nhất của các con sông là các bến đò và chợ. Thường ở hai nơi ấy cùng có những cây gạo. Mùa hè rừng rực đỏ, nó níu hồn người ở lại dù người đã sang sông, níu tâm trí những kẻ xa quê cứ đau đáu mà trở về mỗi khi có dịp. Triền sông Lô tôi đi hôm ấy đã... không còn những thứ ấy. Loi thoi những cây xoan be bé nhưng trĩu quả. Có lần tôi tả Tết gắn với hoa xoan, bị bạn bè cười khẩy, ông đi xa quên hết rồi. Hoa xoan phải tháng 3 nhé. Giờ mục sở thị thì xoan đang lủng lẳng trái. Thanh Vĩnh bảo, quà Tết của chim đấy. Tết chim về ăn quả xoan, ăn kỳ hết để tháng 3 hoa xoan nở, nở tơi bời, nở như nếu không sẽ không còn dịp nữa. Tím rịm hết từ triền đê đến bờ rào, từ ngõ nhỏ đến đường cái quan, từ mắt thiếu nữ đến cái vai áo gụ một thời cứ ánh lên trong mắt gã trai mới lớn là tôi. Để cẩn thận, tôi nhắn tin hỏi Thanh Vĩnh thời gian chính xác xoan nở hoa, bạn ấy nhắn lại ngay: “Thế này ạ: Tháng giêng - xoan lên lộc lá, rất nhỏ, thoảng nhìn cả cây xoan chỉ thấy khẳng khiu cành nhánh. Tận tháng hai xoan mới nảy lộc hoa, đồng thời lộc lá bắt đầu xanh, rồi hoa bắt đầu nở, tháng ba hoa xoan nở rộ nhất, nở đầy vun cành, nở át hết phần lá, nhìn chỉ thấy hoa mà không thấy lá, vừa nở hoa vừa rụng tơi bời trong gió xuân, bị mưa xuân buông dày, hoa xoan đẫm cánh, trĩu ướt... thú lắm anh ạ. Hoa xoan - vẻ đẹp xuân trung du Bắc Bộ đó. Sau đó, xoan kết quả, quả xoan bắt đầu chín vào đầu thu, và chín nẫu vào cuối chạp, chào mào liếu điếu rất khoái khẩu quả xoan chín anh ạ. Hôm rồi mình đi, xoan đang chín đó anh, lũ quả ấy phần bị chim chén, phần sẽ rụng rơi bắt đầu vòng tuần hoàn mới đời xoan, thay vào đó, trên cành xoan bắt đầu đâm lộc”. Cô này có những cảm nhận về hoa xoan khá giống tôi nên tôi copy vào đây, chứ một số bạn khác bảo, chỉ có mấy ông nhà thơ các ông mới mơ mộng hoa xoan chứ cữ ấy rét tê đi, mà hoa xoan rụng làm tổ cho con măn mắt với muỗi nó tá túc. Người ta trồng xoan đơn giản là để lấy gỗ chứ chả phải để các ông ngắm hoa, nhá. Nhận xét ấy cũng tinh đến... cấm cãi.
Tác giả và bạn bè nhân một chuyến về lại xứ Bắc.
Trên xe tôi im lặng nghe các đồng nghiệp thay nhau giới thiệu vùng đất này. Nhà văn Hà Phạm Phú quê gốc ở đây, và ông kể tên một loạt nhà văn Việt Nam hiện đại quê Vĩnh Phúc với một giọng đầy tự hào. Cũng như thế, Thanh Vĩnh và nghệ sĩ nhiếp ảnh Vĩnh Hà cùng ở tạp chí Văn Nghệ Vĩnh Phúc nhắc cho tôi một loạt tên cổ của các làng mà chúng tôi đang đi qua như kẻ Then, kẻ Đọ, kẻ Trẽ (hay Chẽ), Tứ Yên, nơi thế kỷ 6 Lý Nam Đế dựng thành đánh giặc Lương, nổi tiếng với trận hồ Điển Triệt, với đồi Ông Lãnh, hóc Áo Trôi, với thất Phù gồm: Phù Lánh, Phù Chè, Phù Giai, Phù Gầm, bến Bêu, đồng Bịch. hồ Điển Triệt còn có tên Nôm là đầm Miêng, hồ Miêng, một di tích lịch sử nổi tiếng nhưng nay đang bị lãng quên. Thích nhất là qua một cái làng có cây cầu tôi được giới thiệu ở đấy có trò chơi “leo cầu bóp vú”, hay một làng khác có tục cướp phết mà lâu nay cũng đang nhiều ý kiến dù nó là một trò chơi dân gian rất hay. Đến bến Then, có một con đò cho người đi bộ và xe máy, vượt qua một đoạn là phà Đức Bác chở ôtô sang đất Phú Thọ. Tôi run lên vì sướng. Mấy chục năm tôi chỉ ngắm những con sông từ xa, hoặc chạy song song nó, hoặc qua nó bằng cầu chứ có đò phà gì đâu. Tôi là người đầu tiên bỏ xe chạy xuống phà. Cái phà nhỏ, chứa được chục người và 3 cái ôtô. Chính tại trên con phà này, khi tôi đang mê mải ngắm sương mù dày đặc trên sông dù lúc ấy đã 11 giờ trưa thì nghệ sĩ nhiếp ảnh Vĩnh Hà nói: Hôm nay nếu không nhuận thì đang mùng 1 Tết âm đấy ạ.
Tất cả chúng tôi sững người.
Tự nhiên thấy khoảnh khắc này thiêng liêng hẳn.
Vụt nhớ về năm nào đấy, cũng cách đây dăm vụ rét, đúng mùng 1 Tết, nhưng là Tết dương lịch, chúng tôi được các nhà văn trẻ ở Hà Nội mời về dự một canh quan họ ở làng Đặng Xá. Áo quần nục nịch, đi trong cơn rét mà hân hoan mà phấn chấn, rồi “thời” một bữa cơm quê miền Bắc. Mâm của người Bắc là xếp bằng tròn trên chiếu hoa hoặc sập, đúng 6 người một mâm. Trời ạ, nó toàn là những món dân dã một thời, đã giúp dân ta chống đói, giúp người nông dân tồn tại qua tháng qua năm, qua thăng trầm qua biến cố, mà hôm nay nó lên hương, lên cốt, lên tinh túy, lên linh hồn giữa cái tiếng xuýt xoa chiều cuối năm và cả những bồi hồi hoài tưởng trong không gian năm cùng tháng tận. Ấy là bánh đúc, đến hai loại bánh đúc. Bánh đúc lạc chấm tương bần và bánh đúc không có lạc thái sợi để chan với riêu cua. Những ai đã từng ở miền Bắc thì chắc không thể quên hai món ăn của con nhà nghèo một thời. Một là cơm nắm mo cau muối vừng cho những chuyến đi xa, và hai là bánh đúc, thường nấu vào ngày mưa cho đỡ... tốn gạo. Bây giờ nó thành đặc sản, mới nhìn đĩa bánh đúc lót trong sắc xanh rờn lá chuối đã thấy thổn thức tâm can tỳ vị. Một món nữa là ốc đồng nấu chuối đậu. Một thời nó cũng là món chống đói, đều từ cây nhà lá vườn cả. Các cụ đã rất giỏi khi kết hợp cái tanh của ốc với cái chát của chuối xanh, thêm lá lốt tía tô, thêm tí mẻ... thế là có một tuyệt vời đặc sản ngày nay. Và tất nhiên là rượu nút lá chuối, món quê không thể khác...
Và rồi té ra không phải “Phúc bất trùng lai”. Hôm nay phúc đến với tôi lần nữa. Một cú điện thoại từ nhà văn Hà Phạm Phú đến nhà văn vừa tài hoa vừa đẹp trai, hào hoa bậc nhất đất tổ Phú Thọ Nguyễn Tham Thiện Kế ngay giữa sông Lô. Nghe giọng ông Kế hấp hởi: Đến đi, đến ngay nhé. Té ra là ông Phú hẹn ông Kế là chúng tôi sẽ đến nhà ông, ngay trưa nay.
Chỗ này lại dông dài thêm chút, nhà tôi cũng từng tấp nập bạn, đến mức giờ hễ nhắc tới cái thời khổ ải nhà văn hay đi lang thang ấy (hình như càng khổ người ta lại càng hay đi) các nhà văn từng ghé nhà tôi đều viết về cái sự đã đến Gia Lai, thậm chí là Tây Nguyên mà chưa đến nhà tôi thì coi như chưa tới đấy. Nhà tôi là nơi chứa chấp và trung chuyển bạn bè, hầu như không tuần nào không có khách. Nhưng giờ thì thưa rồi, đơn giản chỉ vì... lười, nhất là những người phụ nữ trong nhà, càng ngày họ càng lười dọn dù tôi là người rất siêng nấu và nấu cũng được, và dù nữa là lòng tốt, sự vui mừng của các thành viên gia đình tôi đối với bạn bè vẫn như xưa, chỉ có sự phải dọn thì ngại nên họ hay xui tôi... đưa khách ra nhà hàng. Đây ngay lập tức nghe Kế hoan hỉ bảo đến ngay đến ngay thì tôi... nể quá.
Thì cứ coi như đang trưa mùng 1 Tết đi. Chính ngọ, một mâm cơm được bày giữa sân. Đầu bếp là vợ ông Kế. Riêng cái đoạn làm cơm xong ra ngồi chịu trận mấy ông ăn ít uống nhiều nói lắm thì bà này đã quá vĩ đại rồi. Lan man đủ thứ chuyện. Trời sầm sì đục ngầu mây và sương mù. Thoảng tí mưa xuân nữa, đủ để ướt tóc ướt vai mà không phải chuyển bàn vào trong nhà. Một cây đèn dầu cách điệu rất đẹp đặt giữa mâm, khiến không khí vừa tươi vừa thâm trầm. Tất cả mọi người trong mâm đều là dân đất tổ, là gộp cả Vĩnh Phúc và Phú Thọ vào, riêng tôi, kẻ tha hương, có gắn với các cố đô từ Huế tới Ninh Bình tới Thanh Hóa, và kể cả... Tây Nguyên. Thấy mình như một kẻ vừa về nhà, được quây quần trong mâm cỗ trưa ba mươi, ngay ở nhà thờ tổ. Hạnh phúc nào hơn?