Một con người bình dị mà kiên cường

29-08-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, bản thân bị cụt một chân...

Đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ, chứng kiến sự hy sinh của đồng đội trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, bản thân bị cụt một chân, nhưng ấn tượng mà người thương binh Nguyễn Tài Triệu để lại cho những ai đã từng gặp ông vẫn luôn là nụ cười. Dù là ở tuổi 16 đi theo tiếng gọi của phong trào “thanh niên ba sẵn sàng” viết lá thư bằng máu xung phong nhập ngũ hay lúc chiến đấu và bị bắt giam vào nhà tù Phú Quốc, ông vẫn luôn lạc quan, yêu đời...

Ông Triệu và người vợ hiền.

Vượt qua những năm tháng gian khổ và khốc liệt

Sau sự kiện 1964 Mỹ lấy cớ vịnh Bắc Bộ tăng cường bắn phá miền Bắc. Hà Nội tổ chức rất nhiều cuộc mít-tinh. Khí thế ấy, không khí ấy thôi thúc bao thanh niên Hà Nội lên đường...

Câu chuyện giữa tôi và ông Triệu bắt đầu bằng những dòng ký ức như vậy. Dường như, ông dừng lại sâu lắng hơn với những đêm “Hà Nội thức trắng”. Đó là năm 1965, trong đám tân binh được tiễn lên tận Trường Phan Đình Phùng nhập ngũ, có 8 anh em người làng Vạn Phúc. Ông là người nhỏ tuổi nhất, 8 anh em đồng hương, cùng nhập ngũ một ngày, cùng vào một đơn vị nhưng đến nay 7 người kia đã không thể tìm thấy thi hài. Tên của họ chưa bao giờ có ở bất kỳ nghĩa trang liệt sĩ nào.

Sau ngày rời Hà Nội, ông gia nhập Đoàn 13B Sư đoàn 351 Pháo binh, nhận nhiệm vụ vác pháo vào Nam. Tuổi trẻ khí thế hừng hực nhưng khi đi vào thực tế mới thấy cuộc chiến khốc liệt thế nào. Ông đã chứng kiến đồng chí, đồng đội hy sinh vì sốt rét ác tính, vì bom đạn mà chưa vào trận chiến: Rau rừng không thể ăn vì máy bay thả chất độc hóa học. Có những người vừa gặp nói chuyện lúc chiều mà sáng hôm sau đã chết. Có người mệt quá vào vệ rừng mắc võng ngủ, đến sáng mối bám ăn hết không còn xác... Ông Triệu nghẹn ngào kể lại.

Trận chiến làm ông nhớ mãi có lẽ là trận đánh vào ấp Hòa Trị, Tuy Hòa, Phú Yên tháng 5/1967. Mũi quân của ông bộc phá cửa không nổ, nên bị lộ. Địch phát hiện và truy càn. Ông cùng đồng đội trơ trọi giữa cánh đồng, hứng chịu từng đợt “mưa đạn” của địch. Sau trận chiến đó, đồng đội đã hy sinh gần hết. Ông là người duy nhất còn tỉnh lại khi lính Mỹ đến dọn xác. Chính trong trận này ông bị giập một chân, bị bắt làm tù binh. Năm ấy ông 18 tuổi.

Nhắc đến chuyện bị cưa chân 3 lần, ông Triệu kể: “Khi bị bắt, biết tôi chỉ là lính quèn lại còn rất nhỏ tuổi nên chúng chỉ hỏi cung là đơn vị đánh xong rút quân về đâu? Tôi biết rằng, nếu tôi khai chúng sẽ mang quân đến càn quét, pháo kích vào địa điểm tập kết của đồng đội. Vì tôi không khai nên chúng không chữa vết thương, để hơn một ngày chân bị nhiễm trùng rồi bị hoại thư, phải cưa 3 lần”.

Sự kiện ấy đã có người nói ông là anh hùng, nhưng ông lại không cho là như vậy. Ông chỉ xem đó là việc mình phải vượt qua như bất kỳ ai gặp phải, ông nói: “Mỗi con người đều có bản tính xấu hay phẩm chất tốt, nhưng tùy vào từng điều kiện hoàn cảnh mà nó phát triển. Tôi cũng như những đồng đội khác cũng có lúc sợ hãi. Còn nhớ trận đánh đầu tiên, nghe tiếng địch bị thương kêu rống lên rất kinh dị, tôi sợ lắm chứ, nhưng rồi cũng vượt qua”.

Vào tù nhưng ông vẫn tham gia tổ chức Cách mạng bí mật và được kết nạp Đảng. Ông cùng đồng đội đấu tranh phản đối không đi làm bất cứ công trình nào liên quan đến quân sự. Đòi hỏi phải được công nhận là tù binh chiến tranh chứ không phải là đám “phiến cộng, giặc cỏ”. Còn việc học, để tránh bị phát hiện các ông dùng cách học “nhập tâm”, có nghĩa là truyền khẩu cho nhau nghe và tự ghi nhớ. Các môn học lý thuyết thì học như vậy còn những môn cần ghi công thức thì các ông viết trên cát. Khi có giám thị vào kiểm tra thì xóa nhanh. Không ít lần ông và đồng đội bị đàn áp hỏi cung, bị đày đứng trên cát bỏng giữa trưa...

Trò chuyện với tôi, thỉnh thoảng gương mặt ông Triệu lại trầm tư. Dường như, những hình ảnh của cuộc chiến đang quay lại trong ông với nhiều cảm xúc lắng đọng, không thể phai mờ. Còn tôi im lặng ngồi bên ông và không thể tưởng tượng nổi vì sao người chiến sĩ trẻ Nguyễn Tài Triệu ngày ấy lại kiên cường đến vậy. Dũng cảm đấu tranh. Đoàn kết thương yêu đồng đội. Bền bỉ chịu đựng trung kiên cho đến ngày giải phóng đất nước.

Những dòng lưu bút của người bạn viết cho ông Triệu khi cả hai đều đang bị giam cầm trong nhà lao của địch.

“Cá chép vượt vũ môn”

Để lại một chân nơi chiến trường, ông trở về mang theo ngoài niềm vui sum vầy còn là những băn khoăn, nhọc nhằn dồn lên một bên chân còn lại. Đã có lúc ông tự ti và vô vọng.

Nhưng rồi niềm vui mới hé mở. Đó là vào tháng 10/1975, ông được nhận về Nhà máy in Ngân hàng làm bảo vệ. Có thể với ai đó, vị trí bảo vệ là thấp kém và không có tương lai. Nhưng ít ai ngờ rằng từ vị trí ấy ông Triệu đã nỗ lực làm được điều mà bản thân những cử nhân, kỹ sư lành lặn cả ngày đó và bây giờ cũng khó có thể làm được. Đó là ông phấn đấu trở thành cán bộ trong phòng tổ chức cán bộ tiền lương, rồi lên giữ chức Phó phòng và cuối cùng ông đảm nhận vị trí Trưởng phòng kiêm Bí thư Đảng ủy Nhà in Ngân hàng trong suốt 30 năm. Ông đã nhận được Kỷ niệm chương của Chính phủ về công tác tổ chức nhà nước.

Khi đi làm, khó khăn nhất của ông Triệu là mỏm cụt quá ngắn mà bác sĩ cho rằng không thể lắp chân giả được. Nhưng vì yêu cầu công việc nên ông nhất định lắp và luyện tập. Ông tập đi xe đạp. Người khác tập 1 tuần là có thể đi được nhưng ông phải 3 tháng với biết bao nhiêu lần ngã đau.

Năm tháng trong tù đã rèn luyện cho ông rất nhiều tố chất ngoài ý chí và nghị lực. Còn nhớ những năm 60 của thế kỷ trước, kẻ thù tuyên truyền với đồng bào miền Trung và miền Nam rằng: Quân Việt Cộng là “lũ ăn lông ở lỗ, uống máu người, 7 thằng cộng sản bám vào cọng đu đủ không gãy...”. Khi bị bắt ở Phú Yên, ông là người miền Bắc đầu tiên bị địch đưa vào nhà thương dân sự của thị xã Tuy Hòa điều trị trước khi đưa vào trại giam... Nghe tin có Việt cộng bị bắt, người dân tò mò đến thăm. Sau khi gặp ông nói chuyện, họ nhận ra “Cộng sản rất dễ thương và hiểu biết”. Ông Triệu đã làm thay đổi suy nghĩ của người dân về bộ đội Cụ Hồ, đồng thời cũng hoàn thiện khả năng tuyên truyền và nói chuyện trước công chúng của mình.

Khi tôi hỏi điều gì đã khiến ông từ một người bảo vệ lên làm một cán bộ quản lý, ông nói: “Đó là cả một quá trình tự học và rèn luyện không ngừng nghỉ, chứ không có sự kiện nào cả”.

Với ông Triệu, thành công phải là sự nỗ lực, cố gắng bền bỉ. Cho nên, dù đồng nghiệp nói ông là người có sẵn tố chất nhưng ông luôn tự nhắc nhở mình: “Nếu không nỗ lực rèn luyện và tìm tòi học hỏi thì sẽ nói hết vốn, phải luôn trau dồi kiến thức cho mình, tố chất chỉ là một phần thôi”. Ông kể, khi được phân công làm Bí thư đoàn, thấy cán bộ nhận thức công việc yếu, làm những việc chỉ mang tính chất sự vụ nên ông đã sưu tầm tài liệu, tích hợp lại để về hướng dẫn cho cán bộ đoàn mỗi tuần 3 buổi. Khi lên làm cán bộ, được đề bạt Phó phòng rồi Trưởng phòng, ông vẫn tiếp tục mua tài liệu về tự nghiên cứu.

Từ một nhân viên bảo vệ, ông đã được phân công nhiều nhiệm vụ như: Trưởng phòng Hành chính, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên và Trưởng phòng Tổ chức cán bộ tiền lương một thời kỳ dài của cơ quan. Ở mọi cương vị công tác, do chịu khó học tập, rèn luyện và hoàn thành tốt công việc được giao nên ông được đồng nghiệp nể phục và tin tưởng.

Mái ấm gia đình

Sự nỗ lực tự học đã giúp ông không những vượt qua khó khăn về sức khỏe, có một sự nghiệp vững vàng mà còn giúp ông lấy được cảm tình của người con gái Hà Nội đoan trang, hiền hậu. Bà Hoàng Thị Oanh - công nhân Nhà máy in Tiền Quốc gia ngày ấy, giờ là vợ của ông. Khi ấy, hình tượng người lính rất đẹp và được bao bọc. Tình yêu của người lính cũng vì thế mà được chở che, ủng hộ.

“Có bà nó ở đây” - ông Triệu nói và nhìn về phía bếp, nơi bà Oanh đang loay hoay chuẩn bị bữa cơm chiều. Ông tâm sự: “Tôi được như ngày hôm nay cũng may là nhờ có bà nó. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương đau nhói, có những cơn đau dữ dội giật mạnh hất tôi ra khỏi giường. Những lúc ấy chỉ có vợ chăm tôi chứ con cái tôi cũng không cho biết”.

Ông Triệu ghi nhận những gì ông có được hôm nay phần lớn là công của vợ. Bà đã chăm sóc bố mẹ ông, con cháu ông. Một tay bà đảm đang mọi việc mà không bao giờ phàn nàn, chì chiết, than thở. Đến nay, dù đã ngoài 60 tuổi nhưng ông vẫn luôn hạnh phúc nhờ sự hết lòng tận tâm của vợ.

Ông Mai Xuân Bình là đồng nghiệp của ông từ những năm 1980 cho đến khi về hưu, chia sẻ: “Tôi chỉ là một trong rất nhiều người chịu sự chỉ đạo của anh Triệu. Bao năm đi qua, giờ ngoảnh lại tôi phải thừa nhận rằng hiếm có một người thủ trưởng nào trong sáng, chân thực và khiêm tốn như anh ấy. Tôi rất tự hào về anh”.

Bùi Dương

 

 


Ý kiến của bạn