Một cách chia sẻ với người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới

16-07-2013 14:00 | Văn hóa – Giải trí

Hai tác giả Nguyễn Ngọc Thạch, Võ Chí Dũng vừa cho ra mắt tập sách Mẹ ơi, con đồng tính! (NXB Lao động, 2013).

Hai tác giả Nguyễn Ngọc Thạch, Võ Chí Dũng vừa cho ra mắt tập sách Mẹ ơi, con đồng tính! (NXB Lao động, 2013). Dựa trên các tài liệu khoa học, lịch sử và bắt nguồn từ những câu chuyện người thật, việc thật đã và đang xảy ra xung quanh chúng ta, các tác giả đã biên soạn lại để cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cơ bản nhất, đơn giản nhất nhưng cũng đầy đủ nhất để khi được hỏi, bạn có thể trả lời rằng: “Tôi đã hiểu về những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới” để khi có gặp, bạn có thể chọn cho mình một cách đối xử đúng đắn nhất với họ.

Cuốn sách được mở đầu bằng một câu chuyện thần thoại nhẹ nhàng để người đọc không cảm thấy những thứ các tác giả muốn gửi gắm, truyền tải quá khô khan, cứng nhắc như nhiều cuốn sách, tài liệu về đồng tính hiện có. Tình yêu đồng giới, có lẽ nơi đâu cũng có, chỉ là người ta có kịp nhận ra nó hay không.
Một cách chia sẻ với người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới 1
 Hai tác giả Nguyễn Ngọc Thạch, Võ Chí Dũng vừa cho ra mắt tập sách Mẹ ơi, con đồng tính! (NXB Lao động, 2013).

Văn hóa Việt Nam mang nặng tư tưởng truyền thống phương Đông nên các vấn đề về tình dục, về giới tính vẫn còn là chuyện kiêng kỵ với nhiều người. Một khi những tác phẩm đề cập đến chuyện giới tính, chuyện tình dục của hai người khác giới vẫn còn là một đề tài vô cùng nhạy cảm thì việc tuyên truyền, giải thích cho người ta hiểu về quan hệ của hai người cùng giới tính lại càng là điều khó khăn.

Ngày nay, chúng ta đọc báo, xem truyền hình hay xem một bộ phim ngoài rạp sẽ bắt gặp những từ ngữ như “đồng tính”, “pêđê”, “bóng lộ” xuất hiện với tần suất dày đặc. Có những bộ phim người ta xây dựng hình ảnh hai người đàn ông mạnh mẽ yêu thương nhau, quan hệ giới tính cùng nhau và đấu tranh cho tình yêu đó, người xem chỉ tay lên màn ảnh bảo rằng: “Pêđê kìa!”. Có những bộ phim truyền hình giới thiệu hình ảnh một người đàn ông mặc trang phục phụ nữ, trang điểm lòe loẹt để đi lừa gạt, cướp bóc, khán giả cũng chỉ tay lên màn ảnh bảo “Pêđê kìa!”. Vậy đâu mới là hình ảnh thật sự của pêđê? Và thế nào thì “bị” gọi là pêđê?

Đa số người Việt Nam hiện tại chưa phân định được sự khác biệt đâu là người đồng tính luyến ái, người lưỡng tính luyến ái hay người chuyển giới. Chỉ thấy rằng đàn ông đi yêu đàn ông, đàn bà đi yêu đàn bà, nam mặc đồ như nữ, nữ mặc đồ như nam thì đều gọi chung đó là pêđê, đồng tính, là bóng, là ái nam ái nữ, lại cái, hi-fi..., thậm chí ngay cả những người đồng tính khi được hỏi cũng không biết vì sao người ta gọi mình là gay, hay nguồn gốc chữ lesbian từ đâu xuất hiện.

Quan niệm xã hội được hình thành từ nhận thức của những con người sống ở xã hội đó. Người đồng tính trong xã hội hiện tại vẫn bị cho là bệnh hoạn, biến thái là vì họ chưa được cảm thông.

Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch dù không phải nhà văn chuyên nghiệp nhưng luôn chọn những mảng đề tài gai góc như đồng tính, mại dâm, chuyển giới được cộng đồng mạng quan tâm. Còn Võ Chí Dũng hiện đang là sinh viên Đại học Luật, TP. Hồ Chí Minh, cùng bắt tay biên soạn cuốn Mẹ ơi, con đồng tính! Hai tác giả mong muốn khi độc giả đọc cuốn sách này, dù bạn có là người đồng tính hay không thì bạn vẫn thể hiện một sự quan tâm và thông cảm nhất định đến cuộc sống, tâm tư, tình cảm của những người đồng tính nói chung đang tồn tại trong xã hội mà chính bạn đang sống.     

  Hoàng Dũng


Ý kiến của bạn