Một buổi ở khoa ngoại Bệnh viện Bưu điện

28-05-2024 07:43 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - Đủ thứ tai nạn và bệnh tật khiến người ta đau. Mà tâm lý con người, đã đau thì vì bất kỳ lý do gì, cái đau của bản thân luôn được cho là nghiêm trọng nhất.

Hầu như tại các bệnh biện đa khoa, dù là bệnh viện công hay tư, bệnh viện tỉnh/thành..., phòng khám khoa phụ sản thường là nơi trật tự nhất bởi bệnh nhân ít khi chịu thương tổn, bệnh tật, mà đến viện với niềm mong ngóng những thiên thần nhí chào đời. Ngược lại, phòng khám chấn thương, ngoại khoa thường phức tạp hơn bởi bệnh nhân nào cũng đang đau đớn và lo lắng chuyện mổ xẻ.

Một buổi ở khoa ngoại Bệnh viện Bưu điện- Ảnh 1.

Hình ảnh trước khu vực chờ khám ở BV Bưu điện.

Giữa ngày Hà Nội nắng nóng 35 độ, trước phòng khám 119 của Khoa Ngoại - Bệnh viện Bưu điện, người đang chống nạng, người ngồi xe lăn, người đeo đai. Ai cũng được thân nhân dìu đi chờ khám. Đủ thứ tai nạn và bệnh tật khiến người ta đau. Mà tâm lý con người, đã đau thì vì bất kỳ lý do gì, cái đau của bản thân luôn được cho là nghiêm trọng nhất.

Khám thai hay một số bệnh khác, bệnh nhân có thể tự đi chứ đến ở khoa ngoại, một bệnh nhân có khi "kèm" 1 - 2 người nữa, nên càng đông. 

Bệnh nhân đang đau, người thân đang lo nên không có chuyện trong lúc chờ đợi có thể đứng ngồi đi lại hoặc yên tâm lướt điện thoại chờ đến lượt. Đau đớn, sốt ruột dễ gây bức xúc nhất là trong cái nắng nóng ngày hè. Thầy thuốc khoa ngoại hẳn sẽ áp lực hơn.

Một buổi ở khoa ngoại Bệnh viện Bưu điện- Ảnh 2.

Các y bác sĩ khoa ngoại luôn là một trong những vị trí căng thẳng nhất tại bệnh viện.

Người đứng trước phòng 119 nhiều lắm. Rất may, cô điều đưỡng Nguyễn thị Lụa bê từng chiếc ghế nhựa đến trước từng bệnh nhân và người nhà mời ngồi với nụ cười tươi. Ai nỡ bức xúc trước sự tận tình chu đáo như thế. 

Cô Lụa là điều dưỡng nhưng vô tình thành "bác sĩ" tâm lý khi bệnh nhân thấy an lòng và tin tưởng trước khi gặp bác sĩ chẩn bệnh và ra y lệnh.

Có một bệnh nhân xông thẳng vào bàn vị bác sĩ tên Hưng đang khám, nói oang oang: "Hôm qua tôi đến nhưng muộn giờ, không chờ lượt liếc gì hết, ông có cắt chỉ cho tôi không?". BS Hưng không cau mày khó chịu mà lại cười: "Bác chờ lượt, còn những người khác đang đau".

Người đàn ông không chờ lượt, cứ ngồi trên ghế gần bác sĩ. Bác sĩ lại cười: "Bác ngồi lui vào trong để chốc đến lượt, cắt chỉ". Hỏa mà gặp nước như thế, có chuyện ầm ĩ mới là lạ.

Có cụ bà 82 tuổi đau cột sống đến khám, chụp chiếu từ 2 tháng trước. Bác sĩ khuyên nên "đổ xi măng" vào đốt sống đệm. Cụ cứ lăn tăn, trì hoãn nên càng đau nặng hơn. Nay đau quá không chịu được, cụ mới đến nói thật lý do chần chừ và mong bác sĩ "trăm sự" giúp đỡ.

Bác sĩ tên Tuyến cũng cười tươi (ở khoa này cười dường cũng là một phương pháp chữa bệnh): "Bác ơi con chỉ có 1 sự thôi, 99 sự là bác và gia đình. Bác nghĩ hộ con kẻo cả bác và con cùng mất thì giờ, bác đau thêm". 

Một buổi ở khoa ngoại Bệnh viện Bưu điện- Ảnh 3.

Nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân và người nhà giúp thủ tục khám trở nên thuận lợi hơn.

Hiếm có bệnh viện nào đông đảo lực lượng hỗ trợ bệnh nhân là các nhân viên điều dưỡng viên đến thế. Vào viện, các điều dưỡng mang cơm đến tận giường và đưa đi xét nghiệm, chụp chiếu chả cần người nhà "động chân động tay". 

Lại chuyện cụ bà 82 tuổi "đổ xi măng" xong đáng lẽ sau 3-4 tiếng xuất viện được nhưng BS Trang khuyên: "Người khỏe sau vài tiếng về được, cụ nên ở lại hôm sau về cho chắc chắn". Trong khi giường bệnh chả dư dả gì, xử lý như vậy liệu có thể gọi đây là "khoa ngoại người nhà" chăng?

Ra khỏi bệnh viện, tôi nghĩ, phải chăng để có niềm tin của bệnh nhân thì ngoài tiếng tăm thầy thuốc, quan trọng hơn còn cần những ứng xử đầy nhân văn, coi bệnh viện là nhà...


Lê Quý Hiền
Ý kiến của bạn