Cần gấp rút phòng dịch
Là tỉnh có bệnh tay-chân-miệng (TCM) diễn biến phức tạp ở Nam Trung Bộ, ngành y tế Bình Định liên tục tổ chức các đội tuyên truyền di động đến tận những nơi có nguy cơ phát sinh ổ dịch để phổ biến các biện pháp phòng bệnh.
Tuy nhiên, số ca mắc vẫn xuất hiện nhiều. Bà Nguyễn Thị Lành ở Vân Canh (Bình Định) cho biết: Nhiệt độ ở khu vực này lúc nóng, lúc ẩm. Trẻ hay mắc các bệnh lặt vặt. Người lớn lại đi làm rẫy xa, khi thấy con em ốm, thường tự mua thuốc điều trị. Vậy nên có cháu biến chứng nặng mới đưa đến cơ sở y tế. Chữa trị khó, ảnh hưởng sức khỏe tương lai.
Các triệu chứng TCM.
Báo cáo của Sở Y tế Bình Định cho thấy, người dân cần bỏ ngay thói chủ quan. Riêng trong tuần từ ngày 18 đến 24/3 đã phát hiện 40 ca TCM mắc mới, tăng nhiều và xảy ra ở 08 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này.
Đã ghi nhận 01 trường hợp trẻ tử vong nghi do TCM. Đó là bệnh nhi 19 tháng tuổi ở huyện Phù Cát. Ca bệnh này được chẩn đoán TCM độ 4, bội nhiễm, biến chứng suy hô hấp nặng. Bệnh nhân được đưa vào viện quá muộn.
Tại Bình Định, nhiều ổ dịch xuất hiện ở Hoài Nhơn, Hiệp Giao... Công tác phòng chống dịch trở nên cấp thiết nếu không dễ xảy ra bùng phát.
Các tỉnh lân cận Bình Định như: Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Đồng Nai cũng xác định thay đổi nhận thức của người dân trong phòng bệnh là một trong những yếu tố then chốt để kéo giảm tình trạng mắc TCM. Người dân và giáo viên, nhà trường cần chú ý đến các triệu chứng của trẻ, để phát hiện kịp thời.
Vấn đề kiểm soát bệnh TCM, Sở Y tế Đồng Nai cũng nhìn nhận: Phải quyết liệt phòng chống bệnh này, nhất là trong thời điểm hiện nay.
Riêng trong tháng 3/2021 đã có 300 ca mắc TCM ở địa phương, tăng 2,03 lần so với tháng cùng kỳ năm 2020. Tuy chưa ghi nhận ca tử vong nhưng địa bàn Đồng Nai phức tạp, đông thành phần dân cư từ khắp nơi đổ về sinh sống nên mỗi người cần tuân thủ tốt quy định phòng bệnh.
Phòng bệnh rất quan trọng
Theo ghi nhận của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2, vài tuần trở lại đây các ca TCM nặng nhập viện gia tăng. Các ca bệnh không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh mà còn nhiều tỉnh lân cận đổ về. Nhiều bệnh nhân cấp cứu ở độ 3 (trẻ có biến chứng thần kinh, tim mạch, hô hấp nặng), ở trường hợp độ 2b, 2a thì rất nhiều.
Tại Bệnh viên Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh đầu tháng 3 đến nay cũng ghi nhận nhiều ca TCM nặng, có tuần tiếp nhận 4-5 ca, nhiều ca phải hỗ trợ máy thở...
Theo đánh giá của BS. Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm (thuộc Bệnh viện Nhi đồng TP.Hồ Chí Minh) thì: Cần đẩy mạnh phòng ngừa nếu không sẽ còn tăng trong thời gian tới. Từ tháng 3 - 5 thường là thời kỳ cao điểm TCM.
Đây là bệnh lây dễ, chủ yếu qua đường tiêu hóa, chưa có vắc-xin, nên mỗi gia đình cần tăng cường vệ sinh thường xuyên cho trẻ, cả môi trường sống xung quanh. Khi có dấu hiệu bệnh phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và được hướng dẫn điều trị.
Theo Sở Y tế nhiều địa phương thì, ngành y tế tiếp tục chủ động tham mưu các cấp thẩm quyền; chỉ đạo các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các Trung tâm Y tế huyện, thành phố đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa TCM.