Một bệnh nhân bị thức ăn đóng cục cứng đơ trong dạ dày

16-10-2018 13:00 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị, ăn kém, buồn nôn, chị Nguyễn Thị T. 30 tuổi trú tại Khu 1 – Trưng Vương – Uông Bí được nội soi dạ dày bác sĩ phát hiện trong dạ dày của chị có 2 khối bã thức ăn rắn chắc, kích thước lớn lần lượt là 7cm và 5cm kèm theo 01 ổ loét kích thước 2 cm x 1cm ở góc bờ cong nhỏ có thể do cục bã gây ra.

Chị T được các bác sĩ Khoa Nội tiêu hóa, BV Việt Nam Thụy Điển Uông Bí tiến hành cắt cục bã thành nhiều mảnh kích thước 1,5cm qua đường nội soi dạ dày. Cục bã thức ăn sau khi được cắt nhỏ đã đào thải tự nhiên, an toàn qua đường tiêu hóa. Nội soi kiểm tra lại cho thấy trong dạ dày không còn cục bã thức ăn, ổ loét liền sẹo tốt.

Ths.Bs Đỗ Quang Út – Phó Trưởng khoa Nội tiêu hóa bệnh viện cho biết: cục bã thức ăn hình thành do sự tích tụ các chất được ăn uống vào dưới dạng các khối hoặc khối đông kết không tiêu hóa được, vị trí hay gặp nhất là ở dạ dày. Phần lớn các trường hợp cục bã thức ăn có nguồn gốc thực vật (phytobezoar). Cục bã thức ăn trong dạ dày không phải bệnh hiếm gặp, nếu không được điều trị có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng như di chuyển xuống gây tắc ruột, tắc nghẽn môn vị, sang chấn cơ học gây loét dạ dày, chảy máu, thủng; buồn nôn, nôn, đau bụng, ăn mau no, sút cân.

Hình ảnh khối thức ăn đóng cục rằn chắc trong dạ dày của bệnh nhân

Được biết, tại khoa Nội tiêu hóa bệnh viện Viêt Nam – Thụy Điển Uông Bí đã tiến hành cắt cục bã thức ăn qua nội soi dạ dày ống mềm với dụng cụ cải tiến cho 20 người bệnh, tất cả đều được thực hiện thành công chỉ với 1 lần làm thủ thuật, kỹ thuật tiến hành thuận lợi. Cục bã thức ăn được cắt nhỏ sẽ đào thải tự nhiên, an toàn qua đường tiêu hóa mà không cần phải gắp ra ngoài nếu đường tiêu hóa không bị chít hẹp.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng đặc biệt là những người đã cắt dạ dày bán phần, có bệnh lý về răng miệng làm giảm chức năng ăn nhai, thói quen ăn quá nhanh không nhai kỹ; ăn các loại quả chưa chín kỹ có vị chát (hồng ngâm, sung, ổi) và thức ăn có nhiều chất xơ bã... Người bệnh có triệu chứng bất thường hoặc có nguy cơ cao nên đi khám để được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.


H.Nguyên
Ý kiến của bạn