"Nếu GS. Tôn Thất Tùng làm quản lý, có thể sẽ không có một nhà phẫu thuật gan nổi tiếng"
Đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sáng 13/6, ĐBQH Nguyễn Công Long (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết, dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, công tác khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân đang rất khó khăn, tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm vật tư, vật tư y tế đang diễn ra nhiều nơi. Theo ông Nguyễn Công Long, nhiều người có trách nhiệm không dám mua sắm, sợ sai, sợ vi phạm, thể chế pháp luật không rõ ràng được cho là "nguyên nhân của mọi nguyên nhân".
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Khám chữa bệnh cần giải quyết căn bản những vấn đề bất cập lâu nay trong ngành y tế, phải giải quyết những quy định bất hợp lý trong ngành y tế mà chỉ có ở Việt Nam, như một lãnh đạo ngành y tế từng phát biểu đó là vấn đề về mô hình "quản lý kiêm nhiệm giữa chuyên môn và quản lý điều hành bệnh viện công".
Vị đại biểu tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, nước ta là một trong số ít quốc gia áp dụng mô hình quản lý kiêm nhiệm: "Giám đốc bệnh viện công là những người giỏi chuyên môn, y khoa, phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài từ vị trí bác sĩ điều trị, quản lý cấp khoa phòng đi lên, tuy nhiên họ lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị hoạt động của bệnh viện. Điều này dẫn đến những bất cập trong quản lý trang thiết bị, nguồn nhân lực, hạ tầng… làm chất lượng khám chữa bệnh kém đi, thiếu tính chuyên nghiệp".
Ông Nguyễn Công Long cũng nêu ra thực tế, hiện nay các trường y chỉ chú trọng đào tạo các chuyên ngành y khoa, y đa khoa, cử nhân điều dưỡng… mà không chú trọng đào tạo quản lý bệnh viện. Không phải cho đến bây giờ khi hàng loạt lãnh đạo quản lý bệnh viện sai phạm, xử lý hình sự chúng ta mới thấy mà sự bất cập mà đã xuất hiện từ lâu.
Từ năm 1945 đến nay, trong ngành y tế luôn có hiện tượng người giỏi chuyên môn y khoa khi được cất nhắc làm lãnh đạo luôn phải có sự lựa chọn một trong hai.
Đại biểu tỉnh Đồng Nai dẫn lại câu chuyện của GS. Tôn Thất Tùng, ông giữ trách nhiệm cao nhưng sau đã xin thôi chức lãnh đạo để chuyên tâm cho khoa học. Nếu GS. Tôn Thất Tùng làm quản lý thì chắc chắn thế kỷ 20, thế giới đã không có một nhà phẫu thuật gan nổi tiếng.
Bên cạnh đó, ông Long cho biết, câu chuyện "giằng xé" giữa chuyên môn và quản lý vẫn tiếp tục ở thời điểm hiện nay, và mới đây câu chuyện một bác sĩ đã từ chối chức Giám đốc bệnh viện để chuyên tâm làm khoa học.
CEO không cần giỏi về y khoa mà cần giỏi về quản lý điều hành
Theo quan điểm của đại biểu Long, đối với những người chấp nhận vừa làm chuyên môn, vừa làm quản lý thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ.
"Chúng ta thử hình dung, một bác sĩ bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý cứu bệnh nhân thì đầu óc lại đang bị phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B nào đó. Ai cũng hiểu trong gói thầu, hợp đồng đó có vô số lợi ích của những cơ man các mối quan hệ chằng chịt, nếu không thắng nổi, xử lý hết mối quan hệ đó thì vào tù là sớm hay muộn", vị đại biểu trăn trở.
Từ lâu, ngành y tế đã thấy rõ những bất cập của nhiệm kỳ trước, Bộ đã trình Chính phủ về chủ trương thí điểm cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Theo đó, cùng với đổi mới cơ chế tự chủ tài chính, bệnh viện công sẽ tự chủ về tổ chức bộ máy theo mô hình thành lập hội đồng quản lý gồm Tổng Giám đốc và Giám đốc điều hành.
Dự kiến sẽ thí điểm bệnh viện công thuê giám đốc điều hành là CEO, thay những nhà quản lý chuyên môn bằng những nhà quản lý chuyên nghiệp. CEO không cần giỏi về y khoa mà cần giỏi về quản lý điều hành. Điều này nhằm tạo ra bước đột phá, nâng cao chất lượng bệnh viện, đảm bảo minh bạch và hiệu quả quản lý bệnh viện công phù hợp với xu hướng của thế giới, quan trọng nhất là trả lại sứ mệnh thiêng liêng của bác sĩ là chăm sóc cho bệnh nhân. Rất tiếc là những nỗ lực đó chưa hiệu quả, theo đánh giá, quá trình triển khai mô hình trên gặp phải hai rào cản chính là nhận thức và thể chế.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi bổ sung quy định phân định rõ hoạt động chuyên môn và hoạt động quản lý bệnh viện công; Cần quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý điều hành bệnh viện bên cạnh các quy định về hành nghề khám chữa bệnh; Cần xem xét quy định về tiêu chuẩn các nhân lực quản lý là một tiêu chí bắt buộc trong đánh giá chất lượng của cơ sở khám chữa bệnh theo tiêu chuẩn chung của thế giới.
Cuối cùng, đại biểu này đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện mô hình tự chủ tài chính và tự chủ bộ máy quản lý đối với cơ sở y tế công lập.