Hà Nội

Một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả

21-02-2013 10:31 | Y học 360
google news

Trong những năm gần đây, điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) ngày càng được mở rộng tại Việt Nam. Ngoài tác dụng giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV, điều trị bằng thuốc ARV cũng đã được chứng minh là một biện pháp dự phòng nhiễm HIV hiệu quả, như giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con, giảm lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục.

Trong những năm gần đây, điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) ngày càng được mở rộng tại Việt Nam. Ngoài tác dụng giảm tỷ lệ bệnh tật, giảm tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống của người nhiễm HIV, điều trị bằng thuốc ARV cũng đã được chứng minh là một biện pháp dự phòng nhiễm HIV hiệu quả, như giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con, giảm lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục.

Với nỗ lực từ Chính phủ và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV hiện đang được cung cấp miễn phí. Tính đến ngày 30/9/2012, chương trình điều trị bằng thuốc ARV đã triển khai tại  63 tỉnh, thành phố, bao phủ trên 25% số huyện; số người nhiễm HIV đang được điều trị ARV trên toàn quốc là 69.882 người, tăng gấp 26 lần so với cuối năm 2005. Trong thời gian tới với định hướng cung cấp dịch vụ điều trị bằng thuốc ARV sẽ được mở rộng và lồng ghép vào y tế cơ sở. Ngoài việc chú trọng mở rộng độ bao phủ về mặt địa lý, thì tiêu chuẩn được điều trị bằng ARV cũng được thay đổi để người nhiễm HIV được tiếp cận sớm hơn với dịch vụ điều trị.

Một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả 1
Điều trị ARV sớm sẽ ngăn ngừa lây nhiễm HIV.

Một biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV hiệu quả 2
ARV ức chế sự nhân lên của HIV.

Cập nhật các khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tiêu chuẩn bắt đầu được điều trị bằng ARV có hướng mở rộng, với việc nâng ngưỡng tế bào CD4 khi bắt đầu điều trị ARV tăng dần từ 200 tế bào/mm3 vào năm 2005 lên 350 tế bào/mm3  vào năm 2009 (điều trị ở giai đoạn sớm hơn) và điều trị ARV ngay khi người bệnh ở giai đoạn lâm sàng 3, lâm sàng 4  không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4.

Điều trị bằng thuốc ARV được xem là một biện pháp dự phòng nhiễm HIV thông qua việc ức chế sự nhân lên của HIV - yếu tố quan trọng trong việc lây truyền HIV. Khái niệm điều trị bằng thuốc ARV là dự phòng đã được minh chứng qua hiệu quả đối với việc dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con và dự phòng nhiễm HIV qua quan hệ tình dục đối với các cặp bạn tình dị nhiễm HIV. Một nghiên cứu đa quốc gia được tiến hành vào năm 2010 đã chứng minh rằng, điều trị bằng thuốc ARV sớm sẽ làm giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, số người nhiễm mới HIV đã giảm mạnh khi mở rộng điều trị bằng thuốc ARV. Đồng thời, với việc điều chỉnh tiêu chuẩn bắt đầu điều trị bằng ARV ở người nhiễm HIV là việc điều chỉnh thời gian bắt đầu điều trị dự phòng bằng ARV ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV cũng được sớm hơn, thay vì điều trị dự phòng từ tuần thai thứ 28 nay điều trị dự phòng được bắt đầu từ tuần thai thứ 14 của thai kỳ.

Với những chính sách mới của Việt Nam trong điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đã làm giảm đáng kể số trẻ nhiễm HIV từ mẹ. Điển hình là hiệu quả can thiệp tại TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con giảm dưới 5% năm 2010 và dưới 3% năm 2011. Như vậy, 100 bà mẹ nhiễm HIV sinh con thì chỉ còn 3 trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ. Nếu không có sự can thiệp thì tỷ lệ này trung bình 35-40%.

Mặc dù đã đạt được các thành công trên, nhưng hiện vẫn có nhiều vấn đề làm hạn chế hiệu quả của công tác điều trị bằng thuốc ARV. Tình trạng người nhiễm HIV được chẩn đoán và điều trị muộn còn tương đối phổ biến. Trên 60% người nhiễm HIV khi bắt đầu điều trị bằng thuốc ARV khi CD4 dưới 100 tế bào/mm3 . Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc ARV càng muộn thì tỷ lệ tử vong càng cao. Cũng như vậy, nếu phụ nữ mang thai nhiễm HIV phát hiện muộn tình trạng nhiễm HIV, được điều trị bằng thuốc ARV ở giai đoạn muộn thì tỷ lệ con của họ nhiễm HIV sẽ tăng lên.

Nhằm tăng cường hiệu quả của điều trị bằng thuốc ARV, giảm tình trạng tử vong, giảm các trường  hợp nhiễm HIV mới, cứu nhiều trẻ không bị nhiễm HIV từ mẹ, người nhiễm HIV cần đến các cơ sở y tế để được chăm sóc và điều trị ngay sau khi phát hiện tình trạng nhiễm HIV; phụ nữ mang thai cần đến khám thai và xét nghiệm HIV sớm để phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV, tốt nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ; người nhiễm HIV cần đưa bạn tình của mình đến các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV, cơ sở điều trị và chăm sóc HIV để được tư vấn và chăm sóc điều trị phù hợp. Dịch vụ điều trị bằng thuốc ARV hiện đang được cung cấp miễn phí tại các cơ sở y tế điều trị và chăm sóc HIV/AIDS.

Với tất cả các nỗ lực trên và các biện pháp can thiệp dự phòng khác, chúng ta tin rằng trong một tương lai không xa, Việt Nam sẽ đạt được tầm nhìn mà Liên hợp quốc hướng đến: Không còn người nhiễm mới HIV.

BS. Đỗ Thị Nhàn - BS. Cao Kim Thoa

(Cục Phòng, chống HIV/AIDS)




Ý kiến của bạn