Quảng Trị ghi nhận ca tử vong do bệnh dại
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Trị cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa ghi nhận một trường hợp được chẩn đoán lâm sàng bệnh dại ở thôn Ra Lây, xã Pa Nang, huyện Đakrông.
Cụ thể, bệnh nhân bị chó chưa xác định nguồn gốc cắn vào mu bàn tay trái, nhưng không đến cơ sở y tế để thăm khám, không tiêm vaccine phòng dại.
Ngày 2/3, bệnh nhân có dấu hiệu mệt mỏi, sợ nước, sợ gió, được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế huyện Đakrông, sau đó được chuyển đến BVĐK Quảng Trị rồi chuyển lên BV Trung ương Huế.
Chiều 3/3, bệnh nhân được cho về nhà và ngày 6/3, đã tử vong.
Vào năm 2022, địa phương này cũng ghi nhận một ca tử vong do bệnh dại là trẻ em tại huyện Triệu Phong. Trường hợp tử vong này sau do bị chó cắn nhưng không đi điều trị dự phòng phơi nhiễm động vật nghi dại cắn.
Theo thống kê của CDC Quảng Trị, từ năm 2010 đến 2016, toàn tỉnh ghi nhận 3 trường hợp tử vong do bệnh dại. Các trường hợp này đều không được tiêm huyết thanh và vaccine phòng dại sau khi bị chó cắn.
BS Nguyễn Vũ Linh - Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, CDC Quảng Trị cho hay, thời gian ủ bệnh ở người thông thường là từ 1-3 tháng sau phơi nhiễm, hiếm khi có trường hợp thời gian ủ bệnh ngắn dưới 9 ngày hoặc dài tới một vài năm.
Thời gian ủ bệnh phụ thuộc vào tình trạng nặng nhẹ của vết cắn, vị trí của vết cắn có liên quan đến nơi có nhiều dây thần kinh, khoảng cách từ vết cắn đến não, số lượng vi rút xâm nhập. Vết cắn càng nặng và gần thần kinh trung ương thì thời gian ủ bệnh càng ngắn. Khi đã lên cơn dại, cả động vật và người đều tử vong.
Người mắc bệnh dại thường trải qua các giai đoạn như tiền triệu chứng (khoảng 1-4 ngày) với biểu hiện sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, đau tại vết thương. Giai đoạn viêm não, người bệnh thường có biểu hiện mất ngủ, sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ.
"Ngoài ra, người bệnh còn bị rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp. Bệnh thường kéo dài từ 2-6 ngày, đôi khi lâu hơn và cuối cùng người bệnh tử vong. Bệnh dại tiến triển khiến người bệnh không thể uống nước, không nuốt được, ăn uống cực kỳ khó khăn. Khi phát dại, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn cho đến lúc tử vong", BS Nguyễn Vũ Linh chia sẻ.
Thừa Thiên Huế mỗi tháng có 170 người đi tiêm phòng dại
Theo CDC Thừa Thiên Huế, trung bình mỗi tháng, đơn vị ghi nhận khoảng 170 trường hợp đến tiêm vaccine phòng bệnh dại, chủ yếu là bị chó cắn. Theo đánh giá, vào thời điểm mùa hè các trường hợp bị chó cắn phải đi tiêm phòng chiếm tỉ lệ cao hơn so với các mùa khác. Thống kê từ các đơn vị y tế, hơn 10 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế không có ca tử vong do bệnh dại.
Bà Hứa Thị T. (75 tuổi, ở xã Thủy Thanh, TP Huế) bị chó nhà cắn hơn 1 tuần nay, sau khi được sơ cứu, bà đã đến cơ sở y tế để thăm khám và tư vấn. Khi được các bác sĩ khuyến cáo, bà T. đã đến CDC Thừa Thiên Huế để tiêm vaccine phòng dại.
Bà T. cho biết: "Để bảo vệ chính mình thì không còn cách nào khác là đi tiêm phòng bệnh dại. Mặc dù chó nhà cũng đã được tiêm rồi nhưng tôi cũng chủ động theo dõi để có các biện pháp xử lý an toàn".
Trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, Ths.BS Ngô Kim Nhã - Phó trưởng Phòng khám Đa khoa, CDC Thừa Thiên Huế cho biết, khi bị động vật hoặc động vật nghi dại cắn cần bình tĩnh và có hướng xử trí phù hợp.
Theo Ths.BS Ngô Kim Nhã, người bị động vật cắn cần xử trí ban đầu bằng cách rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng trong vòng 15 đến 20 phút. Sau đó, lau khô vết thương, sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc cồn iốt. Nếu vết thương rộng, chảy máu nhiều dùng băng gạc băng vết thương lại rồi đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý tiếp theo.
"Người bị động vật cắn không được đắp vết thương bằng bất cứ thứ gì và không được chích, lể xung quanh vết thương", Ths.BS Ngô Kim Nhã nhấn mạnh.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Người cao tuổi bị trầm cảm - Lời khuyên từ bác sĩ | SKĐS