Một ca bệnh nhiễm virut Ebola là một ổ dịch

06-08-2014 15:34 | Thời sự

SKĐS - Ngày 6/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã ký quyết định số 2914/QĐ-BYT về việc ban hành Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh do virut Ebola.

Theo đó, Bộ Y tế cho biết, bệnh do virut Ebola (sốt xuất huyết do virut Ebola) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm (thuộc nhóm A), có khả năng lây lan nhanh và tỉ lệ tử vong cao tới 90%. Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, cơ quan, tổ chức cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.

Các loài tinh tinh, vượn người, khỉ rừng, linh dương và nhím châu Phi có thể là ổ chứa virut và có khả năng lây lan sang người. Người bệnh và người mang virut tiềm ẩn cũng có vai trò là nguồn truyền nhiễm trong chu trình lây từ người sang người.

Ảnh: ireplere.com

Ảnh: ireplere.com

Người mắc bệnh do virut Ebola thường khởi phát đột ngột với sốt cao kéo dài, đau đầu, đau cơ vùng bụng và ngực, viêm họng, nôn hoặc buồn nôn, tiêu chảy cấp, xuất huyết da niêm mạc (dấu hiệu dây thắt, ban xuất huyết hoặc dát sần, chảy máu cam) và xuất huyết phủ tạng (nôn, đi ngoài ra máu…). Thể nặng thường có tổn thương gan, suy thận, viêm tổ chức não, có thể suy đa phủ tạng, tràn dịch màng phổi và sốc.

Một số trường hợp bệnh nhân nhiễm virut Ebola có biểu hiện lâm sàng không điển hình cần được chẩn đoán phân biệt với một số nhiễm virut gây xuất huyết, bệnh sốt vàng, bệnh sốt tây sông Nin, bệnh sốt xuất huyết.

Cũng như nhiều bệnh do nhiễm virut khác, hiện tại, bệnh do virut Ebola vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như vắc xin phòng bệnh.

Mặc dù bệnh do virut Ebola chưa được ghi nhận tại Việt Nam nhưng Bộ Y tế cũng nhìn nhận, đây là bệnh dịch rất nguy hiểm và không được chủ quan. Do đó, chỉ cần phát hiện 1 ca bệnh xác định (có kết quả xét nghiệm dương tính với virut Ebola) đã được coi là một ổ dịch. Những người có tiền sử ở/đi/đến từ vùng/ quốc gia có dịch hoặc tiếp xúc gần với người mắc bệnh hoặc động vật nhiễm virut trong vòng 21 ngày mà có các triệu chứng bệnh như trên đều được xác định là ca bệnh nghi ngờ, cần được cách ly, chẩn đoán nhanh và xử lý kịp thời, triệt để, không để lây lan.

Hướng dẫn giám sát do Bộ Y tế ban hành quy định chi tiết 3 tình huống và phương thức giám sát ca bệnh nhiễm virut Ebola từ cửa khẩu đến cộng đồng, bao gồm các tình huống giám sát khi chưa ghi nhận ca bệnh tại Việt Nam cho đến khi xuất hiện ca bệnh xâm nhập và khi dịch lây lan trong cộng đồng.

Các biện pháp triển khai chống dịch đối với người bệnh, người tiếp xúc gần và phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở điều trị cũng như vấn đề khử trùng xử lý môi trường cũng được quy định cụ thể tại bản Hướng dẫn này.

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, tích lũy từ đầu vụ dịch năm 2014 đến ngày 1/8/2014 đã ghi nhận 1.603 trưởng hợp mắc bệnh do virut Ebola, trong đó có 887 trường hợp tử vong tại 4 nước Guinea (485 ca mắc/ 358 ca tử vong), Liberia (468/255), Nigeria (4/1), and Sierra Leone (646/273).

PV

 

 


Ý kiến của bạn