Qua hệ thống giám định điện tử, bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã phát hiện, từ tháng 1/2017- 23/10/2017, bệnh nhân M.B.Ng. (53 tuổi, Quận 12, TP HCM) đã đi khám 231 lần ở hơn 10 bệnh viện khác nhau với số tiền được quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả 128,8 triệu đồng.
Theo ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc- BHXH Việt Nam, trong 10 tháng qua, hầu như ngày nào bệnh nhân M.B.Ng. cũng đi khám bệnh. “Có những ngày bệnh nhân Ng. đi khám 2-3 lần ở các bệnh viện khác nhau. Ví như ngày 12/10 và 13/10, bệnh nhân này đi khám 3 lần/ngày ở các bệnh viện Quận 12, bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện tai mũi họng, bệnh viện chấn thương chỉnh hình”- ông Dương Tuấn Đức nói. Mới đây nhất, ngày 26/10 bệnh nhân M.B.Ng cũng đã khám bệnh ở hai bệnh viện là bệnh viện Tâm thần TP HCM và bệnh viện Mắt TP HCM
Ông Đức cũng cho biết thêm, trước đó bệnh nhân này cũng từng được phát hiện khám bệnh tới 79 lần ở 11 bệnh viện từ tháng 6/2016 đến tháng 1/2017.
Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc BHXHTP HCM cho biết, bà M.B.Ng. có nhiều bệnh, trong đó các bệnh lý liên quan sức khoẻ tâm thần, cơ xương khớp, mắt, bệnh về đường tiêu hoá... Nhiều bệnh viện tại TP HCM đều biết đến bệnh nhân M.B.Ng., tuy nhiên khi cơ sở khám chữa bệnh không theo đúng ý, bà Ng. sẽ ngay lập tức mất trật tự ngay tại phòng khám. Thậm chí, các bệnh viện cũng cho biết, nếu có sự trùng lắp về dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh nhân M.B.Ng. trên hệ thống giám định điện tử sẽ chấp nhận xuất toán (bị cơ quan giám định của BHXH từ chối thanh toán chi phí khám BHYT) vì không muốn để bệnh bà này “quậy” ở các phòng khám, ảnh hưởng tới việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân khác.
Được biết, bệnh nhân M.B.Ng thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và được BHYT chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh.
Thông tin về tần số khám bệnh BHYT dày đặc ở các bệnh viện trên địa bàn TP HCM của bệnh nhân M.B.Ng. tại hệ thống giám định của BHXH Việt Nam
Liên quan tới trường hợp trên, ông Dương Tuấn Đức bày tỏ lo ngại, việc đi khám nhiều lần ở các cơ sở khám chữa bệnh để lấy cùng 1 loại thuốc là hết sức lãng phí và nguy hại với người bệnh nếu dùng tất cả loại thuốc đó
Bà Lưu Thị Thanh Huyền cũng nói thêm, sau khi phát hiện trên hệ thống giám định điện tử nhiều trường hợp bất thường trong đi khám bệnh theo thẻ BHYT, BHXH TP HCM đã đề nghị cơ quan công an làm việc với các trường hợp này. Sau đó, hầu như các trường hợp trên đã không còn tái diễn việc đi khám nhiều lần như vậy. Duy chỉ có trường hợp bà M.B.Ng. vẫn tiếp diễn và tới nay các bệnh viện chưa có cách nào để giải quyết tình trạng này.
Được biết trong tháng 9, một bệnh nhân ở TP HCM đã phải hoàn trả lại cho cơ quan Bảo hiểm xã hội TP HCM số tiền hơn 9 triệu đồng do lạm dụng việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, đi khám bệnh tới 319 lần.
Tuy nhiên, trường hợp của bà Ng. không phải là cá biệt, qua hệ thống giám định điện tử, cơ quan BHXH Việt Nam đã phát hiện không ít trường hợp như bà Ng. Thậm chí, ông Dương Tuấn Đức còn ví von, có những trường hợp coi khám bệnh BHYT là “nghề” để trục lợi quỹ BHYT. Ví như bệnh nhân Đ.V.N. ở Long An khám bệnh tới 214 lần tại trạm y tế với số tiền hưởng từ Quỹ BHYT là 28,6 triệu đồng. Hay một bệnh nhân ở Bạc Liêu 8 tháng đi khám hưởng BHYT 132 lần. Tại Đồng Nai qua rà soát, hệ thống giám định phát hiện một công nhân đi khám 207 lượt với tổng số tiền 30,8 triệu đồng, một công nhân khác đi khám 150 lượt với số tiền 31,1 triệu đồng.
Về những trường hợp đi khám bệnh BHYT liên tục như trên, ông Dương Tuấn Đức cho rằng có một số trường hợp là có bệnh thật, tuy nhiên một ngày đi khám tại hai bệnh viện thì cũng không loại trừ tình huống những người này lợi dụng tính ưu việt của chính sách BHYT để coi khám bệnh BHYT là “nghề” bởi theo quy định nếu mỗi lần khám có tổng tiền dưới 15% lương cơ sở thì bệnh nhân không phải đống chi trả nên họ lợi dụng chính sách khám chữa bệnh BHYT để trục lợi.